Khảo sát việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện Lương Sơn, Hòa Bình
Chiều 12.5, Đoàn khảo sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với UBND huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình về việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021.
Tham dự buổi làm việc có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Phương; Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Tô Văn Tám; Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Nguyễn Hải Nam; Ủy viên Chuyên trách Ủy ban Pháp luật Lê Thanh Hoàn; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Toàn; các thành viên Đoàn giám sát và đại diện một số sở, ngành địa phương.
Theo báo cáo của UBND huyện Lương Sơn, huyện Lương Sơn có 15/20 xã, thị trấn thực hiện sáp nhập, chiếm 71,4% tổng số xã, thị trấn trên địa bàn, còn lại 5 đơn vị cấp xã gồm thị trần Lương Sơn và 4 xã: Lâm Sơn, Tân Vinh, Hòa Sơn và Nhuận Trạch không thực hiện sáp nhập. Đối với 15 xã thực hiện sáp nhập thành 6 xã, trung bình sáp nhập 2,5 xã cũ thành 1 xã mới. Đặc biệt huyện Lương Sơn có 1 đơn vị xã mới được sáp nhập từ 4 xã, đây là phương án sáp nhập nhiều đơn vị hành chính nhất, duy nhất trong toàn tỉnh Hòa Bình; có 2 đơn vị xã mới, mỗi xã được sáp nhập từ 3 xã; có 2 xã mới, mỗi xã được sáp nhập từ 2 xã; có 1 xã được điều chỉnh diện tích tự nhiên và quy mô dân số từ một phần xã giáp ranh.
Kết quả, sau khi sáp nhập huyện Lương Sơn từ 20 đơn vị hành chính xuống còn 11 đơn vị hành chính, (giảm 9 đơn vị hành chính). Ngay sau khi các đơn hành chính mới đi vào hoạt động, UBND huyện đã thực hiện việc phân loại đơn vị hành chính, kết quả như sau: Toàn huyện có 11 đơn vị hành chính, trong đó có 9 đơn vị hành chính loại I, tăng 8 đơn vị; 2 đơn vị hành chính loại II và không có đơn vị hành chính loại III như trước đây. Như vậy, bằng việc tập trung chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở; sự ủng hộ vào cuộc của Nhân dân và cán bộ huyện Lương Sơn; kết quả tổ chức hội nghị lấy ý kiến của cử tri tại các đơn vị hành chính dự kiến sắp xếp luôn đạt tỷ lệ cao từ 70% trở lên, không có địa phương nào phải lấy lại ý kiến của cử tri.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn tồn tại những hạn chế, như: Số lượng công chức xã mới sau sắp xếp đơn vị hành chính nhiều nên khó khăn trong việc sắp xếp, bố trí công việc, phân công nhiệm vụ, điều kiện làm việc; việc giải quyết chế độ chính sách đối với cán bộ dôi dư còn gặp nhiều khó khăn; công tác quản lý, sử dụng tài sản công (cơ sở vật chất, trang thiết bị ở trụ sở các xã, nhà văn hóa…) sau sáp nhập còn bất cập, điều kiện cần thiết để làm việc còn thiếu, nhất là phòng làm việc cho cán bộ, công chức. Có xã phải bố trí trụ sở làm việc ở 2 nơi, gây khó khăn cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đến liên hệ công tác;...

Vì vậy, huyện Lương Sơn kiến nghị, đề xuất với các cấp có thẩm quyền xem xét tăng số lượng cán bộ, công chức cấp xã đối với những xã mới sáp nhập để giải quyết việc dôi dư cán bộ, công chức, vừa bảo đảm thực hiện công việc tăng lên do địa bàn xã mở rộng; xem xét tăng phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách, cán bộ hợp đồng xã nhằm bảo đảm thu nhập. Đồng thời, tăng thêm biên chế cấp xã được giao theo Nghị định số 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ xã loại I được bố trí 23 cán bộ, công chức vì thực tế hiện nay, thực hiện Quyết định số 206/QĐ-UBND, ngày 6.2.2020 của UBND tỉnh Hòa Bình về việc bố trí công an chính quy về cơ sở; xã loại I lại chỉ được bố trí tối đa 22 biên chế là chưa phù hợp;…

Thay mặt đoàn khảo sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương đã đánh giá cao kết quả sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 tại huyện Lương Sơn. Đồng thời ghi nhận, tiếp thu các kiến nghị của huyện Lương Sơn để tổng hợp trình Quốc hội và cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết, điều chỉnh phù hợp với thực tế tại địa phương.


