Một góc nhìn về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nhật Linh 19/05/2022 22:14

Theo ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch Alpha Books, Viện trưởng Viện Lãnh đạo ABG, một nhân vật kiệt xuất như Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngoài tư tưởng và đạo đức, hẳn còn có tư duy xuất sắc, tư duy chiến lược, tư duy hệ thống mà chúng ta có thể học hỏi. “Chính vì vậy, tôi muốn tiếp cận và tìm hiểu theo hướng Hồ Chí Minh là một chiến lược gia, chính trị gia, nhà tổ chức và người thực thi”, khám phá những điều chưa biết từ việc xâu chuỗi những sự kiện, sử liệu đã biết.

Trong bài thuyết trình tại Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông) chiều 19.5, ông Nguyễn Cảnh Bình tự nhận không phải là người nghiên cứu chuyên nghiệp chuyên sâu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng “tôi hâm mộ Hồ Chí Minh nhất”. Và ông đã có cách tiếp cận khác khi nghiên cứu, học tập Hồ Chí Minh, mà theo Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại Đoàn Công Huynh, là đưa ra những giả thuyết, ước đoán, suy nghiệm, từ đó gợi mở cho mọi người cùng nhau lấp đầy những giả thuyết, ước đoán, suy luận đó để tiếp cận được nhiều hơn, lợi lạc nhiều hơn về một nhân vật lịch sử kiệt xuất của dân tộc.

Mọi lựa chọn đều có mục đích

Nghiên cứu của ông Nguyễn Cảnh Bình tập trung vào giai đoạn 1911 -1930, khi chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành rời bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. Trong đó, từ năm 1911 - 1919 là giai đoạn Người lên đường tìm hiểu thế giới, tích lũy kiến thức, kiếm tìm học thuyết.

Người chọn Pháp làm điểm dừng chân đầu tiên với mong muốn tìm hiểu về cuộc cách mạng tư sản Pháp và ý nghĩa của ba từ tự do - bình đẳng - bắc ái mà khi còn học ở Trường tiểu học Pháp - bản xứ ở thành phố Vinh ngày nào Người cũng trông thấy. “Nhưng đến Pháp, Người nhận ra có một cuộc cách mạng khác thành công hơn nhiều, đó là cách mạng Mỹ, khi đuổi được người Anh và giành độc lập cho người Mỹ”. Có lẽ vì thế mà Bác quyết định sang Mỹ.

Một góc nhìn về Chủ tịch Hồ Chí Minh -0
Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp

Mỹ lúc đó chưa phải là một cường quốc, nhưng Bác đã thấy một luồng sáng. Người chọn ở Boston - cái nôi của cách mạng Mỹ, trái tim của giới trí thức Mỹ. Khách sạn Omni Parker Người ở đối diện là tòa thị chính Boston, gần đó là nghĩa trang cổ nhất. “Lựa chọn Boston và Khách sạn Omni Parker, Người có điều kiện quan sát và tiếp xúc giới chính trị gia, trí thức và học giả Mỹ” - ông Nguyễn Cảnh Bình lý giải.

Và theo ông Bình, một trong những chiến lược của các nhà lãnh đạo là dịch chuyển về trung tâm quyền lực, cả theo nghĩa địa lý và chính trị, đi vào trái tim, nơi khó khăn nhất, phức tạp nhất, trở ngại nhất. Đây đã trở thành thói quen, bản năng, kinh nghiệm, trải nghiệm của Hồ Chí Minh trong tất cả những câu chuyện sau này.

Sau Mỹ, Bác sang Anh - nước tự do nhất. Tại Anh, Hồ Chí Minh tham dự những cuộc diễn thuyết tại quảng trường Trafalgar của nhiều nhà chính trị và triết học, tham gia Hội những người lao động hải ngoại, ủng hộ cuộc đấu tranh yêu nước của nhân dân Ireland. Người cũng đến sống tại khu của người giàu, khu của người lao động Anh…

“Mọi lựa chọn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều có mục đích. Khi đã tìm hiểu xong, đạt được mục tiêu, sứ mạng, không còn gì để học hỏi nữa, Người sẽ rời đi”, ông Nguyễn Cảnh Bình nhận định.

Tư duy vượt trội, hành động kiệt xuất

Từ năm 1920 - 1930, Hồ Chí Minh tham gia các tổ chức, tìm kiếm các mối quan hệ, thử nghiệm các ý tưởng, lý thuyết; đồng thời đào tạo lực lượng đội ngũ, nguồn lực cho cách mạng. 1930 - 1945 là giai đoạn của nhà tổ chức và lãnh đạo khi Người quyết định thành lập Đảng, nuôi dưỡng lực lượng, phát triển tổ chức, chọn thời điểm để đi đến hành động…

Nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Cảnh Bình đặc biệt ấn tượng về một nhà lãnh đạo có tư duy vượt trội, năng lực tổ chức và hành động kiệt xuất. Nguyễn Ái Quốc ngay sau khi đến Quảng Châu đã nghiên cứu tính cách của từng cá nhân của tất cả những người Việt Nam ở Quảng Châu từng theo Phan Bội Châu (Tâm Tâm xã...) và chọn ra những người nói trên để thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, sau này phát triển tới khoảng 2.000 người, trở thành lực lượng nòng cốt của Đảng.

Ngày 3.2.1930, tại Hong Kong, Nguyễn Ái Quốc đã thống nhất ba tổ chức Cộng sản tại Đông Dương thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Theo ông Bình, đây là quyết định “trước một bước” của Người và cũng thể hiện là một chiến lược gia tài ba, chọn đúng hướng, có tư duy về không gian giải pháp, chọn đúng thời điểm và hành động.

“Với nhà lãnh đạo, quan trọng là tư duy, là hành động và dám dấn thân”, ông Nguyễn Cảnh Bình nhấn mạnh. Đây là điều chúng ta có thể học tập ở Người và áp dụng vào công việc hàng ngày của mình.

Nhật Linh