Hoạt động nuôi biển vẫn theo hướng tự phát

HẠNH NHUNG 12/05/2022 09:02

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hoạt động nuôi biển vẫn theo hướng tự phát với mật độ nuôi dày, tình trạng phá vỡ quy hoạch còn phổ biến dẫn đến ô nhiễm môi trường và khó tiêu thụ sản phẩm.

Tình trạng phá vỡ quy hoạch còn phổ biến

Tại hội nghị bàn giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển bền vững ngày 11.5, Tổng cục Thủy sản cho biết, giai đoạn 2010 - 2021, nuôi biển có bước phát triển đáng kể, diện tích và sản lượng không ngừng tăng. Năm 2010, tổng diện tích nuôi biển đạt 38.800ha, sản lượng 156.681 tấn; đến năm 2021 tăng lên 85.000ha và 9 triệu m3 lồng/bè, sản lượng trên 730.000 tấn; năm 2022 phấn đấu đạt 90.000ha và 9,5 triệu m3 lồng nuôi, tổng sản lượng 790.000 tấn.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng nước ta có tiềm năng to lớn để phát triển nuôi biển, đặc biệt là nuôi biển công nghiệp, như điều kiện tự nhiên thuận lợi, đối tượng nuôi phong phú. Thời gian qua, Chính phủ và các địa phương đã ban hành nhiều chính sách, chương trình để thúc đẩy nuôi biển phát triển, bước đầu hình thành hạ tầng vùng sản xuất giống, vùng nuôi tập trung; công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến, phát triển thị trường tiêu thụ…

Tuy nhiên, quá trình phát triển ngành nuôi biển vẫn còn gặp nhiều khó khăn như quy hoạch và thực hiện quy hoạch nuôi biển chưa tốt. Hoạt động nuôi biển vẫn theo hướng tự phát với mật độ nuôi dày, phá vỡ quy hoạch còn phổ biến dẫn đến ô nhiễm môi trường, tiêu thụ sản phẩm khó phát triển đồng bộ. Công nghệ sản xuất giống, công nghệ nuôi, quản lý sức khỏe và môi trường vùng nuôi còn nhiều hạn chế. Hạ tầng phục vụ nuôi biển công nghiệp chưa phát triển đồng bộ. Nghiên cứu, dự báo thị trường tiêu thụ sản phẩm nuôi biển còn yếu kém. Tài chính và nhân lực cho phát triển nuôi biển nói chung và nuôi biển công nghiệp còn thiếu và yếu.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Định Trần Văn Phúc cho biết, quá trình phát triển nuôi biển của địa phương vẫn chậmdo đặc điểm tự nhiên là vùng biển hở nên không thuận lợi. Bên cạnh đó, điều kiện cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế như chưa có nhà máy sản xuất thức ăn phục vụ cho nuôi biển,vốn đầu tư còn thấp, phương thức nuôi vẫn theo kiểu truyền thống.

Theo đại diện Chi cục Thủy sản Hải Phòng, tác động của các hoạt động kinh tế - xã hội như các dự án giao thông, xây dựng, cảng biển khiến diện tích nuôi trồng thủy sản bị thu hẹp. Ngân sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nuôi biển công nghiệp còn hạn chế. Địa phương cũng chỉ mới chủ động sản xuất về giống thủy sản mặn, lợ như tôm sú, cua biển, cá bống bớp…; giống cá mới chỉ sản xuất thành công ở quy mô nhỏ, vẫn phải nhập giống từ các tỉnh, thành khác, bị động về mùa vụ.

Hoạt động nuôi biển vẫn theo hướng tự phát -0
Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển ngành nuôi biển
Nguồn: ITN

Thu hút doanh nghiệp lớn đầu tư

Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng phê duyệt Quyết định 1664/QĐ-TTg đặt mục tiêu đến năm2025 diện tích nuôi biển đạt 280.000ha, thể tích lồng nuôi 10 triệu m3 ;sản lượng 850.000 tấn; kim ngạch xuât́ khâủ đạt 0,8 - 1 tỷ uSD. Đến năm 2030, diện tích nuôi đạt 300.000ha, sản lượng 1,45 triệu tấn, xuất khẩu đạt 1,8 - 2 tỷ USD.

Để hiện thực hóa mục tiêu này đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Phòng cho rằng, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cần đổi mới các chính sách hỗ trợ để thu hút doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết và đầu tư vào nuôi biển; trong đó ưu tiên doanh nghiệp có tiềm lực lớn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tổng cục Thủy sản cần triển khai đồng bộ chương trình giám sát quốc gia bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chất lượng, an toàn thực phẩm các sản phẩm nuôi biển. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích đầu tư, ưu tiên bố trí nguồn vốn thực hiện các dự án hỗ trợ cơ sở hạ tầng, dịch vụ phát triển nuôi biển cho các địa phương.

Theo ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủysản tỉnh Bình Thuận,vốn đầu tư xây dựng hạ tầng phát triển nghề nuôi biển hiện còn hạn chế. Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần hỗ trợmời gọi các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước tham gia đầu tư nuôi biển. Thời gian tới, Bình Thuận sẽ sắp xếp, ổn định lại các khu vực nuôi biển ven bờ, ven đảo nhằm bảo đảm mật độ lồng nuôi và sức tải môi trường; thường xuyên theo dõi, cảnh báo diễn biến thời tiết, tăng cường phòng, chống dịch bệnh trong nuôi biển...

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, muốn phát triển nuôi biển bền vững cần phải đồng bộ về cơ chế, chính sách về tín dụng, bảo hiểm, đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực, sơ chế chế biến. Đặc biệt, cần kêu gọi các doanh nghiệp lớn đầu tư, đây sẽ là những cánh chimđầu đàn để xây dựngmột hệ sinh thái nuôi biển cả vùng khơi, vùng lộng và vùng bờ.

Đại diện Tổng cục Thủy sản cho biết, thời gian tới sẽ tập trung xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển, đào tạo nguồn nhân lực. Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trịsản phẩm,xây dựng cơ chế liên kết giữa nuôi biển với hoạt động các ngành kinh tế khác. Phối hợp với các bộ, ngành trong việc thẩm định cấp đất, mặt biển nuôi trồng thủysản, nhất là đốivới các nhà đầu tư nước ngoài. Lồng ghép hoạt động xúc tiến thương mại các sản phẩm nuôi biển (tươi sống) hoặc thông qua chế biến vào Chương trình xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy sản chung của cả nước…

HẠNH NHUNG