Trạm quân dân y kết hợp 799 - điểm tựa cho đồng bào miền biên viễn Tây Bảo Lạc

Văn Thiện 15/06/2022 15:24

Từng mệnh danh là nơi “rừng thiêng nước độc” với đói nghèo và bệnh tật sốt rét, sốt xuất huyết bủa vây bởi hủ tục lạc hậu, nhưng sau hơn 20 năm kể từ khi có mô hình quân dân y kết hợp - Trạm 799 thuộc Quân khu 1 đóng tại huyện Bảo Lạc, đời sống cũng như nhận thức của đồng bào các xã miền biên viễn Tây tỉnh Cao Bằng đã sang một trang mới...

Bảo vệ sức khỏe đồng bào vùng cao

Bảo Lạc từng được biết đến là một trong những huyện nghèo nhất cả nước, những năm trước đây khi chưa có các dự án phát triển vùng biên, đời sống cũng như công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào nơi đây gặp nhiều khó khăn, hủ tục mời thầy cúng về bắt ma mỗi khi có người nhà ốm đau, bệnh tật khá phổ biến. Thực hiện Chương trình kết hợp quân - dân y và tăng cường y tế cơ sở, nhằm góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, năm 2001 Bộ Quốc phòng đã triển khai mô hình trạm xá kết hợp quân - dân y (gọi tắt là Đoàn KT-QP 799 QK1) đóng tại huyện Bảo Lạc.

Nhớ về ngày bệnh xá mới được thành lập, Bác sĩ quân y Thân Thiện Hiền - nguyên trạm trưởng bệnh xá quân dân y 799 cho biết: xuất phát từ những khó khăn của người dân các xã vùng sâu, vùng xa trong việc đi lại do địa hình, xa trung tâm; đồng thời để tri ân những chiến sĩ, đồng bào đã có nhiều hi sinh, cống hiến vì chủ quyền, độc lập của dân tộc... bệnh xá 799 được thành lập, nằm bên khe suối bản Nà Pằn thuộc xã biên giới Thượng Hà.

Với 10 cán bộ, trong đó có 2 bác sĩ, ban đầu cơ sở vật chất, trang thiết bị khám chữa bệnh của trạm rất nghèo nàn, thiếu thốn, nhưng với tinh thần vì nhân dân phục vụ, tất cả các cán bộ y bác sĩ của trạm đều tình nguyện hi sinh tình riêng, không quản ngại khó khăn, gian khổ, vượt qua mọi trở ngại, tất cả đều đồng lòng theo tiếng gọi thiêng liêng lên đường làm nhiệm vụ ngay giữa thời bình để bảo vệ sức khỏe đồng bào vùng cao.

Bác sĩ Thân Thiện Hiền cũng cho biết thêm: ngày đó bệnh viện huyện không có bác sĩ phẫu thuật, nếu có ca cấp cứu phải mổ xẻ thì phải ra tỉnh cách 150km đường rừng, không ít trường hợp khi ra đến viện tỉnh thì bệnh trở nặng, không cứu được phải trả về. Vì vậy với vai trò là trạm trưởng, lại là người có chuyên môn và có kinh nghiệm thực tiễn nhiều năm trong ngành, chính bác sĩ đã trực tiếp huấn luyện  và đào tạo tại chỗ cho bệnh viện có được bác sĩ mổ giỏi có thể đảm nhiệm được các ca mổ lớn cho cả khu vực miền Tây của tỉnh Cao Bằng.

Không chỉ vậy, những năm 2000-2004, Bảo Lạc đón đồng bào di cư tự do ở Tây Nguyên về rất đông, một số người xấu lợi dụng truyền đạo tin lành trái phép gây bất ổn an ninh trật tự... Trong khi đó, về giao thông thời điểm đó lại không thuận lợi do địa bàn huyện đang triển khai thi công làm đường, giao thông thường bị tắc nghẽn... Do đó, những chiến sĩ, bác sĩ mang hai màu áo trắng và màu áo lính của Trạm 799 lại có thêm một nhiệm vụ đó là làm công tác dân vận, giúp bà con thay đổi tư duy, có lối sống tích cực, lành mạnh, tích cực tham gia các mô hình trồng rừng, sản xuất phát triển kinh tế ở địa phương. Các chuyến khám chữa bệnh trực tiếp tại các bản xa trung tâm, giáp biên giới theo đó cũng thường xuyên được tăng cường. Nhờ đó, không chỉ nhiệm vụ về khám, chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe đồng bào được bảo đảm, mà công tác dân vận thành công cũng giúp đời sống đồng bào nơi đây ngày càng ấm no, bà con tích cực tham gia phát triển sản xuất, trồng cây gây rừng, không còn nghe theo người xấu xuyên tạc tuyên truyền, tình hình an ninh trật tự được bảo đảm.

"Làm ưng cái bụng của đồng bào"

Hơn 20 năm, nhiều nỗ lực của cán bộ chiến sĩ quân y trạm 799, với nhiều chuyến đi khám, chữa bệnh kết hợp dân vận đáng nhớ, không kể hàng ngàn ca bệnh thông thường như hắt hơi sổ mũi, đau tay, chân..., cán bộ quân y của trạm đã cứu thành công hàng trăm ca bệnh nặng như: đứt ruột, tắc ruột, vết thương thấu phổi, vỡ gan, đứt niệu đạo...

Khi được hỏi về Trạm 799, không ít người dân các xã của huyện Bảo Lạc bày tỏ sự tin tưởng vào đội ngũ y bác sĩ của trạm với sự tin tưởng, coi nơi đây là điểm tựa, chỗ dựa cho đồng bào các xã miền viễn Tây. “ Các y bác sĩ của Trạm 799 rất tuyệt vời, nhờ có họ mà không ít bà con được cứu sống. Như tôi, năm 2003 bị vỡ đứt đôi đoạn ruột do tai nạn ô tô. Nếu ngày đó không có các bác sĩ của Trạm 799 cấp cứu và nhiệt tình cứu chữa kịp thời, không biết giờ đây tôi có còn sống sót nữa không. Nên cái mạng này của tôi đến giờ vẫn còn là nhờ ơn các y bác sĩ Trạm 799 nhiều lắm”- bệnh nhân Hoàng Chòi Phâu, bản Nậm Lìn, xã Đình Phùng bày tỏ.

Đáng nói, nhiều hủ tục lạc hậu, nhất là hủ tục mời thầy cúng về bắt ma mỗi khi có người nhà ốm, phụ nữ tự đẻ ở nhà... đã giảm rất đáng kể. Chủ tịch Hội nông dân xã Thượng Hà Nguyễn Văn Tiến cho biết: cách đây khoảng 20-25 năm về trước, Thượng Hà còn lạc hậu lắm, vốn được coi là nơi rừng thiêng nước độc, đói nghèo và chết do bệnh tật như sốt rét và sốt xuất huyết cũng nhiều, bởi bà con không biết ngủ màn. Trước kia ốm đau thường đón thầy Tào về cúng con ma rừng tế thần; người chết cũng để lâu trong nhà, thường đốt đuốc đem đi chôn về ban đêm mất vệ sinh môi trường… Nhưng bước chuyển rất rõ về nhận thức của bà con nơi đây kể từ khi các chiến sỹ quân y về đây. Nhờ các hoạt động lồng ghép̣ như vừa khám chữa bệnh cấp phát thuốc miễn phí, vừa tuyên truyền chủ chương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trực tiếp cầm tay chỉ việc bà con cách làm kinh tế; trồng lúa nước, trồng rừng quế rừng hồi, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh tật... đến nay bà con đã biết ngủ màn, các hủ tục ma chay, mời thầy cúng chữa bệnh đã được đẩy lùi. Hầu hết bà con đồng bào khi đau ốm đã biết tìm đến trạm để thăm khám và xin thuốc uống.

“Nhờ có Trạm 799, bệnh tật nơi đây đã giảm khá nhiều so với trước, nhận thức cũng như đời sống của bà con các xã phía Tây Cao Bằng cũng được nâng cao. Thành quả này chính là thành công của các y bác sĩ quân y Trạm 799 trong công tác dân vận, vì đã biết “làm ưng cái bụng của đồng bào”- Nguyên Giám đốc y tế dự phòng huyện Bảo Lạc, BS Hoàng Văn Sào nhận xét.

Văn Thiện