Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên và nhi đồng

Khải Minh 28/04/2022 20:23

Chiều 28.4, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Quyết định số 1895/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2021-2030”.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Tại điểm cầu Bộ GD-ĐT có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đồng chủ trì Hội nghị.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đồng chủ trì hội nghị.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đồng chủ trì hội nghị.

Phát biểu khai mạc và báo cáo đề dẫn tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh cho biết: Công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ luôn được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường và toàn xã hội quan tâm.

Ngày 28.8.2015, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1501/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020”. Sau 5 năm triển khai thực hiện, Quyết định 1501/QĐ-TTg đã có nhiều chuyển biến tích cực. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu, giải pháp đặt ra trong Đề án đã khẳng định quyết tâm của ngành Giáo dục cùng các cơ quan bộ ngành Trung ương, các địa phương trong việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Ngô Thị Minh, thời gian qua vẫn còn một bộ phận thanh thiếu nhi có biểu hiện suy thoái, lệch lạc về phẩm chất đạo đức, lối sống như: thiếu trung thực, thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình, nhà trường. Đáng ngại nhất là tình trạng bạo lực học đường vẫn diễn ra phức tạp tại một số địa phương, còn hiện tượng học sinh đánh nhau, học sinh đánh giáo viên.

"Thực tiễn triển khai Đề án 1501 đã khẳng định công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng là nhiệm vụ quan trọng trong giáo dục đào tạo thế hệ trẻ, đòi hỏi phải có sự quan tâm đầu tư nguồn lực thích đáng, coi đó là đầu tư cho tương lai của đất nước và cần ưu tiên đầu tư trước. 

Theo đó, ngày 11.11.2021, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phê duyệt Quyết định số 1895/QĐ-TTg ban hành Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030”.

Sự tiếp nối từ Đề án 1501 đến Chương trình 1895 khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt, quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả, quyết liệt của cả hệ thống chính trị; cùng sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của các cấp bộ, ngành, địa phương, nhà trường, gia đình và toàn xã hội trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.  Chương trình 1895 được ban hành thực sự cần thiết, đáp ứng yêu cầu khách quan của thực tiễn hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo hội nghị
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, những năm gần đây, công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh, thiếu niên tiếp tục được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm. Nhiều chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục và đào tạo, về giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh, thiếu niên đã được ban hành và triển khai hiệu quả. Hội nghị lần thứ 8 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo đáp ứng nhu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, trong đó đã nêu rõ mục tiêu tổng quát là “giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả”.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cũng cho rằng, những năm qua, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp. Bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, chúng ta cũng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức rất lớn: toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển nhưng cũng đang có nguy cơ bị đe dọa bởi sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, cạnh tranh chiến lược diễn ra gay gắt; tranh chấp chủ quyền Biển Đông diễn biến phức tạp, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, thiên tai, dịch bệnh và các vấn đề an ninh phi truyền thống khác, nhất là an ninh mạng tác động mạnh, đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển ổn định, bền vững của thế giới, khu vực và đất nước ta. Trước thực tế đó, yêu cầu đặt ra về học tập, nghề nghiệp, việc làm, thu nhập, sức khỏe, bản lĩnh, tư tưởng, tình cảm, lối sống,… tạo ra nhiều sức ép đối với thanh thiếu niên, thậm chí cả nhi đồng. Bên cạnh đó, sự gia tăng của các tệ nạn xã hội và sự chống phá của các thế lực thù địch tập trung vào thế hệ trẻ, tác động, lôi kéo, dụ dỗ, mua chuộc, ép buộc làm biến chất, tạo mầm mống chống đối chế độ đang trở thành một nguy cơ lớn. Bởi vậy, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng càng cần được quan tâm, giáo dục một cách toàn diện.

"Trong thời gian tới, tình hình thế giới và khu vực sẽ tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp; nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ  tác động và làm suy giảm lòng tin của một bộ phận người dân, trong đó có thanh niên, thiếu niên, nhi đồng. Thanh niên, thiếu niên, nhi đồng là lớp người trẻ, đang có nhiều sự thay đổi về cả thể chất lẫn tinh thần. Nếu không được chăm lo, bồi dưỡng thường xuyên, rất dễ phai nhạt lý tưởng cách mạng, mơ hồ, dao động, nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh…", Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nói.

Chính vì vậy, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa lưu ý, để thực hiện thành công mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu cụ thể đặt ra trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống và đặc biệt là khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về công tác thanh niên, trong thời gian tới, tôi đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tập trung thực hiện tốt một số vấn đề:

 Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả và đồng bộ giữa các ban, bộ, ngành và cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng; kịp thời đồng bộ thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.

Triển khai giáo dục lý tưởng cách mạng trong đó đặc biệt chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức nghề nghiệp, lối sống văn hóa, kiến thức pháp luật và ý thức công dân cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trong giai đoạn tới phải gắn với việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; xây dựng và nhân rộng mô hình tốt, điển hình tiêu biểu trong giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng; hướng dẫn thanh niên, học sinh, sinh viên thực hiện 5 Điều Bác Hồ dạy phù hợp với lứa tuổi. Thực hiện nội dung, chương trình giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống bảo đảm phù hợp với từng nhóm đối tượng; liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo; đáp ứng mục tiêu giáo dục toàn diện; chú trọng giáo dục truyền thống lịch sử, văn hoá dân tộc, tinh hoa văn hoá nhân loại trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng gắn với giáo dục toàn diện và đổi mới giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng; hoàn thiện và thực hiện tốt chế độ, chính sách với giáo viên và sinh viên các trường sư phạm.

Tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền; nâng cao nhận thức của thanh niên, thiếu niên, nhi đồng và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến. Đa dạng hóa nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục đối với thanh niên, thiếu niên, nhi đồng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, phát huy hiệu quả của các phương tiện truyền thông đại chúng, Internet, mạng xã hội, các hình thức tuyên truyền tại cơ sở, các tổ chức, cá nhân có uy tín, có ảnh hưởng xã hội, tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.

Tổ chức hiệu quả các phong trào hành động cách mạng của Đoàn, Hội, Đội trong và ngoài nhà trường để giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến; đồng thời kết hợp tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý và giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống, văn hoá ứng xử cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, giáo viên, giảng viên, cộng tác viên phụ trách công tác giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng trong các cơ sở giáo dục, tổ chức Đoàn, Hội, Đội.

Xây dựng và thực hiện hiệu quả cơ chế phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội; Bảo đảm các thiết chế và điều kiện hạ tầng, cơ sở vật chất đáp ứng nhiệm vụ giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.

Đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý; đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, ngăn chặn, xử lý nghiêm những tiêu cực trong hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên và nhi đồng.

Trong thời gian tới, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong việc đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch; nắm bắt và định hướng tốt dư luận, giải quyết kịp thời các vấn đề phức tạp, nhạy cảm của thanh niên, thiếu niên, nhi đồng. Phát huy vai trò “đi trước, mở đường; đi cùng để phát triển; đi sau để sơ kết, tổng kết thực tiễn”, Ban Tuyên giáo các cấp sẽ tích cực chỉ đạo, định hướng, phối hợp với ngành giáo dục trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác thanh niên.

Khải Minh