Hỗ trợ, bảo vệ kịp thời nạn nhân bị bạo lực gia đình
Trong phiên thảo luận Tổ chiều qua, cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), các đại biểu đề nghị tăng cường phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong phát hiện và giải quyết các vấn đề về bạo lực cho nạn nhân có khó khăn về tài chính, nhất là bảo vệ, hỗ trợ kịp thời, đầy đủ. Các cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình nêu cao trách nhiệm trong phát hiện, cung cấp thông tin về nạn nhân bị bạo lực gia đình.

Bạo lực gia đình cho đến nay vẫn là một trong những vấn đề nhức nhối trong xã hội và có những ảnh hưởng tiêu cực, để lại nhiều hệ lụy trực tiếp đối với không chỉ nạn nhân của bạo lực gia đình mà còn đối với những thành viên khác, nhất là trẻ em. Báo cáo Điều tra Quốc gia cho thấy, cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ bị bạo lực về thể xác, tinh thần, tình dục hoặc kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng gây ra trong cuộc đời. Điều tra quốc gia cũng ước tính bạo lực đối với phụ nữ đang gây ra thiệt hại kinh tế ước khoảng 1,8% GDP và khó khăn hơn khi bạo lực đối với phụ nữ vẫn bị che giấu, một nửa số phụ nữ bị chồng bạo lực chưa bao giờ kể với bất kỳ ai. 90% phụ nữ bị bạo lực thể xác hoặc tình dục do chồng gây ra không tìm kiếm bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chính quyền hay dịch vụ trợ giúp ; 60% phụ nữ bị bạo lực thể xác là do các thành viên nam trong gia đình gây ra... Chính vì vậy, tôi tán thành cao với việc cần thiết sửa đổi Luật lần này.
Tôi đề nghị Ban soạn thảo quan tâm đến việc cung cấp dịch vụ trợ giúp, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, sự can thiệp của chính quyền chủ yếu mang tính chất hành chính mà chưa có nhiều thay đổi so với Luật hiện hành thì khó có thể làm thay đổi tình trạng hiện nay. Thực tế cho thấy, hầu hết nạn nhân không tìm đến chính quyền, không tìm đến các trợ giúp được pháp luật quy định. Do đó, nên nghiên cứu để có thể bổ sung quy định ở cấp xã nên có thêm đầu mối tiếp nhận thông tin, trợ giúp cụ thể và có thể là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, chứ không chỉ quy định trách nhiệm hành chính của Chủ tịch UBND cấp xã hay công an xã.
Dự thảo Luật có quy định một số nội dung liên quan đến trách nhiệm của lực lượng công an xã nhưng thẩm quyền chưa được xác định cụ thể, nội dung mang tính chất chung chung, rất khó triển khai trong thực tiễn. Do đó, cần cụ thể hóa hơn nữa các quy định này để phù hợp với chức năng bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở của công an xã.
ĐBQH Nguyễn Thị Mai Thoa (Hải Dương): Cần có hệ thống quy định riêng phù hợp với chủ thể đặc thù là trẻ em

Trong phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, trẻ em là một trong những đối tượng yếu thế, là người bị bạo lực, có đặc điểm riêng. Đó là chưa phát triển hoàn thiện, sống phụ thuộc, khả năng tự bảo vệ và nhận thức về bạo lực gia đình còn hạn chế, còn yếu thế hơn những đối tượng yếu thế khác trong gia đình bao gồm phụ nữ, người già, người khuyết tật… Vì vậy, trẻ em cần được xác định là chủ thể đặc thù để có những nguyên tắc, hệ thống quy định riêng, xuyên suốt trong dự thảo Luật.
Tuy nhiên, một số quy định trong dự thảo Luật chưa phù hợp để quy định cho đối tượng là trẻ em. Ví dụ như hành vi phát tán thông tin về đời tư của người bị bạo lực gia đình, Điều 3 dự thảo Luật quy định: là hành vi truyền bá thông tin về nhân thân, chỗ ở, nơi làm việc của người bị bạo lực gia đình, hoặc của người đại diện theo pháp luật của người đó. Tuy vậy, đối với các trường hợp người bị bạo lực gia đình là trẻ em thì các thông tin cần giữ kín không chỉ về nhân thân, chỗ ở mà còn là trường học, hình ảnh và các thông tin định danh liên quan khác của trẻ.
Về các giải pháp phòng ngừa bạo lực gia đình cho đối tượng trẻ em, dự thảo Luật đã quy định nhiều giải pháp hỗ trợ người bị bạo lực, như giải pháp truyền thông, hòa giải, chấm dứt bạo lực… Những giải pháp này có thể phù hợp với phần lớn các xung đột, mâu thuẫn giữa cha mẹ già và con cái, giữa vợ - chồng. Nhưng không phải giải pháp nào cũng phù hợp với các hành vi bạo lực gia đình với trẻ em. Ví dụ như giải pháp hòa giải, do hành vi bạo lực là từ một phía, kẻ mạnh đối với kẻ yếu, nên không thể hòa giải. Theo giải thích tại Điều 20 dự thảo Luật, hòa giải là biện pháp giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình giữa người bạo lực và người bị bạo lực. Tuy nhiên, với các vụ án bạo lực gia đình đối với trẻ gần đây không xuất phát từ mâu thuẫn và tranh chấp giữa người bạo lực và trẻ bị bạo lực. Hơn thế, việc thực hiện hòa giải phải tuân thủ theo nguyên tắc “tôn trọng sự tự nguyện của các bên” và nguyên tắc “bình đẳng” như quy định trong dự thảo Luật khó có thể thực hiện được trong thực tế, bởi trẻ em là đối tượng yếu thế, non nớt và lệ thuộc thì khó có thể bảo đảm nguyên tắc tự nguyện hay bình đẳng trước cha/mẹ.
Quy định về 4 loại hình bạo lực trong dự thảo Luật gồm: thể chất, tinh thần, kinh tế và tình dục đối với trẻ em cũng cần được quy định rõ hơn. Đặc biệt, cần cụ thể hóa các hành vi bạo lực về tinh thần, ví dụ hành vi chứng kiến bạo lực gia đình; ép con học cũng là hành vi bạo lực tinh thần. Cha mẹ ép con học quá nhiều hoặc lăng nhục, chửi mắng khi con không đạt thành tích như kỳ vọng có thể được liệt kê vào các trường hợp bạo lực về tinh thần. Bởi lẽ, từ những thúc ép của cha mẹ, sự kỳ vọng quá cao của cha mẹ sẽ dẫn tới căng thẳng tâm lý, gây ra những áp lực đối với trẻ em, dần dần tích tụ có thể là nguyên nhân gây ra các bệnh về tinh thần, tâm lý, như tình trạng trầm cảm hoặc các hành vi quá khích, tự tử là những hậu quả hết sức nghiêm trọng, không ai mong muốn.
ĐBQH Trần Văn Thức (Thanh Hóa): Nghiêm cấm đăng tải thông tin, hình ảnh bạo lực, kích động bạo lực gia đình

Trong bối cảnh công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay, truyền thông đại chúng có vai trò quan trọng trong phòng, chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, truyền thông đại chúng cũng bộc lộ một số mặt tiêu cực, nhất là các thông tin trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo. Vì vậy, tôi đề nghị dự án Luật cần quy định rõ thêm việc nghiêm cấm đăng tải các thông tin, hình ảnh bạo lực, kích động bạo lực gia đình gây ảnh hưởng xấu trong xã hội. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phòng, chống bạo lực gia đình tại các vùng nông thôn, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, nơi mà nhận thức của người dân về vấn đề này còn hạn chế.
Để tăng cường sự phối hợp trong phát hiện và giải quyết các vấn đề về bạo lực cho nạn nhân có khó khăn về tài chính, cần sự vào cuộc của nhiều cơ quan, tổ chức liên quan nhằm bảo vệ, hỗ trợ kịp thời, đầy đủ theo nhiều phương diện như tâm lý, y tế, nơi ở, tư vấn pháp lý và trong quá trình xét xử vụ việc bạo lực gia đình. Tuy vậy, một trong những khó khăn hiện nay là làm sao để các nạn nhân tiếp cận những dịch vụ hỗ trợ nêu trên một cách thuận lợi nhất. Do đó, rất cần quy định về sự phối hợp giữa các cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình trong phát hiện, cung cấp thông tin nạn nhân bị bạo lực gia đình để họ được bảo vệ và hỗ trợ kịp thời.
ĐBQH Hà Quốc Trị (Khánh Hòa): Quy định cơ sở nhận diện các hành vi bạo lực mới trong gia đình

Dự thảo Luật có nhiều bổ sung về hành vi bạo lực gia đình. Tuy nhiên, tôi đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung đối tượng là hành vi bạo hành của cha mẹ với con cái; hoặc hành vi của con cái gây tổn thương về thể xác và tinh thần cho cha mẹ. Trong xã hội hiện nay các hành vi này diễn ra ngày càng phổ biến và tinh vi hơn, gây tổn thương nghiêm trọng hơn. Đồng thời, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng cần nghiên cứu để bổ sung các quy định tạo cơ sở để nhận diện được các hành vi bạo lực mới trong gia đình. Đồng thời, bổ sung đối tượng điều chỉnh là với những hành vi bạo lực với trẻ em, phụ nữ mang thai, người cao tuổi hoặc người khuyết tật. Bổ sung quy định về những biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ và bảo vệ những đối tượng yếu thế trong xã hội này.
Trong thiết kế các chế định cần quy định rõ cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong việc tuyên truyền, giáo dục, hỗ trợ bảo vệ nạn nhân bị bạo lực. Trong dự thảo Luật chưa quy định rõ cơ chế này, nếu Luật không quy định được, thì dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành phải xác định rõ để tạo cơ chế rõ ràng, trách nhiệm và nghĩa vụ giữa các cơ quan có liên quan trong thực hiện công tác này.