Khiếu nại của người tiêu dùng gia tăng trong dịch bệnh

Hạnh Nhung 16/03/2022 05:36

Năm 2021, số lượng phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng có xu hướng gia tăng. Cụ thể, có hơn 13.000 cuộc gọi tới Tổng đài của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, tăng 16% so với năm 2020; hơn 1.300 đơn thư khiếu nại, tăng 120% so với năm 2019. Nội dung khiếu nại đa phần là những lĩnh vực chịu tác động lớn của dịch Covid-19 như vận chuyển, hàng không, đặc biệt là thương mại điện tử…

 Dịch bệnh ảnh hưởng đến bảo vệ người tiêu dùng

Tại Tọa đàm “Nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng” ngày 15.3, Phó Trưởng phòng Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) Hồ Tùng Bách cho biết, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh của nền kinh tế, trong đó có công tác bảo vệ người tiêu dùng.

Bộ Công thương đang nghiên cứu sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Bộ Công thương đang nghiên cứu sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Thống kê cho thấy, năm 2021, số lượng phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng có xu hướng gia tăng. Cụ thể, có hơn 13.000 cuộc gọi tới, tăng 16% so với năm 2020; hơn 1.300 đơn thư khiếu nại, tăng 120% so với năm 2019. Nội dung khiếu nại đa phần là những lĩnh vực chịu tác động lớn của dịch Covid-19 như vận chuyển, hàng không, đặc biệt là thương mại điện tử…

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã có nhiều giải pháp để xử lý các vụ việc khiếu nại như: phối hợp với các cơ quan liên quan và doanh nghiệp để kịp thời giải quyết vướng mắc; cảnh báo, nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội...

Tổng Thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Vũ Văn Trung cho biết, tổng số vụ khiếu nại được giải quyết thành công, số cuộc giải thích hướng dẫn, giải quyết khiếu nại qua đường dây nóng trong toàn hệ thống của Hội là 30.370 vụ, Bên cạnh đó, Hội và các cấp Hội địa phương cũng đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người tiêu dùng để có thể bảo vệ quyền lợi của mình khi cần.

Pháp lý và tài chính - hai điểm nghẽn lớn

Tuy nhiên, theo ông Trung, việc bảo vệ người tiêu dùng còn gặp nhiều khó khăn, mà “Đầu tiên phải nói đến điểm nghẽn về pháp luật”. Điều 28 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định: tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hướng dẫn, giúp đỡ tư vấn người tiêu dùng khi có yêu cầu. Dựa vào quy định này, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam chỉ có thể “tham gia” hướng dẫn, tư vấn khiếu nại khi người tiêu dùng cần, chứ không được chủ động và được quyền giải quyết khiếu nại. Hơn nữa, người tiêu dùng luôn ở thế yếu, tiếp cận thông tin khó khăn và rất e ngại khiếu nại, tố cáo vi phạm của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, án phí khởi kiện không nhỏ trong khi nguồn lực tài chính có hạn.

PGS.TS. Nguyễn Thị Vân Anh, giảng viên Khoa Pháp luật kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, cả nước còn 7 tỉnh chưa có Hội Bảo vệ người tiêu dùng. Cấp cơ sở (huyện, xã) nhiều nơi vắng bóng Hội. Hoạt động tuyên truyền và nâng cao nhận thức chưa thực sự thường xuyên, chủ yếu theo các đợt nhất định. Theo bà Anh, thời gian tới cần tập trung 3 giải pháp. Thứ nhất, đồng bộ các quy định của pháp luật, không phải chỉ sửa đổi các quy định trong Luật Bảo vệ quyền lợingười tiêu dùng mà cần quan tâm sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan. Thứ hai, có quy định mở rộng trách nhiệm, hoạt động của Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam trong việc trực tiếp thực hiện các hoạt động bảo vệ người tiêu dùng. Thứ ba, cần cơ chế để có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước với các Hội Bảo vệ người tiêu dùng, phải đồng bộ từ Trung ương tới địa phương.

Đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng thừa nhận, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 đến nay đã bộc lộ nhiều hạn chế và Bộ Công thương đang nghiên cứu, sửa đổi toàn diện. Trong dự thảo mới nhất, những khó khăn được nêu ra sẽ được chuyển hóa thành quy định, tạo điều kiện thuận lợi trong bảo vệ người tiêu dùng. Cụ thể, tham gia khởi kiện tại tòa sẽ được miễn tạm ứng án phí; xử lý tiền bồi thường thiệt hại trong hoàn cảnh đặc biệt sẽ có những quy định thuận lợi hơn…

Hạnh Nhung