Bên đời dệt nghĩa

Nguyễn Bình 20/03/2022 06:00

Vừa hay, nghệ sĩ Thanh Tú ra đi ở tuổi 83, nhưng vai Nhuận Điền nổi tiếng của ông chắc chắn sẽ còn sống mãi...

Nếu phải chọn một nhân vật phụ xuất sắc nhất trong toàn bộ lịch sử cải lương Việt Nam, tôi sẽ không ngại ngùng bỏ phiếu cho Nhuận Điền, nhân vật trong vở “Bên cầu dệt lụa”, do nghệ sĩ Thanh Tú thủ vai.

Tạo hình của NS. Thanh Tú trong vai diễn để đời Nguồn: ITN
Tạo hình của NS. Thanh Tú trong vai diễn để đời
Nguồn: ITN

Nhuận Điền là một nhân vật văn võ song toàn, là huynh đệ chí cốt của Trần Minh. Khi gia đình Trần Minh gặp gia biến, Nhuận Điền đưa mẹ con Trần Minh về nuôi trong căn nhà lá đơn sơ của mình. Nhuận Điền tính tình hào sảng, nghĩa khí, coi khinh chốn quan trường, quanh năm chỉ làm bạn với ruộng đồng. Có thêm hai miệng ăn, Nhuận Điền “hạt muối cũng phải chia ba” nhưng chưa từng than thở, vì “hai đứa bạn nghèo không thương nhau thì còn biết thương ai”. 

Lần duy nhất Nhuận Điền tỏ ý hờn trách Trần Minh là khi hai người gặp lại, nhiều tháng sau khi Trần Minh lên kinh thành thi cử. Và đó là một trong những lớp diễn hay nhất, sâu sắc trong lịch sử cải lương nói riêng và sân khấu nói chung. 

Mở đầu lớp diễn ấy, Nhuận Điền xuất hiện, vai gánh lúa, ca: 

“Danh lợi đua chen

Lòng riêng sạch bụi

Cuốc bẫm cày sâu

Vừa nước ruộng ta

Mồ hôi ướm đất

Lúa vàng trải hạt

Góp sức cần lao

Cho đời nở hoa

Vui nhìn lúa trải nhung xa

Hết thời con gái

Là hoa ngọc thành”.

Đây là triết lý sống của Nhuận Điền, không phải là người mê công hầu khanh tướng, không thích cái bả lợi danh làm hại tấm thân. Nhưng anh không hề ép bạn phải sống theo triết lý của mình, vì mỗi người một cách sống. Anh vẫn mong Trần Minh đỗ đạt, theo ước mong của mẹ già và người vợ hứa hôn. Gặp lại Trần Minh sau thời gian dài xa cách, thấy người bạn thân vẫn mặc nguyên áo cơ hàn rách rưới, Nhuận Điền trách Trần Minh đã làm tủi vong hồn bá mẫu và phụ lòng người con gái chung tình. Trần Minh cười xòa, nói mình đã đỗ trạng nguyên rồi. 

Nhuận Điền ngạc nhiên không hiểu vì sao một trạng nguyên được vinh quy mà lại im lìm, không có chiếu của vua chuyển về làng lo đón tiếp, và ngay cả huyện quan sở tại không biết, không hay.

Trần Minh cười buồn, đáp: "Đệ đâu có còn ai ở đây đâu mà rình rang cho rỡ ràng dòng họ chớ! 

Cho nên đệ có ý tâu xin với đức thánh quân

"Đừng ban chiếu thông báo trước

Đệ sẽ tùy nghi mà sắp xếp"

Nhuận Điền:

"Sao bồn dưng tân trạng Trần Minh,

Lại xin làm một chuyện lạ đời"

Trần Minh:

"Đối với đại huynh và hiền phụ Quỳnh Nga,

Đệ phải dành cho bao tình cảm thiết tha

Vì hai người tình rất thâm trọng

Đệ phải hết lòng lo lắng liệu toan

Phải đón mừng nhau cho hết sức đậm đà

Cho xứng với tình và thâm ân

Đệ mới xin làm chuyện nghịch thường

Vậy mà vẫn chưa trọn lòng yêu thương"

Trần Minh gửi áo mão cho quân hầu cận, mặc nguyên áo cơ hàn để ôn lại ngày đưa tiễn, hai đứa bạn nghèo uống rượu dặn dò nhau. Nhuận Điền khoái quá bèn nói Trần Minh ngồi đợi để đi mua rượu. Trần Minh móc ra ngay một chai rượu và nói: 

- Rượu này không phải là rượu trạng nguyên hay ngự tửu, mà rượu này đệ đã ghé mua ở một quán nghèo ở bên đường. Vậy bây giờ anh em mình cùng hâm nóng lại chén rượu ngày xưa, chén rượu của ngày đưa tiễn.

Nhuận Điền: - Giờ là trạng nguyên mà vẫn uống được rượu quán nghèo ngày cũ à? 

Trần Minh: - Uống chớ đại huynh! Tuy rượu quán nghèo nhưng nồng nàn hương vị. Xin kính cẩn tay nâng mời tri kỷ, mượn chén rượu ngày xưa cho tròn vẹn thâm tình.

Riêng rượu lạt trạng nguyên thì đệ chỉ xin dám uống một mình. 

Đâu dám rót làm bẩn môi người nghĩa khí

Xin gởi vào đây bằng hương vị của ngày xưa 

Cởi áo mão cân đai gởi cho quân hầu cận

Mặc nguyên áo cơ hàn để mừng bạn tương tri 

Vậy rượu tương phùng đại huynh hãy uống đi

Uống chén rượu hôm nay mà nhớ ngày đưa tiễn

Nhuận Điền uống liền mấy ly, cười sảng khoái: 

“Ha ha ha ... hảo bằng hữu!

Cởi lớp áo trạng nguyên đệ đã đãi ta bằng chung rượu cơ hàn 

Chung rượu tiễn đưa chưa phai được vị men nồng. 

Xin đa tạ với nhiều thâm cảm

Xao xuyến tâm hồn vương đậm nghĩa cố tri

Hơi rượu hôm nay ướp men tình ngày cũ

Nhưng sao ta nghe còn hơi hướm trạng nguyên

Rượu đã mất ngon rồi

Vậy chỉ xin uống cạn vài chung nhỏ rồi lại quay về vui cuốc bẫm cày sâu”

Hành trình trưởng thành của một con người đi liền với hành trình mất bạn. Những người ngỡ đã từng rất quan trọng với ta nay không còn bên cạnh ta nữa. Nhưng không phải ai cũng có thể chia tay “bạn cũ” theo cách văn minh như Nhuận Điền. Anh đã biết trước ngày Trần Minh đỗ trạng nguyên là ngày mình mất bạn, nhưng trong giây phút tương hội, vẫn “nhậu” một trận mừng cho bạn, cho mình, cho ngày tương hội rồi mới chủ động quay về với thế giới của mình. Một lớp diễn quá hay như cô đọng được vấn đề muôn thuở trong hành trình phát triển của mọi con người.

Trần Minh ngỡ ngàng hỏi: “Đại huynh, đại huynh nỡ để cho đệ khi có áo mão cân đai đành phải mất bạn hay sao!”.

Nhuận Điền đáp: “Làm sao được nữa! Đôi bằng hữu khi có một kẻ cao sang, không sao tránh được mặc cảm vì phân chia giai cấp”.

Trần Minh hiểu rõ con đường mình đi giờ đã khác bạn, không hề có ý níu kéo, chỉ hỏi: “Đại huynh, có còn gì để dạy nhau chăng?”.

Nhuận Điền lúc này mới đưa cho Trần Minh một nhành bông lúa, và nói:

“Còn! Ta xin gửi cho đệ một nhành bông lúa mới thay lời dặn dò. Khi được cao sang xin chớ quên lòng những kẻ bùn lấm tay chân, nuôi dưỡng nhân sinh. Vì họ là những người ân...”.

Thanh Tú có lối diễn bình thản nhưng đầy nam tính. Như một thứ rượu ngon, càng xem lại càng thấm và càng thấy hay hơn. Mỗi lần xem lại “Bên cầu dệt lụa”, tôi lại càng thấy một tầng nghĩa ẩn, càng thấy Nhuận Điền phức tạp và thú vị tột cùng. Và chỉ có Thanh Tú mới tạo nên một nhân vật thú vị chừng ấy. 

Vừa hay, nghệ sĩ Thanh Tú ra đi ở tuổi 83, nhưng vai Nhuận Điền của ông chắc chắn sẽ còn sống mãi. Vì trên đời này, có khát vọng vươn lên nhưng vẫn thủy chung tiết nghĩa như Trần Minh đã quý, nhưng chọn ở lại để nuôi dưỡng nhân sinh, chọn yêu lấy những giọt mồ hôi, sống đời thanh bạch cũng quý không kém. Và Nhuận Điền cho ta thấy: làm tri kỷ không nhất thiết phải ở gần nhau.

Ngày gặp lại Thanh Sang ở thế giới bên kia, có lẽ Thanh Tú sẽ lại cạn một ly rượu cơ hàn. Bụi trần đã rũ sạch. Rượu giờ hẳn rất ngon.

Nguyễn Bình