Vì sao khó "hấp thụ" vốn đầu tư công?

NINH HÀ 12/05/2022 07:43

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 30.3, có 13/51 bộ, cơ quan Trung ương và 21/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 với số vốn bằng khoảng 10% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Còn theo báo cáo của Bộ Tài chính, vốn ngân sách nhà nước năm 2022 ướcthanh toán đến ngày 31.3 đạt 11,88% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2021 (13,17%). Đáng chú ý là chỉ có 4 bộ và 15 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 20%, một số đơn vị đạt trên 25%; có tới 46/51 bộ, cơ quan Trung ương và 27/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức bình quân của cả nước, trong đó, 29 bộ, cơ quan chưa giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022.

Đầu tư công là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế nhưng tình trạng giải ngân chậm năm nào cũng xảy ra. Lý do một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đưa ra là một số dự án khởi công mới đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục đấu thầu, thương thảo hợp đồng. Tuy vậy, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, việc chậm tiến độ là do trách nhiệm của các chủ đầu tư; một số bộ, cơ quan và địa phương chưa thật sự quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chưa kịp thời ban hành các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công vì thực tế, cùng một cơ chế, chính sách, có bộ, địa phương giải ngân tốt, nhưng có bộ, địa phương giải ngân rất thấp. Bên cạnh đó, do giá vật tư, vật liệu xây dựng sắt thép, cát đá, xi măng… tăng cũng khiến tiến độ thi công dự án bị chậm, thi công cầm chừng...

Phân tích thêm về tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, một chuyên gia cho rằng, có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan nhưng quan trọng nhất làcông tácchuẩn bị dự án kém, mang tính hình thức. Lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương chưa thật sự coi giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm nên thiếu đôn đốc. Ý kiến khác cũng cho rằng, vấn đề nổi cộm là việc lập kế hoạch chưa sát với thực tế và khả năng giao, khả năng giải ngân. Ngoài ra, việc tổ chức triển khai thực hiện tại các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương còn nhiều bất cập. Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét. Người đứng đầu một số bộ ngành, địa phương đôi khi thiếu quyết liệt, có phần đùn đẩy, né tránh. Thậm chí, gần đây có tình trạng sợ trách nhiệm trong thựcthi giải ngân nguồn vốn dự án đầu tư công.

Lượng vốn đầu tư công cần giải ngân trong năm 2022 khá lớn vì ngoài số vốn kế hoạch năm đã được Quốc hội quyết định còn có vốn bổ sung từ nguồn vốn thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị một số giải pháp như các bộ, địa phương cần kiểm điểm rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, trên cơ sở đó đề ra giải pháp phù hợp trong phân bổ và giải ngân. Tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; ràsoát, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn...

Đầu tư công giữ vai trò dẫn dắt, lan tỏa, thúc đẩy đầu tư của xã hội. Đầu tư công hiệu quả sẽ có kết cấu hạ tầng tốt. Ngượclại,chậm "hấp thụ" nguồn vốn này, nền kinh tế sẽ bị kìm hãm. Do đó, với những địa phương, bộ ngành chậm trễ giải ngân, cần làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu như thế nào, vướng mắc thể chế ra sao chứ không thể chung chung mãi.

NINH HÀ