Cử tri bất bình với vụ nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19
Cử tri vô cùng bất bình với vụ nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19 tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á. Vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán" liên quan đến Tập đoàn FLC cần được xử lý nghiêm minh. Đây là ý kiến được nêu ra tại Hội nghị lần thứ 12 (khóa IX) cho ý kiến vào dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân để gửi tới Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức ngày 8.5.
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng lên 12,5%
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, việc phân cấp, phân quyền để đẩy mạnh kinh tế tư nhân, về cải cách thủ tục hành chính cho thấy Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ rất quyết tâm, đã có chương trình hành động cũng như ban hành các văn bản cải cách thủ tục hành chính với những yêu cầu, công việc cụ thể.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng lên 12,5%, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, đây là dấu hiệu tích cực cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế sau Covid-19. Quyết tâm của Chính phủ và chính quyền các cấp thực hiện việc này cho thấy vấn đề cải cách thủ tục hành chính đã có những bước tiến mới – ông Nguyễn Anh Tuấn nhận định.
Việc thúc đẩy nhanh tiến độ của các công trình trọng điểm quốc gia, giải quyết các điểm nghẽn về giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian vừa qua đã đạt được nhiều kết quả khả quan so với năm 2021. Tuy nhiên, vẫn chưa phù hợp so với thực tiễn đặt ra, ông Nguyễn Anh Tuấn thẳng thắn.

Ảnh: Kỳ Anh
Cho rằng, cử tri và nhân dân rất phấn khởi khi dịch Covid-19 được kiểm soát, cuộc sống trở lại bình thường; Đảng, Nhà nước đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng; an sinh xã hội được bảo đảm, tuy nhiên, bà Hà Thị Liên, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng thẳng thắn, cử tri vô cùng bất bình với vụ nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19 tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, đó là điều không thể chấp nhận.
Bên cạnh đó, nhân dân rất bất xức về việc nhiều cán bộ làm giàu từ đất đai, cấu kết với doanh nghiệp lợi dụng chính sách để làm giàu từ đất đai. Nguồn lực đất đai chưa được sử dụng đúng mục đích, đây là vấn đề lớn mà xã hội rất bức xúc, cần được xử lý. Vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán" liên quan đến Tập đoàn FLC cần được xử lý nghiêm minh, không chấp nhận doanh nghiệp lớn lại làm ăn phi pháp – bà Liên nói.
Xử lý nghiêm bạo lực gia đình, trẻ em
Đóng góp ý kiến vào dự thảo Báo cáo, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho rằng, nội dung của dự thảo đã có sự tổng hợp toàn diện, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của tầng lớp nhân dân, thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với đời sống của nhân dân, sự tham gia hưởng ứng tích cực của các tổ chức thành viên trong các chương trình hành động. Đồng thời, báo cáo đã thẳng thắn nêu ra những tồn tại, hạn chế mà nhân dân, cử tri cả nước đang quan tâm, mong đợi.

Ảnh: Kỳ Anh
Trước thực trạng xâm hại trẻ em xảy ra thời gian qua như vụ bé gái 8 tuổi tử vong do bị mẹ kế bạo hành tại TP Hồ Chí Minh; bé gái bị cha dượng xâm hại ở Sơn La... bà Hà Thị Nga đề nghị, báo cáo cần phản ánh đậm nét hơn về lo lắng của cử tri trước những sự việc bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ, trẻ em. Cử tri rất mong muốn các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ, xử lý nghiêm các cá nhân có liên quan đến vấn đề này – bà Nga đề nghị.
Bà Nga cũng đề nghị các cấp ủy chính quyền địa phương có giải pháp cụ thể để vận động xã hội, tích cực tham gia vào công tác phòng, chống, phát hiện sớm các vụ việc, tránh tình trạng các việc vụ việc kéo dài dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, gây hệ lụy, ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ trong gia đình bị hại mà còn gây hoang mang cho người dân. Việc này đã làm, tuy nhiên cần có sự quan tâm thỏa đáng đầy đủ, cần có giải pháp mạnh hơn trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, giáo dục nâng cao ý thức cho người dân, không để xảy ra các hành vi tương tự - bà Nga nhấn mạnh.
Trên cơ sở đó, đối với kiến nghị của Đoàn Chủ tịch, bà Hà Thị Nga đề xuất cần kiến nghị bổ sung để Nhà nước có giải pháp hữu hiệu hơn trong phát hiện, phòng ngừa và giải quyết các vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em; tiếp tục phát huy các đường dây nóng về phòng chống bạo lực gia đình; cần tổ chức nghiên cứu các mô hình “Nhà tạm lánh”, dịch vụ tư vấn, hỗ trợ cho các nạn nhân của bạo lực gia đình; cụ thể hóa các giải pháp trong luật, nêu ra những hạn chế, bất cập của pháp luật hiện hành nói chung cũng như trong việc sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sắp tới.

Ảnh: Kỳ Anh
Cần xác định công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của người dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và tương xứng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, của tổ chức và của Nhà nước. Từ đó góp phần tháo gỡ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội sau thời gian đại dịch kéo dài, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, ổn định xã hội trong thời gian tới.
Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh
Kiến nghị Lịch sử phải là môn học bắt buộc
Đề cập đến môn học Lịch sử, Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét thận trọng việc dạy và học môn Lịch sử trong các chương trình giáo dục phổ thông; trong đó có việc đưa môn Lịch sử vào làm môn học bắt buộc.

Ảnh: Kỳ Anh
Cùng quan điểm này, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Mã Lương cho rằng, Bộ Giáo dục đào tạo cần xem xét một cách thận trọng, đánh giá một cách khác quan, toàn diện về việc đưa môn Lịch sử bậc Trung học phổ thông là môn học tự chọn.
Ông Lê Mã Lương kiến nghị, ở với bậc Trung học phổ thông không tích hợp môn Lịch sử với môn học khác mà phải là môn học bắt buộc. Ở bậc Trung học phổ thông việc trang bị dạy học lịch sử là rất cần thiết. Bởi khi vào bậc đại học chỉ có một số trường như Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn có đào tạo chuyên sâu về lịch sử còn một số trường đại học, cao đẳng khác coi việc học lịch sử chỉ là “học lướt” qua.