Xứ Nghệ ân tình
“Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” - Không chỉ khẳng định công lao to lớn của các thế hệ cha ông, lời căn dặn của Bác Hồ còn là lời nhắc nhở toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phải phát huy truyền thống, có trách nhiệm giữ gìn giang sơn gấm vóc… Cũng như mỗi người dân đất Việt, hàng năm cứ đến ngày 10.3 âm lịch, người dân xứ Nghệ lại hướng về cội nguồn dân tộc với nhiều hoạt động ý nghĩa. Vui mừng hơn, Nghệ An - quê hương của Người cha già dân tộc hôm nay đang có bước chuyển mình mạnh mẽ…
Cầu nối hữu hình về quá khứ hào hùng
Nhắc đến Nghệ An, hẳn mỗi chúng ta đều liên tưởng đến quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất. Dù miền xuôi hay miền ngược, dù thị thành hay hải đảo xa xôi, ở đâu thì những người con đất Việt cũng đau đáu một lần trong đời được về thăm quê Bác... Cũng như nhiều người dân khác, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, anh Nguyễn Văn Quang ở TP. Biên Hòa (Đồng Nai) đã đến Khu di tích Kim Liên và bày tỏ tấm lòng thành kính, biết ơn đối với vị cha già kính yêu của dân tộc. “Dâng hương lên bàn thờ Bác, tôi lại càng nhớ đến công lao của Bác đối với dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, khi xem những bức ảnh trưng bày về Bác, tôi hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp của Người, một nhân cách vĩ đại song đầy giản dị”, anh Quang chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Thúy ở TP. Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) không giấu nổi niềm vui khi đến với Nam Đàn đúng dịp giỗ Tổ. “Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương không những trở thành biểu tượng của tinh thần dân tộc, là cội nguồn của sức mạnh, mà còn trở thành cầu nối hữu hình cho niềm tin, niềm tự hào về quá khứ hào hùng của dân tộc”, chị Thúy bày tỏ.
Không chỉ Khu di tích Kim Liên, ngay từ sáng sớm, nhiều người dân Nghệ An và du khách đã có mặt tại đền Hồng Sơn - ngôi đền duy nhất trên địa bàn TP. Vinh thờ Hùng Vương để dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ các vua Hùng. Với nhiều người không có điều kiện hành hương về đền Hùng - Phú Thọ thì tại nơi đây, họ cũng được chiêm bái những nghi lễ như tại đất Tổ. Cô Hoàng Thị Tuyết ở phường Cửa Nam (TP. Vinh) chia sẻ, năm nào cũng vậy, cứ đến dịp giỗ Tổ, không ra được đền Hùng, Phú Thọ để thắp hương các vua Hùng, cô lại cùng gia đình đến dâng hương tại đền Hồng Sơn. “Đây là dịp để gia đình tôi nói riêng, người dân Việt Nam nói chung hướng về đất Tổ, khắc ghi cội nguồn dòng giống Lạc Hồng, hun đúc niềm tự hào về truyền thống tổ tiên, tăng cường tinh thần đoàn kết, yêu thương trong cộng đồng dân tộc”, cô Tuyết chia sẻ.

Nguồn: ITN
Rời đền Hồng Sơn theo hướng quốc lộ 1A, chúng tôi có mặt ở đền Cuông (huyện Diễn Châu). Cùng với đền Hồng Sơn, đã thành thông lệ, cận kề ngày giỗ Tổ Hùng Vương, rất đông du khách thập phương đã đến với đền Cuông để dâng hương, hoa tưởng nhớ vua Thục phán An Dương Vương - vị vua Hùng thứ 18 của dân tộc… Tại sân đền, các cụ cao tuổi đang tổ chức buổi nói chuyện ôn lại truyền thống dựng nước và giữ nước hơn 4000 năm của ông cha ta. Qua đó, động viên mỗi người dân nỗ lực đoàn kết, chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, xứng đáng là con Lạc cháu Hồng. Theo Ban quản lý đền Cuông, hàng năm, ngành văn hóa huyện chỉ đạo chính quyền các xã, thị trấn, các dòng họ tổ chức các hoạt động hướng về cội nguồn, dâng hương giỗ Tổ. Cùng với đó, là tổ chức các trò chơi dân gian như: chọi gà, đấu vật, chơi cờ người, hát dân ca, ca trù... Các trường học trên địa bàn huyện cũng tổ chức tọa đàm, giao lưu... nhằm giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.
Đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nghệ An cho biết: Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày lễ trọng đại của dân tộc, đã trở thành tình cảm thiêng liêng, sâu đậm trong tâm khảm của các thế hệ người dân Nghệ An nói riêng, người dân đất Việt nói chung. Tại các dòng họ, các di tích lịch sử, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã tổ chức các hoạt động cúng, tế, giới thiệu giá trị di sản đối với học sinh, đoàn viên thanh niên, tổ chức cho bà con dâng hương, giới thiệu truyền thuyết con Lạc cháu Hồng…
Ý Đảng, lòng dân chung một hướng
Cùng với tự hào về dòng dõi con Lạc cháu Hồng, người dân xứ Nghệ hôm nay cũng hết sức vui mừng, phấn khởi trước sự đổi thay của quê hương. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh cho biết: Năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh ước đạt 6,2%; thu hút đầu tư có nhiều chuyển biến; công tác cải cách hành chính, quản lý nhà nước tiếp tục được đẩy mạnh; chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI) và cải cách hành chính (PAR index) được cải thiện về điểm số và thứ hạng, thể hiện nỗ lực của các cấp chính quyền trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh...
Nhìn lại chặng đường vừa qua, càng cảm nhận rõ hơn về ý Đảng, lòng dân đã chung một hướng, chung một khát vọng, tạo thành sức mạnh trong ý chí và hành động cùng nhau vượt qua thử thách; về tinh thần tương thân, tương ái, sống có nghĩa, có tình của người dân Nghệ An. Trong khó khăn lại càng tỏa sáng và được thống nhất dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, quy tụ của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp. Điều đó khẳng định bài học lớn về sự quyết tâm, quyết liệt hành động trong toàn Đảng bộ, hệ thống chính trị đã tạo ra sự chuyển động rõ nét từ tỉnh đến cơ sở; bài học về sự tập trung để xử lý công việc, tích cực đeo bám để hoàn thành nhiệm vụ… Những thành tựu đó là kết quả của một quá trình dài nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên trong toàn tỉnh nỗ lực, phấn đấu tạo dựng nên, cùng với sự giúp đỡ quý báu, quan trọng của Trung ương, đồng bào, đồng chí trong cả nước dành cho quê hương Bác Hồ kính yêu.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh, dịch bệnh Covid-19 đã tác động ảnh hưởng đến hầu hết các hoạt động sản xuất, kinh doanh; tiến độ thực hiện của một số dự án, nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn chậm so với yêu cầu; việc làm, đời sống của một bộ phận người dân còn gặp nhiều khó khăn; công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực vẫn còn bất cập… Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh: năm 2022, tỉnh sẽ tập trung thực hiện có hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư; tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư... Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, bố trí nguồn vốn có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên đầu tư hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông...
Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện tốt các lĩnh vực văn hóa - xã hội, chăm lo đời sống cho người dân, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với xã hội. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính. Tạo chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ trong thực hiện cải cách hành chính, thực thi đạo đức công vụ ở các cấp, các ngành. Thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng Chính quyền điện tử. Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức…
Tạm biệt xứ Nghệ - nơi cắt rốn chôn rau, nuôi dưỡng cậu bé Nguyễn Sinh Cung thuở ấu thơ… chợt nhớ về những câu từ rộn rã trong bài hát “Nghệ An vươn tầm cao mới” của nhạc sĩ Vũ Quốc Nam: “… Bình minh đang lên đón chào quê hương ngày mới/ Chào bè bạn năm châu cùng về… / Quê hương đang đổi mới từng ngày, chung tay vươn tới tầm cao…/ Hát khúc hát Nghệ An tự hào, từ vùng núi đến biển khơi/ Vì tương lai vươn tầm cao mới…”.