Tiến bộ nhưng chưa đủ
Thực tế cho thấy rằng, việc đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, quy định về điều kiện chung đối với nhãn hiệu được bảo hộ gặp nhiều vướng mắc khiến các doanh nghiệp dễ mất nhiều cơ hội kinh doanh.
Khoản 1, Điều 72 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định điều kiện chung đối với nhãn hiệu về mặt hình thức phải đảm bảo có thể nhìn thấy dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc; Có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác.

Theo đó, nhãn hiệu có thể quan sát được và có thể phân biệt nó với những loại nhãn hiệu của những doanh nghiệp khác đang tồn tại trên thị trường. Nhãn hiệu không thể tồn tại vô hình bởi lẽ nếu không xác định được bất cứ chi tiết nào, cơ quan có thẩm quyền không thể bảo vệ quyền sở hữu đối với nhãn hiệu đó.
Có thể thấy, phạm vi dấu hiệu được công nhận là nhãn hiệu hàng hóa ở nước ta vẫn rất hẹp và không tương thích với quy định của Hiệp định TRIPs - Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ. Đơn cử, Điều 15, Hiệp định TRIPs quy định bất kỳ một dấu hiệu hoặc tổ hợp các dấu hiệu nào có khả năng phân biệt hàng hoá hoặc dịch vụ của một doanh nghiệp với hàng hoá hoặc dịch vụ của các doanh nghiệp khác đều có thể được công nhận là nhãn hiệu hàng hoá. Như vậy, bên cạnh các dấu hiệu có thể được quan sát được bằng mắt thì các dấu hiệu không nhìn thấy như âm thanh, mùi, vị nếu như có khả năng phân biệt thì có thể được đăng ký là nhãn hiệu hàng hóa.
Để tháo gỡ vướng mắc, Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (Dự thảo) đã bổ sung thêm điều kiện được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa là “dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa”. Có thể thấy, đây là lần đầu tiên pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam ghi nhận một loại nhãn hiệu phi truyền thống đó là một sự tiến bộ đáng được ghi nhận trong Dự thảo. Theo đó, quy định này có thể hiểu rằng “dấu hiệu âm thanh” sẽ có hai loại là “dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa” và “dấu hiệu âm thanh không thể hiện được dưới dạng đồ họa”. Tuy nhiên, chỉ có “dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa” mới có thể được xem là một loại dấu hiệu để đăng ký làm nhãn hiệu. Vì vậy, việc quy định “thể hiện được dưới dạng đồ họa” đằng sau “dấu hiệu âm thanh” là điều cần phải bàn thêm.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, việc quy định chỉ giới hạn bảo hộ “dấu hiệu âm thanh thể hiện dưới dạng đồ họa” là phạm vi khá hẹp và chưa thực sự phù hợp với các cam kết quốc tế mà nước ta đã ký trước đó. Việc “thể hiện được dưới dạng đồ họa” chỉ nên là phương án lựa chọn của người nộp đơn chứ không phải là yêu cầu bắt buộc.