"Trong ngắn hạn, cứ để thị trường tự điều tiết!"

ĐAN THANH thực hiện 17/05/2022 05:48

Bình luận về một số giải pháp ổn định thị trường Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa đưa ra, ông PHAN LINH, Giám đốc Chuyên môn sản phẩm, Công ty Tư vấn và đầu tư Take Profit Việt Nam cho rằng, các giải pháp này chỉ mang tính xoa dịu tình thế. Theo ông, trong ngắn hạn cứ để thị trường tự điều tiết, nếu cố can thiệp bằng biện pháp hành chính sẽ phá vỡ quy luật thị trường.

Chỉ mang tính xoa dịu

- Ông đánh giá thế nào về những giải pháp Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa đưa ra nhằm ổn định thị trường?

- Trước hết, phải khẳng định rằng, các giải pháp này mang tính xoa dịu nhiều hơn. Ví dụ, trước ngày 1.3.2022 đã từng công bố thông tin giao dịch tự doanh của các công ty chứng khoán song dưới góc độ la bàn định hướng cho các nhà đầu tư cá nhân thì điều này không đem lại nhiều hiệu quả. Tự doanh cũng giống như một quỹ đầu tư, khi thị trường đi lên (uptrend) thì có thể có lãi và ngược lại, thị trường đi xuống (downtrend) họ vẫn có thể thua lỗ. Bản chất nhà đầu tư vẫn cần phải dựa vào quản trị rủi ro, kiến thức của mình để giao dịch tốt hơn.

Hoặc yêu cầu doanh nghiệp niêm yết có cổ phiếu trần hoặc sàn liên tiếp từ 5 phiên trở lên phải giải trình cũng không có nhiều ý nghĩa đối với việc ổn định thị trường. Thực ra trước đây chúng ta cũng đã có quy định. Tuy vậy, khi đọc báo cáo của các doanh nghiệp này, thông thường họ cho rằng đó là do cung - cầu của thị trường, nội tại doanh nghiệp không có vấn đề gì.

Tựu trung lại, các giải pháp mang tính xoa dịu nhà đầu tư nhiều hơn là có tác động trực tiếp vào thị trường bởi tính đầu cơ, tính lên xuống là một phần tất yếu của thị trường. Sẽ không một biện pháp hành chính nào có thể can thiệp được để ổn định và cân bằng thị trường, nhất là khi quy mô thị trường đã quá lớn, hiện đạt trên 120% GDP.

Bài học kinh nghiệm của Trung Quốc giai đoạn 2015 cho thấy chứng khoán sụt giảm mạnh và nước này đã ban hành một loạt giải pháp hành chính song cũng chỉ chặn được đà rơi trong vòng khoảng 2 tuần, sau đó lại tiếp tục rơi. 

Quan trọng nhất là phải minh bạch

- Thị trường chứng khoán được coi là hàn thử biểu của nền kinh tế. Trong bối cảnh vĩ mô vẫn rất nhiều triển vọng, việc thị trường chứng khoán lao dốc, mất mốc 1.200 điểm, có những phiên hơn 300 mã giảm sàn (như phiên ngày 9.5) có đáng lo, thưa ông?

- Chu kỳ của chứng khoán bao giờ cũng đi trước chu kỳ của nền kinh tế. Tham chiếu lại, trong hai năm qua, do tác động của Covid-19 nên mọi thứ rất mù mờ song thị trường chứng khoán vẫn từ từ đi lên. Bây giờ kinh tế đi lên thì chứng khoán lại đi xuống. Vấn đề ở đây không phải do nội tại kinh tế Việt Nam có vấn đề, mà quan trọng là do chính sách thắt chặt tiền tệ của các nước, nhất là của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã tác động tới chứng khoán toàn cầu. Chúng ta đã không còn ở chế độ tiền rẻ như hai năm qua.

Hai năm qua, do mặt bằng lãi suất thấp nên người dân rút riền từ ngân hàng hoặc từ sản xuất kinh doanh đổ vào chứng khoán. Bây giờ, thị trường chứng khoán đi xuống cũng là một điều tích cực vì sẽ có một lượng tiền quay trở lại đúng với nơi mà nó cần phải tập trung như sản xuất kinh doanh, tức nó tìm về điểm cân bằng. 

- Như ông nói, các giải pháp Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đưa ra chỉ mang tính xoa dịu. Vậy cách nào để bảo đảm sự phát triển ổn định, bền vững của thị trường?

- Thời gian qua, thị trường chứng khoán thu hút nhiều nhà đầu tư cá nhân (F0). Số lượng tài khoản mở mới gia tăng kỷ lục. Nhà đầu tư F0 chưa có nhiều kinh nghiệm và khá mong manh nên đẩy sự sợ hãi cũng như sự tham lam của thị trường lên rất mạnh, dẫn đến việc thị trường có những biến động sốc. Đây là tính chất của thị trường và sẽ không một ai, không có giải pháp nào can thiệp nổi! Tôi xin nhấn mạnh lại, trong ngắn hạn, hãy cứ để thị trường tự điều tiết. Khi được định giá quá cao, thị trường sẽ phải tìm về điểm cân bằng. Nếu cứ cố tìm giải pháp hành chính can thiệp sẽ phá vỡ quy luật thị trường.

Về dài hạn, chúng ta vẫn cần phải thực hiện những giải pháp để bảo đảm thị trường phát triển chuyên nghiệp, bài bản. Điều cần làm là các cơ quan có liên quan nên tập trung vào những mục tiêu dài hạn như hoàn thiện hệ thống giao dịch, nâng hạng thị trường nâng cấp hệ thống giao dịch lên như giao dịch T0, có thêm sản phẩm phái sinh mới để thị trường chuyên nghiệp hơn, qua đó thu hút thêm dòng vốn ngoại cũng như thu hút thêm dòng vốn trong nước... Chúng ta cũng đang quyết tâm nâng hạng thị trường. Nếu có lộ trình sẵn rồi thì phải tập trung, đẩy nhanh, đẩy mạnh quá trình này. Quan trọng nhất vẫn là phải minh bạch, tức phải công khai thông tin, theo chuẩn kế toán quốc tế. Khi chúng ta làm từng bước một sẽ giúp thị trường chuyên nghiệp hơn, phát triển bài bản hơn.

- Trong lúc này, ông có lời khuyên nào với các nhà đầu tư?

- Nếu muốn tiếp tục gắn bó với thị trường chứng khoán Việt Nam, các nhà đầu tư cần nhìn lại bài học kinh nghiệm của mình để quản trị rủi ro tốt hơn. Đồng thời, hãy nhìn về tương lai nhiều hơn để trả lời cho câu hỏi: Liệu mức giảm sâu và sốc như này đã xuất hiện cơ hội đầu tư chưa? Việc đầu tư cần dựa trên định giá, tiềm năng tăng trưởng, dòng tiền lợi nhuận tốt năm nay và những năm sau… để quyết định có nên nắm giữ cổ phiếu không. Cần nhắc lại rằng, đà giảm của thị trường lần này là do tác động của việc thắt chặt chính sách tiền tệ của FED và các ngân hàng trung ương, không phải xuất phát từ yếu tố vĩ mô kinh tế Việt Nam!

- Xin cảm ơn ông!

ĐAN THANH thực hiện