Giải phóng
5 giờ sáng 30.4.1975, quân ta nổ súng. Khoảng 7 giờ, ta làm chủ chi khu. Thương vong không lớn. Từ 10 giờ thấy máy bay ngụy bay qua rất nhiều, nhưng không nhao xuống ném bom như thông lệ (sau mới biết máy bay di tản sang Thái Lan). Giữa trưa ngày 30.4.1975, Tổng thống ngụy Dương Văn Minh nói trên Đài Phát thanh Sài Gòn, tuyên bố đầu hàng Quân Giải phóng vô điều kiện. Lính ta đang chốt giữ chi khu quân sự quận lỵ Đức Hòa reo hò. Mừng quá, thế là chiến tranh chấm dứt, sống rồi!
TS. Chu Đức Tính - Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh
Sau chiến thắng Bù Đăng, thừa thắng quân ta phát triển về thị xã Phước Long. Rạng sáng 31.12.1974, đặc công Trung đoàn 271 đánh chiếm và làm chủ điểm cao núi Bà Giá, mở đầu chiến dịch tiến công giải phóng thị xã Phước Long. Chiến sự diễn ra ác liệt, ta và địch giành giật nhau từng ngôi nhà, dãy phố. Quân số các đơn vị hao đi trông thấy. Ngày thứ tư, ở mũi tiến công của Tiểu đoàn 9 của tôi, trên tăng cường thêm Trung đoàn 16. Tiểu đoàn trưởng tìm anh Tĩnh (Chính trị viên Tiểu đoàn) để hợp đồng tác chiến. Hai ông hỏi nhau còn bao nhiêu quân. Xòe tay ra đếm và cùng thấy giống nhau, vì mỗi tiểu đoàn đều chỉ còn không đủ mấy chục tay súng. Nhưng rồi với quyết tâm cao, lại đúng thời điểm vận nước đã tới, ngày 6.1.1975 ta làm chủ Phước Long. Nhìn thị xã đổ nát, đầy xác người và súc vật mà kinh hãi. Hầu như không còn ngôi nhà, dãy phố nào nguyên vẹn. Hầu như mọi viên gạch đều bị chẻ làm đôi...

Ác liệt là đúng thôi, vì đây là thị xã đầu tiên ta chọn tấn công, sau Hiệp định Paris. Cả phía ta và phía địch đều lấy Phước Long làm điểm quyết chiến chiến lược. Bên ta quyết giải phóng một thị xã để thăm dò phản ứng người Mỹ, quân đội Sài Gòn thì thề “tử thủ”. Khi ta đã chiếm một nửa thị xã, dân Phước Long còn bị gọi tập trung mít tinh. Mấy tay “trợ lý kỹ thuật” của Trung đoàn đi cùng Tiểu đoàn 9 để theo dõi máy thông tin của địch, nói với anh Tĩnh: Sáng ngày 6.1.1975, hai tiểu đoàn dù thuộc dự trữ chiến lược của quân đội Sài Gòn đã ngồi sẵn trên máy bay, chỉ chờ lệnh tổng thống Thiệu là đổ tiếp xuống Phước Long. Nhưng rồi, Thiệu ra lệnh: “Bãi bỏ hành quân”. Chắc ông ta thấy không thể đảo ngược tình thế được nữa. Và chắc Bộ chỉ huy quân đội Sài Gòn còn chưa hết bàng hoàng trước sự kiện hôm mùng 4, một tiểu đoàn dù vừa đổ xuống khu vực cầu Đắc Lung đã bị tiêu diệt hết. Chỉ có điều họ không biết là đơn vị đánh tan tiểu đoàn dù khi vừa chạm đất chính là tiểu đoàn tôi - Tiểu đoàn 9 Trung đoàn 271. Lính Đại đội 3 của tiểu đoàn tôi còn bắt sống được viên tiểu đoàn trưởng bị thương gãy cả 2 chân.
*
* *
Sau chiến dịch Phước Long, anh Tĩnh chuyển lên làm Phó Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 271. Anh Tình lên Chính trị viên Tiểu đoàn. Được mấy ngày anh Tình gặp riêng tôi nói: “Tính làm liên lạc mấy năm rồi, em đang làm rất tốt, song lứa của em các bạn nhiều người lên chỉ huy rồi, mà em vẫn lính trơn. Anh định thay đổi vị trí cho em, em tính sao”. Còn tính sao được nữa khi cấp trên đã định. Tôi vui vẻ: “Em không lựa chọn, tùy anh thấy em ở đâu được việc thì cho em ở”. Hôm sau anh Tình quyết định điều tôi về Trung đội Thông tin. Anh dặn anh Lĩnh, anh Ba, cán bộ Trung đội phân tôi làm lính 2W.

Về với thông tin, tôi trực tiếp đeo máy theo các Đại đội đánh liên tiếp 5 trận: Mộc Bài, Tân Quới, Đức Huệ, chống càn ở Bến Tranh và chiều 29.4.1975 tiếp cận bờ rào chi khu quân sự quận lỵ Đức Hòa tỉnh Long An. Để chuẩn bị cho trận đánh, chúng tôi đào công sự trong vườn mía, phủ nắp công sự bằng mấy bó mía buộc lại. Lúc này chúng tôi đã biết mình đang tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh.
4 giờ 30 sáng 30.4, vừa chui ra khỏi hầm, tôi thấy ngay 5 tay lính Sài Gòn cởi trần, đen trũi, chui lên từ lô cốt bên trong hàng rào. Gần lắm, có lẽ không tới 20m, mặc dù hầm thông tin của tôi đã là ở giữa đội hình đại đội. 5 tay lính vô tư vươn vai tập thể dục và hít thở không khí sau một đêm rúc trong hầm. Quân ta chăm chú theo dõi nhưng không ai nổ súng. Kỷ luật chiến trường nghiêm lắm: Chưa tới giờ G, đến máy 2W cũng chưa được lên sóng, không ai được tự ý khai hỏa.
5 giờ sáng 30.4.1975, quân ta nổ súng. Khoảng 7 giờ, ta làm chủ chi khu. Thương vong không lớn. Từ 10 giờ thấy máy bay ngụy bay qua rất nhiều, nhưng không nhao xuống ném bom như thông lệ (sau mới biết máy bay di tản sang Thái Lan).
Giữa trưa ngày 30.4.1975, Tổng thống ngụy Dương Văn Minh nói trên Đài Phát thanh Sài Gòn, tuyên bố đầu hàng Quân Giải phóng vô điều kiện. Lính ta đang chốt giữ chi khu quân sự quận lỵ Đức Hòa reo hò. Mừng quá, thế là chiến tranh chấm dứt, sống rồi!
Theo kế hoạch của Đoàn 232, sau khi chiếm lĩnh chi khu quận lỵ Đức Hòa, Trung đoàn 271 sẽ tiến vào giải phóng Sài Gòn theo hướng Tây - Nam. Song trưa 30.4.1975 khi đơn vị tới Cầu Sáng (ranh giới Long An và Sài Gòn), chúng tôi được lệnh cấp trên quay lại quân quản Đức Hòa, vì Sài Gòn đã giải phóng.
Chiều 30.4.1975, đơn vị để lại một bộ phận nhỏ chốt giữ Chi khu, còn đại bộ phận ra đóng ở nhà dân, thuộc thôn Bình Tiền 2, thị trấn Đức Hòa. Nửa đêm 30.4, con trai bà chủ nhà là Trung sĩ cảnh sát trên Sài Gòn vớ được chiếc xe máy mò về nhà. Anh ta sững người khi thấy Quân Giải phóng đã đóng trong nhà. Chắp tay lạy chúng tôi, anh ta lắp bắp: “Em chỉ là Trung sĩ quèn, chưa gây tội gì với Cách mạng”. Chúng tôi bặm môi để tránh tiếng cười. Không nhớ ai đó động viên: “Còn giữ súng thì nộp ngay, rồi tắm rửa đi nghỉ. Mai lên thị trấn trình diện Chính quyền”.
*
* *
Khoảng cuối tháng 5.1975, Tiểu đoàn 9 được giao nhiệm vụ vào nội thành Sài Gòn dẫn giải sĩ quan cấp tá quân đội Sài Gòn đi học tập, cải tạo. Cứ khoảng cuối chiều là xe ô tô đưa đơn vị vào thành phố. Sĩ quan ngụy bị gọi tập trung từ sáng, khoảng 22 giờ tiến hành gọi tên người lên xe. Mỗi xe 36 người, có 2 chiến sĩ quân Giải phóng gác. Trước đó, đầu tháng 5.1975, tiểu đoàn được bổ sung một đợt chiến sĩ quê Hải Hưng. Nhiều em bé quá. Có chiến sĩ nhỏ người, leo mãi không lên nổi ô tô. Thấy vậy, sĩ quan ngụy ngồi cuối đưa tay ra đề nghị: “Ông đưa tôi cầm đỡ súng leo cho dễ”. Chiến sĩ ta hồn nhiên trao súng rồi lụi cụi leo lên xe. Khi chúng tôi phát hiện ra sự vụ, vừa tức, vừa buồn cười. Song rất may mấy chục đêm dẫn giải không xảy ra sự cố nào. Bởi lúc này không sĩ quan ngụy nào còn ý chí chống đối quân Giải phóng nữa.
Sau đợt dẫn giải sĩ quan cấp tá quân đội Sài Gòn đi cải tạo ở Đồng Nai, tôi bị sốt rét nặng, phải nằm Bệnh xá Trung đoàn. Thật cảm động khi thấy các má, các chị kéo tới thăm. Ở với bà con Bình Tiền hơn 2 tháng mà tình cảm quấn quýt như lâu ngày. “Tình nghĩa quân dân như cá với nước”, giữa lính Trung đoàn 271 với bà con Long An đã được khẳng định trong năm 1972, nhất là suốt chiến dịch “Chồm lên cắm cờ” đầu năm 1973 và tháng 4 - 5.1975, lại được thử thách trong cả những ngày đầu giải phóng.
Cuối tháng 7.1975 chia tay nhân dân Đức Hòa, Long An, toàn Trung đoàn trở lại Phước Long. Trung đoàn bộ đóng ở thị xã. Tiểu đoàn 9 trở lại trấn giữ Bù Đăng. Từ tháng 5.1975 tôi không ở Trung đội Thông tin nữa mà được rút lên làm Trợ lý Quân khí Tiểu đoàn. Lại liên miên làm công tác huấn luyện chiến sĩ mới, kiểm kê vũ khí, vận động dân bản, dựng nhà giúp dân kinh tế mới… và xây dựng doanh trại. Tiểu đoàn trưởng, Thượng úy Tạ Mợi là người đầu tiên trong Tiểu đoàn được đi phép về quê ở Thái Bình, sau đó đến vài sĩ quan khác, còn hạ sĩ quan như tôi phải chờ đến lượt.
Giữa tháng 11.1975, tin vui đến quá bất ngờ: Cấp trên cho tất cả sinh viên học dở đại học được trở về trường học tiếp. Các anh chỉ huy tiểu đoàn nhanh chóng làm mọi thủ tục cho chúng tôi ra Bắc…