Tư tưởng người xưa

Lê Quân 24/04/2022 07:13

Một tác phẩm lớn của một học giả người Pháp gốc Hoa có đủ độ uyên thâm về trình độ Hán học.

"Lịch sử tư tưởng Trung Quốc" là một công trình nghiên cứu công phu của tác giả Anne Cheng (Trình Ngải Lam), giáo sư Hán học đang giảng dạy tại một trường đại học danh giá ở Pháp và là chuyên gia hàng đầu ở Pháp trong lĩnh vực lịch sử, triết học và tư tưởng Trung Quốc. Như nhận xét của người giới thiệu cuốn sách, đây là một tác phẩm lớn của một học giả người Pháp gốc Hoa có đủ độ uyên thâm về trình độ Hán học. Hơn nữa, bút pháp của bà thiên về biện giải, phân tích, xâu chuỗi, trừu tượng hóa chứ không phải khảo cứu tư liệu ngữ văn và mô tả hành trạng của nhân vật. 

Trong tác phẩm này, Anne Cheng nghiên cứu lịch sử tư tưởng Trung Quốc từ 2000 năm trước công nguyên cho đến Thời kỳ hiện đại khi tư tưởng của Trung Quốc đối diện với phương Tây (cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX), tức kéo dài gần 4000 năm. 

Tôi đặc biệt quan tâm đến các dòng phái tư tưởng thời Chiến quốc (thế kỷ V - III TCN), thời kỳ nở rộ của những nhà tư tưởng lớn của Trung Hoa như Khổng Tử, Mặc Tử, Trang Tử, Mạnh Tử, Lão Tử, Tuân Tử… Nhưng trong số các nhà tư tưởng đó, tôi chỉ thực sự đồng cảm và yêu thích hai người: Trang Tử và Lão Tử. Đây cũng là hai nhân vật mà tôi đọc khá kỹ (dù rất khó để lĩnh hội hết) qua những bản chú giải của các học giả miền Nam trước 1975 là Nguyễn Hiến Lê và Thu Giang Nguyễn Duy Cần. 

Trong tác phẩm của mình, Anne Cheng mang đến nhiều góc tiếp cận mới mẻ và giá trị, đặc biệt là bà so sánh tư tưởng vừa giống nhau vừa khác biệt giữa hai tên tuổi này. 

Với bà, Trang Tử và Lão Tử không theo đuổi một phương pháp uốn nắn tình hình thực tế mà dùng một thứ thái độ mà họ gọi là “vô vi” để lắng nghe một cách hết sức đơn giản. 

"Trang Tử có một hình thức văn bản rất khác biệt so với Lão Tử. Lão Tử được cấu thành từ những câu cách ngôn ngắn gọn, trong sáng, có tiết tấu vần luật; Trang Tử lại chủ yếu sử dụng tản văn giàu chất thơ, trở thành điển phạm trong lịch sử văn học Trung Quốc. So với Lão Tử mà tác giả cố ý mai danh ẩn tích, Trang Tử hoàn toàn là một tác phẩm có ngữ khí cá nhân rõ nét. 

Với Trang Tử, bà cho rằng, tư tưởng của ông hướng tới “triệt ngộ” (thức tỉnh tuyệt đối) và vong ngã (quên đi chính mình) thuận theo sự vật mà hành động. Vậy nên bậc trí giả tiếp nhận ngoại vật mà không bị ngoại vật chi phối, do đó có thể làm chủ ngoại vật. 

Trang Tử cũng đề cao việc giữ tinh khí. Ông cho rằng, sức mạnh của Thánh nhân hấp thụ từ trong Đức của Đạo là tố chất tinh thần coi thường thế giới vật chất: nó là tinh túy của khí, là năng lượng của sinh mệnh, lại là đầu mối của tinh thần. Cơ thể là khí ở trạng thái cô đặc, tập trung; để dung hòa với Đạo, ắt phải gắng sức tu luyện nhằm có được sự nhạy bén cực “tinh”, tức đạt được trạng thái “Thần”. Hán ngữ hiện đại dùng tổ hợp từ “tinh thần” để chỉ linh hồn, còn ở đây nhằm chỉ cái khí vô cùng tế vi: khó nắm bắt nhất, đồng thời cũng chân thực nhất. 

Trong phần “Ngoại thiên” của sách Trang Tử có một đoạn danh cú, nhắc đến việc tập luyện hít thở và cơ thể, đây chính là điềm báo cho “Thái cực quyền” sau này:

 "Hít thở thật sâu và chậm, tống không khí độc ra, hít không khí trong lành vào, treo mình lên như con gấu, duỗi mình ra như con chim để được sống lâu, đó là hành vi của kẻ đạo sĩ dạo luyện khí, nuôi dưỡng thân thể, một lòng muốn được theo ông Bành Tổ”. 

 Một điều nữa tôi thích ở Trang Tử, qua cách biện giải của Anne Cheng là ông giải thoát và tách ra từ trong thế giới, không giống như Phật giáo vì cho rằng thế giới là vô thường mà phủ nhận sạch trơn thế giới. Ngược lại, ở Trang Tử, người và Đạo dung hòa, con người tìm lại được trung tâm của bản thân mình, không còn bị nhiễu loạn bởi những cái mà loài người cho là khổ nạn thường nhật: lão, bệnh, tử. Trang Tử hay mọi tư tưởng cổ đại của Trung Hoa nói chung chưa từng nêu ra vấn đề khổ nạn và chết chóc một cách trực diện. Những cái đó bị coi là một phần của tiến trình tự nhiên, không phải là một việc hoàn toàn xấu:

"Đạo không có khởi đầu và kết thúc, vạn vật đều có sinh rồi chết, do đó không thể ỷ vào thành công nhất thời được. Lúc đầy lúc vơi, vạn vật không giữ mãi một hình dạng bất biến. Năm tháng không thể níu giữ, thời gian không thể ngừng trôi; tăng giảm, đầy vơi, vũ trụ vạn vật kết thúc rồi lại bắt đầu. (Thu thủy, XVIII).

Với Lão Tử, tư tưởng lớn nhất của ông là thuyết vô vi. Ông nói, “bất như thủ trung” (thà giữ lấy trung). Thay vì chỉ chú ý đến bề ngoài, cắt tỉa những cành nhánh đẹp mắt có thể nhìn thấy được thì tốt hơn là chăm chút gốc cây. Gốc rễ ấy một mặt cắm sâu xuống lòng đất để hấp thụ sự sống và dưỡng chất, mặt khác lại bất chấp tất cả để vươn lên bầu trời, đó chính là hình tượng tuyệt diệu nhất của minh triết Trung Hoa, là ý nghĩa sâu xa nhất của nó về sự cân bằng, niềm tin vào con người và thế giới. 

Lê Quân