Mầu cua chưng nhóng nhánh

Tùy bút của Vũ Thị Tuyết Nhung 24/04/2022 07:09

Gọi là rộng rãi, chứ cả đám mầu cua ấy, cũng chỉ bằng đến quả ô mai sấu cuối lọ là cùng. Nhưng mà thế là nhất đấy. Là tất cả tinh hoa của cả giỏ cua đẫy một buổi hàng của bà đấy cháu ơi!

Vài năm trở lại đây, tại mấy quán lẩu cua trên đường Láng Hòa Lạc mới xuất hiện một món nước chấm mới. Màu vàng xuộm, óng ánh mỡ. Lâu lâu trở lại thưởng thức, các bạn tôi cứ hỏi nhau không biết nước chấm gì lạ mà ngon thế. Tôi chạm đũa thử. Và thốt lên: Mầu cua chưng chứ đâu!

Sinh thời, bố tôi thi thoảng lại nhắc một câu khiến chị em tôi thuộc nằm lòng. Ấy là mỗi khi mẹ tôi nấu riêu cua và để dành cho bố tôi một món ăn đặc biệt: Bánh cuốn chấm mầu cua chưng. 

- Bây giờ có bao nhiêu thứ nhân tạo. Cà cuống nhân tạo, nước mắm nhân tạo, hương bưởi cũng nhân tạo. Thế làm sao chả có mầu cua nhân tạo nhỉ? Cho nhà tôi mua chứ!

Kèm theo đó là một tràng cười kha kha vang động khắp nhà. Ông nhắp ngụm rượu nhỏ, rồi nhón đũa, chấm một lát bánh cuốn trắng muôn muốt như lụa nõn vào bát mầu cua chưng vàng ruộm, thơm phức, chậm rãi giương lên, ngắm nghía, như chưa nỡ phũ phàng cho miếng ngon lên miệng một cách quá vội vàng.

Ôi cái mùi mầu cua chưng nước mắm, hành phi, mỡ gà, nó thơm, thơm một cách thần diệu khó mà tả nổi!

Năm 15 tuổi, đúng vào năm đầu thập niên 30 của thế kỷ trước, một cậu bé mồ côi cả cha lẫn mẹ quyết tâm từ biệt quê hương tìm kế mưu sinh, rồi lần lượt đem ba người em nhỏ cùng ra Hà Nội lập nghiệp. Đó chính là cha tôi. 

Trải bao năm tháng từ lúc cực khổ đến khi thành danh, từ anh thợ phụ xe đến một nhà doanh nghiệp có tiếng trong nghề vận tải hàng hóa ở Hà Nội, cha tôi vẫn một lòng thương nhớ chốn chôn rau cắt rốn. Đặc biệt ông luôn yêu thích và nhắc nhớ mẹ tôi hoặc dì Hai tôi nấu những món ngon vùng quê cũ, dù chúng chỉ là những món ăn dân dã, bình dị, chứ không phải cao lương mỹ vị gì. 

 Làng tôi là làng Thái Đường, xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa, Hà Tây cũ, nay thuộc về Hà Nội. Làng nằm bên thị trấn Vân Đình nổi danh đất thi thư, khoa bảng. Đầu làng có ngôi đình cổ mái ngói thâm nâu nằm nép dưới bóng cây đa lâu đời xanh om. Sáng sáng, chợ làng họp nhoáng nhoàng chừng chỉ khoảng một giờ đồng hồ, lưa thưa chỉ mấy bà con dân thôn. Các bà, các cô tranh thủ bán gánh rau, rổ tép, giỏ cua, mua mớ khoai, chai mắm, mủng cám... rồi vội vàng ra ruộng cấy lúa, tưới rau, hái đậu... 

Nhưng có một bà cụ già không tất bật như thế. Bà thường mặc áo nâu, khăn vấn, miệng nhai trầu bỏm bẻm, ngồi thư thả bên chiếc chõng tre. Trên chõng bầy chiếc mủng tre lót lá chuối xanh biếc đầy bánh cuốn trắng muốt, bên cạnh là một rổ rau thơm gồm canh giới, bạc hà xanh mát và loáng thoáng đôi chùm sung non nõn nà. Cạnh chõng tre là nồi riêu cua dấm bỗng sôi lăn tăn, bốc hương thơm lừng. Đó chính là hàng bánh cuốn riêu cua (người quê tôi vẫn gọi là bánh dẻo). Đó hàng quà bánh duy nhất của ngôi chợ đình làng tôi. Nhưng mà với dân làng và với cả đám trẻ thành thị chúng tôi ở cái thời bao cấp đói nghèo ấy, thì hàng bánh cuốn đó chiếm vị thế chẳng khác nào vị thế hiệu đặc sản Mỹ Kinh trên phố Hàng Buồm với những chim quay, gà tần, súp vây cá mập, thuở chúng tôi còn thơ bé tại Hà Nội thanh bình yên ấm, trước khi chiến tranh chống Mỹ tràn ra miền Bắc.  

Năm tôi lên 6 - 7 tuổi chi đó, sơ tán tránh bom Mỹ lần thứ nhất, bố tôi đưa chị em chúng tôi về quê gửi nhờ chú thím Hai trông nom, rồi lại tất tả ra Hà Nội làm việc, và thi thoảng mới về quê thăm nom và tiếp tế cho chị em tôi. 

Trước khi về lại Hà Nội, bố tôi thường dỗ dành đàn con nhỏ cứ lẵng nhẵng theo chân ông ra tận chân đê:

- Ngoan, khi nào bố về, đứa nào được điểm 10, bố cho ra ăn bánh cuốn mầu cua!

Thế là cả đám chị em tôi đều bằng lòng, vừa cười vừa mếu chia tay ông. Song mà vẫn cố dõi theo dáng ông lam lũ gò mình trên chiếc xe máy Mobilet cà tàng, cho đến khi chiếc mũ cát bạc màu khuất hẳn trên khúc cong con đê đầu làng.

Và rồi chị em cứ thế đua nhau học hành, phấp phỏng mong đợi phần thưởng cuối tháng trong mơ sẽ hiện hình bên người cha yêu quý. Tiếng xe máy loạch xoạch, loạch xoạch về đến đầu ngõ là cả một khúc nhạc thần tiên của tuổi thơ nơi sơ tán của chị em tôi.

Bà bán hàng tươi cười bỏ miếng bã trầu, trò chuyện rôm rả với bố tôi. Tay bà thoăn thoắt bóc bánh, bốc rau. Đứa nào ăn bánh cuốn chan riêu bà chan canh riêu trước. Rồi bà với tay xuống gầm chõng, lấy bát mầu cua thần thánh be bé, khêu một khêu bé xíu mầu cua chưng, chấm vào bát canh riêu: 

Mầu cua chưng nhóng nhánh ảnh 1

- Ăn đi cháu. Bê cẩn thận, khéo bỏng đấy!

Còn đứa nào ăn bánh cuốn chấm mầu cua chưng theo bố tôi thì bà hàng rộng rãi xúc cho một thìa con con mầu cua, đặt luôn cạnh đĩa bánh cuốn. Gọi là rộng rãi, chứ cả đám mầu cua ấy, cũng chỉ bằng đến quả ô mai sấu cuối lọ là cùng. Nhưng mà thế là nhất đấy. Là tất cả tinh hoa của cả giỏ cua đẫy một buổi hàng của bà đấy cháu ơi! Rồi bố tôi lại vừa lách cách đôi đũa, vừa xuýt xoa bài ca muôn thuở: 

-  Giời ạ! Sao lại chả có mầu cua nhân tạo là thế nào chứ? Bà nhỉ?

- Có mà đến mùng quýt, mùng quýt. Lấy đâu ra! Còn bác, còn tôi. Chả bao giờ đâu bác ơi!

          Bà hàng quệt cốt trầu, cười thành tiếng, phô hàm răng đen hãy còn chút vẻ đẹp hạt na thời thiếu nữ xa xôi.   

         Hơn nửa thế kỷ vụt qua như chớp mắt, bà cụ bán bánh cuốn riêu cua và người cha yêu kính của chúng tôi đều đã ra người thiên cổ. Một năm đôi lần về quê thanh minh và chạp mộ, chị em tôi lại ngậm ngùi nhắc nhớ những câu chuyện ngày xưa và món quà mơ ước thời thơ bé. 

Tôi thì tôi vẫn rắp tâm tìm lại những hương xưa vị cũ nếu như còn có thể. Chợ Làng Giáp Nhất nơi tôi cư ngụ có độ dăm hàng cua. Tôi để ý nhiều lần. Thấy có một cô hàng thi thoảng vào chiều thứ 6 đầu tháng là mải mốt làm hàng chậu cua to đùng. Vợ chồng cô người xay cua, người khêu mầu cứ gọi là nhịp nhàng, thoăn thoắt. 

Nhìn bát mầu cua vàng nhóng nhánh mà ham quá. Tôi liều hỏi mua, giọng nửa đùa nửa thật, dù biết là dưới gầm trời này, chưa có bất kỳ hàng cua nào bán mầu cua riêng, dù với bất cứ giá nào. Không tin các bạn cứ thử đi khắp các chợ mà hỏi xem. 

Trời thương, sau mấy lần lắc đầu, một hôm, cô hàng đồng ý:

- Em lâu lâu mới có chuyến đặt hàng to. Mỗi kỳ đều dăm ba yến cua. Em kể chuyện chị muốn mua mầu cua, mấy lần nhà hàng nó bảo không. Sau nó bảo: Chị cứ bù vào 1 cân cua thì nó đổi ngang cho chị 1 túi mầu. Nhưng thi thoảng thôi chị ơi! Ưu tiên khách quen đấy nhé! 

- May quá. May quá. Được chứ. Được chứ!

"Vàng cốm chị chả quý bằng" (Riêng câu này tôi chỉ reo thầm trong đầu. Như múa tay trong bị. Cô hàng cua mà biết thì toi).

Thế là mấy năm nay, cứ đến kỳ giỗ bố, tôi lại đặt dăm ba cân bánh cuốn chay, và chưng hộp mầu cua, nước mắm, hành mỡ (mỡ gà nhé) đem sang nhà ngoại. Trước cúng, sau cùng chị em thưởng thức. Xuýt xoa cười nói râm ran. 

Bố ạ, con gái bố chờ mãi, đến bây giờ vẫn chưa có mầu cua nhân tạo. Cho nên con vẫn hằng nhớ bố vô cùng, bố ơi!

Tùy bút của Vũ Thị Tuyết Nhung