Bàn về “lương đủ sống” cho người lao động

TS. VŨ MINH TIẾN - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam 09/05/2022 06:04

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra mục tiêu: "Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; phải có cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước; mọi chính sách của Đảng, Nhà nước đều phải hướng vào nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của Nhân dân". Việc xác định “lương đủ sống” cho người lao động chính là cụ thể hóa mục tiêu này.

Bấp bênh đời sống công nhân

Tính toán của Viện Công nhân và Công đoàn từ số liệu thống kê cho thấy, công nhân, lao động trong doanh nghiệp hiện nay chỉ chiếm khoảng 15% dân số và khoảng 27% lực lượng lao động xã hội, nhưng đã đóng góp trên 75% ngân sách và trên 65% GDP của cả nước.

Bàn về “lương đủ sống” cho người lao động -0
Cần sớm thiết lập lương đủ sống cho người lao động
Nguồn: ITN

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm bảo đảm việc làm, nâng cao mức sống và từng bước cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động. Tuy nhiên, còn đó nhiều vấn đề bức xúc, cấp bách kéo dài mà chưa được quan tâm, giải quyết thỏa đáng. Đặc biệt, qua hơn 2 năm đại dịch diễn ra, những vấn đề đó tiếp tục bị “lật tung” lên và hiện ra rõ hơn, trầm trọng hơn: Tiền lương thấp và thiếu tích luỹ; việc làm, thu nhập bấp bênh; nhà ở và điều kiện sinh hoạt, giáo dục, y tế khó khăn; an sinh và phúc lợi xã hội thiếu bảo đảm.

Khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn năm 2020 cho thấy: Có tới 65,6% công nhân lao động hiện đang phải thuê nhà trọ để ở, trong đó, 3,6% công nhân lao động đang phải ở nhà thiếu kiên cố hoặc nhà đơn sơ, với điều kiện chật chội, ẩm thấp, thiếu ánh sáng, tiện nghi sinh hoạt; 22,9% công nhân lao động đang phải dùng nguồn nước giếng đất, giếng khoan. 97% công nhân lao động ở trọ đều trả tiền thông qua chủ nhà trọ với giá tiền điện cao hơn khá nhiều so với ký trực tiếp với công ty điện lực nhà nước.

Sự hài lòng đối với cuộc sống của công nhân lao động nhìn chung đã được cải thiện, nhưng còn ở mức trung bình: 6,3/10. Điều này cũng thể hiện qua 3 chỉ báo gộp trung gian: sự hài lòng về điều kiện kinh tế - vật chất, môi trường tự nhiên là 5,72/10; sự hài lòng về quan hệ gia đình - xã hội là 6,91/10; sự hài lòng về đời sống cá nhân là 6,28/10.

Báo cáo tình hình lao động, tiền lương, thu nhập, chi tiêu và đời sống của công nhân lao động năm 2022 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện trong tháng 3.2022 cho thấy: Nếu không làm thêm giờ, tiền lương cơ bản của công nhân lao động chỉ ở mức trung bình 4,92 triệu đồng/tháng. Với mức này, họ không thể trang trải cuộc sống cho bản thân và gia đình nên tuyệt đại đa số công nhân lao động đều phải làm thêm giờ để có tiền bù đắp chi tiêu trong tháng. Hầu hết những gia đình công nhân sẽ rơi vào khó khăn, túng quẫn ngay cả khi họ không làm thêm giờ.

Đặc biệt, trong thời gian qua, dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc tới đời sống, việc làm, thu nhập của công nhân lao động và gia đình họ. Một bộ phận lớn công nhân lao động đã bị rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn. Điều tra năm 2021 của Viện Công nhân và Công đoàn cho thấy: có 5,2% người được hỏi cho biết rất ít khi trong bữa ăn của họ có thịt cá (chỉ khoảng 1 - 2 lần/tuần) và 34,1% cho biết thỉnh thoảng (3 lần thịt cá/tuần); hơn 50% công nhân lao động được khảo sát cho biết tiền lương không đủ để bảo đảm 100% yêu cầu chi phí học hành cho con của họ; 6,8% cho biết thu nhập hiện tại hoàn toàn không đủ cho họ mua thuốc và khám chữa bệnh; 41,2% cho biết họ chỉ đủ tiền để mua một số loại thuốc cơ bản. Nhiều người lao động không dám đi khám vì không có tiền.

Nhìn chung, đời sống của công nhân lao động còn nhiều khó khăn, với mức thu nhập chỉ vừa đủ cho các khoản chi phí sinh hoạt hàng ngày và hầu như không còn dư dật để mua sắm nâng cao chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, đối với lao động nhập cư, họ phải thuê nhà để ở, sử dụng điện nước với giá kinh doanh của chủ nhà trọ. Chỉ có 56,1% người lao động cho biết tiền lương và thu nhập chỉ vừa đủ trang trải cho cuộc sống. Để bảo đảm cuộc sống, 11,2% người lao động cho biết thường xuyên (hàng tháng) phải đi vay tiền; 35,6% người lao động thỉnh thoảng (từ 3 - 4 tháng/lần) phải đi vay. Bên cạnh đó, có hơn 1/5 số người được khảo sát (21,4%) cho biết họ đã từng rút bảo hiểm xã hội một lần (sau đó vẫn tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội khi có việc, nghĩa là tham gia lại từ đầu).

Giải bài toán “lương không đủ sống”

Có một nghịch lý khá phổ biến, mặc dù công nhân lao động đang phải làm việc với cường độ cao, thời gian kéo dài nhưng lương và thu nhập không cao. Công nhân lao động ở một số ngành, lĩnh vực phải làm thêm giờ nhiều, có khi lên đến 60 giờ/tháng, như ngành dệt may, điện tử, da giày, chế biến thủy hải sản, sản xuất gỗ... Chính vì còn nhiều khó khăn, nên chỉ có 59,8% công nhân lao động cảm thấy tự hào về nghề nghiệp, công việc của mình; 72% không muốn con mình sau này theo nghề nghiệp của mình.

Từ kết quả nghiên cứu thực tiễn cho thấy có một số vấn đề về bảo đảm việc làm, điều kiện làm việc, nâng cao mức sống của công nhân lao động trong các doanh nghiệp hiện nay. Theo đó, do việc làm còn bấp bênh nên phần lớn công nhân lao động không an tâm, việc làm thiếu ổn định, thu nhập chưa bảo đảm đủ sống và có tích lũy cơ bản. Trình độ tay nghề của nhiều công nhân lao động chưa đáp ứng tốt yêu cầu sản xuất, kinh doanh; hiểu biết pháp luật và các chế độ chính sách liên quan còn hạn chế. Vấn đề bảo đảm tiền lương, thu nhập tiến tới thực hiện “lương đủ sống” đang là vấn đề bức thiết của công nhân lao động.

Định nghĩa của oxfarm năm 2019 nêu rõ, lương đủ sống là mức lương mà người lao động nhận được cho thời gian làm việc bình thường đủ để duy trì mức sống đàng hoàng cho bản thân và gia đình. Đó là mức lương thấp nhất được trả cho một người làm việc toàn thời gian (40 - 48 giờ/tuần) đủ để trang trải những chi phí cơ bản cần thiết - bao gồm thực phẩm đủ dinh dưỡng, nhà ở phù hợp, các tiện ích, chăm sóc sức khỏe, quần áo, đi lại và giáo dục, quan hệ xã hội, cùng với một khoản tiền tiết kiệm cho tương lai và các sự việc bất khả kháng xảy ra.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra mục tiêu: "Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; phải có cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước; mọi chính sách của Đảng, Nhà nước đều phải hướng vào nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của Nhân dân". Việc xác định “lương đủ sống” cho người lao động chính là cụ thể hóa mục tiêu này.

Mới đây, Hội đồng Tiền lương Quốc gia bỏ phiếu thống nhất trình Chính phủ phương án đề xuất tăng lương tối thiểu vùng thêm 6% từ ngày 1.7. Đây là đề xuất rất quan trọng và kịp thời sau 1,5 năm trì hoãn việc tăng lương tối thiểu vùng do Covid-19. Tuy nhiên, mức lương tối thiểu này được nhiều chuyên gia và công nhân lao động cho rằng là quá thấp, chưa phản ánh đúng mức sống tổi thiểu, có khoảng cách quá xa lương đủ sống của công nhân lao động.

Sau hơn 2 năm chống chọi với Covid-19 cùng tình trạng “bão giá” như hiện nay, việc tính toán và xây dựng mức lương đủ để bảo đảm cuộc sống cho người lao động là rất cần thiết. Đã đến lúc, những vấn đề về thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, chăm sóc, giáo dục con cái, thụ hưởng giá trị cuộc sống và thành quả lao động… cần được đưa vào một cách đầy đủ để tính toán mức lương tối thiểu vùng, qua đó sớm thiết lập lương đủ sống cho người lao động!

TS. VŨ MINH TIẾN - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam