Hình thành quan điểm, thái độ ứng xử văn minh, tiến bộ
Theo các đại biểu, dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) cần chú trọng các giải pháp truyền thông giáo dục về quyền con người, về giá trị gia đình, bình đẳng giới, các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp và các luật hiện hành liên quan đến bạo lực gia đình ngay từ bậc phổ thông. Qua đó, giúp trẻ em trai, trẻ em gái hình thành được quan điểm, thái độ và ứng xử trong hôn nhân và gia đình văn minh, văn hóa, tiến bộ ngay từ trong quá trình phát triển và hoàn thiện nhân cách.
Thay đổi nhận thức, hành vi từ khi còn nhỏ
Tại Hội nghị lấy ý kiến tham gia về một số dự án luật trình tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV do Hội đồng Dân tộc tổ chức, các đại biểu nêu rõ, phòng, chống bạo lực gia đình là vấn đề nhạy cảm, với nhiều nội dung riêng tư trong mối quan hệ gia đình, được điều chỉnh bởi quy phạm đạo đức, tập quán, quy phạm pháp luật. Việc khắc phục tình trạng bạo lực gia đình đòi hỏi sử dụng nhiều biện pháp đồng bộ về y tế, văn hóa, giáo dục, pháp luật. Chính vì thế, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy nhận định, đây là dự án luật “khó làm”, làm sao để thiết kế các điều khoản khả thi là vô cùng khó.

Ảnh: Hoàng Ngọc
Trong lần sửa đổi này, các đại biểu nhận định, dự thảo Luật gồm 6 chương, 62 điều được xây dựng rất công phu, hợp hiến. Dự thảo Luật đã bổ sung thêm một số khái niệm, giải thích từ ngữ liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình như bạo lực tình dục, bạo lực trên cơ sở giới trong gia đình, người có nguy cơ cao gây bạo lực gia đình… Quy định tới 16 nhóm hành vi bạo lực gia đình so với 9 nhóm hành vi trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, góp phần khắc phục những bất cập trong việc nhận diện, phát hiện, xử lý và thu thập thông tin về bạo lực gia đình.
Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, một số quy định của dự thảo luật mới chỉ giải quyết được phần “ngọn”, chưa đi vào “gốc rễ” của vấn đề.
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu gia đình và giới Trần Thị Minh Thi, dự thảo Luật đang hướng tới đối tượng chính tham gia tập huấn, can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình là phụ nữ. Trong khi đối tượng chính gây ra hành vi là nam giới chưa có biện pháp hiệu quả, thiết thực, phù hợp với đặc điểm văn hóa để thu hút tham gia. Ngoài ra, các hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình đang hướng chủ yếu tới đối tượng đã trưởng thành, đã kết hôn, tức là khi nhân sinh quan, hành vi đã tương đối ổn định - gắn chặt với nhân cách cá nhân.
Để khắc phục hạn chế này, Viện trưởng Viện Nghiên cứu gia đình và giới đề nghị, dự thảo Luật nên hướng tới thay đổi nhận thức, hành vi bạo lực gia đình đối với người trẻ, trẻ nhỏ. Chú trọng các giải pháp truyền thông giáo dục về quyền con người, về giá trị gia đình, bình đẳng giới, các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp và các luật hiện hành liên quan đến bạo lực gia đình ngay từ bậc phổ thông để trẻ em trai, trẻ em gái hình thành được quan điểm, thái độ và ứng xử trong hôn nhân và gia đình văn minh, văn hóa, tiến bộ trong quá trình phát triển và hoàn thiện nhân cách.
Tư vấn, phát hiện sớm, ngăn chặn không để xảy ra bạo lực gia đình
Mong muốn của các đại biểu là phòng, chống bạo lực gia đình phải bằng cách tư vấn, phát hiện sớm, ngăn chặn để không thể xảy ra. Tuy nhiên, thực tế đang phát sinh vấn đề, người phụ nữ chịu đựng bạo lực gia đình vì không am hiểu pháp luật, vì tâm lý “phụ nữ một điều nhịn là chín điều lành” nên không tố giác, nhất là phụ nữ ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Mặt khác có tình trạng, nạn nhân rất ngại tiếp xúc với chính quyền, bởi đây là vấn đề tế nhị, cá nhân. Để được chính quyền bảo vệ, nạn nhân phải viết đơn đề nghị, có không ít nạn nhân không biết phải trình bày thế nào, bị người có hành vi bạo lực hoặc người nhà ngăn cản, đe dọa nếu viết đơn hoặc tố cáo hành vi bạo lực với chính quyền. Do vậy, công tác tư vấn, phát hiện sớm từ đó ngăn chặn càng phải được dự thảo Luật quan tâm hơn.
Trong dự thảo Luật, khoản 1, Điều 18 có quy định “tư vấn phòng, chống bạo lực ở cộng đồng do địa chỉ tin cậy ở cộng đồng hoặc tổ tư vấn gia đình ở cộng đồng dân cư thực hiện”, các đại biểu đề nghị làm rõ, có tổ tư vấn gia đình trong thực tiễn chưa? Cơ quan nào hướng dẫn?
Theo nguyên Phó Vụ trưởng Vụ gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Hoa Hữu Vân, hiện chỉ mới có mô hình tổ tư vấn ở cộng đồng tại chi hội phụ nữ khu phố, ấp là sáng kiến của Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh thành lập giữa năm 2012. Nội dung tư vấn xoay quanh hòa giải mâu thuẫn trong gia đình do chồng ngoại tình, ghen tuông, say rượu, đánh đập vợ con, mâu thuẫn hàng xóm, láng giềng, tư vấn thủ tục ly hôn, chia tài sản sau ly hôn, tư vấn kỹ năng chăm sóc gia đình, dạy con chưa thành niên, các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản… Mô hình này rất hay và nên được nhân rộng tổ tư vấn cộng đồng.
Các đại biểu cho biết, Điều 16 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành đã nêu: Nhà nước tạo điều kiện, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động tư vấn về gia đình ở cơ sở cho các thành viên trong cộng đồng dân cư đề phòng ngừa bạo lực gia đình. Tuy nhiên, quy định này vẫn chưa phát huy trên thực tiễn. Do vậy, dự thảo Luật cần khắc phục được hạn chế nêu trên.
Bên cạnh việc nhân rộng mô hình tư vấn, các đại biểu cũng đề nghị phải quan tâm tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ và kỹ năng tư vấn, để họ trở thành địa điểm đáng tin cậy ngay tại khu dân cư, nơi sinh sống. Đồng thời, bổ sung các chế tài đủ mạnh để răn đe hành vi bạo lực gia đình.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry nhấn mạnh, dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) hướng đến xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc và bình đẳng, việc sửa đổi luật phải bảo đảm tính khả thi, phù hợp, ưu tiên đối tượng yếu thế. Ngoài việc chăm sóc các đối tượng là nạn nhân của bạo lực gia đình, phải chú ý tuyên truyền, giáo dục và thay đổi nhận thức, có hình thức xử lý với đối tượng gây ra bạo lực gia đình.