Đẩy nhanh tiến độ triển khai Hải quan thông minh

Minh Nhật 11/03/2022 06:45

Theo Tổng cục Hải quan, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành cần thực hiện trong năm 2022 là đẩy nhanh tiến độ triển khai Hải quan số, Hải quan thông minh và thực hiện Chiến lược cải cách hiện đại hóa hải quan giai đoạn 2021 - 2030. Vì vậy, song song với việc hoàn thiện quy trình nghiệp vụ, quy định pháp luật có liên quan, ngành hải quan cũng đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới và hiện đại vào công tác quản lý, giám sát.

Từ hoàn thiện cơ sở pháp lý

Theo đại diện Tổng cục Hải quan, tại Chỉ thị mới đây về việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, chống thất thu trong nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2022; nhiệm vụ trọng tâm của Tổng cục Hải quan là hoàn thiện quy trình nghiệp vụ tổng thể về thủ tục hải quan, quy trình nghiệp vụ chuyên sâu, mô hình Hải quan thông minh, Hải quan số; với mức độ tự động hóa cao, ứng dụng thành tựu công nghệ mới và hiện đại trên nền tảng số, bảo đảm tương thích, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, có khả năng dự báo... Đặc biệt, hoàn thiện cơ sở pháp lý để tạo tiền đề triển khai Hải quan số, Hải quan thông minh là nhiệm vụ quan trọng. 

Trong đó, Cục Giám sát quản lý về hải quan sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật từ nghị định đến thông tư làm cơ sở thực hiện cải cách hiện đại hóa hải quan. Nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại các Luật về quản lý, kiểm tra chuyên ngành, theo hướng cắt giảm phù hợp danh mục hàng hóa nhóm 2; áp dụng đầy đủ nguyên tắc về quản lý rủi ro dựa trên mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp và mức độ rủi ro của hàng hóa; thay đổi phương pháp quản lý từ việc kiểm tra từng lô hàng sang kiểm tra theo mặt hàng (trừ hàng hóa thuộc diện kiểm dịch, giống cây trồng). 

Ngoài ra, trong kế hoạch 2021 - 2025, cơ quan Hải quan tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành trong việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu để đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung theo hướng 1 luật sửa nhiều luật; định hướng cơ quan Hải quan sẽ là đầu mối tại cửa khẩu thực hiện kiểm tra hàng hóa xuất, nhập khẩu, bao gồm cả kiểm tra chuyên ngành.

“Định hướng này hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển của Hải quan một số các nước tiên tiến như Mỹ, New Zealand, Trung Quốc. Đây là xu hướng tất yếu cơ quan Hải quan sẽ đề xuất cấp trên trình Chính phủ để có cơ chế hiện đại hóa công tác quản lý, thống nhất đầu mối kiểm tra tại cửa khẩu, giảm thời gian thông quan nhưng vẫn tăng cường kiểm soát và phối hợp giữa các bộ, ngành” -  Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) Âu Anh Tuấn cho biết.

Đẩy nhanh tiến độ triển khai Hải quan số, Hải quan thông minh và thực hiện Chiến lược cải cách hiện đại hóa hải quan giai đoạn 2021 - 2030
Đẩy nhanh tiến độ triển khai Hải quan số, Hải quan thông minh và thực hiện Chiến lược cải cách hiện đại hóa hải quan giai đoạn 2021 - 2030

Tới hiện đại hóa trong quản lý

Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan Đào Duy Tám cho biết, mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh được xây dựng sẽ có mức độ tự động hóa cao, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới và hiện đại trên nền tảng số, phi giấy tờ, bảo đảm minh bạch, công bằng, hiệu lực, hiệu quả, có khả năng dự báo, thích ứng với sự biến động của thương mại quốc tế và yêu cầu quản lý của cơ quan Hải quan; yêu cầu chia sẻ, kết nối với các bộ, ngành, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Bao gồm, các đặc trưng về quản lý biên giới thông minh, quản lý theo chuỗi và hệ sinh thái số, kết nối và xử lý thông minh hướng tới cung cấp dịch vụ tối ưu cho cơ quan Hải quan và người khai hải quan...

Đơn cử, để phục vụ kiểm tra, giám sát hải quan, cơ quan Hải quan sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống trang thiết bị máy móc tại các khu vực cửa khẩu, bảo đảm hoạt động quản lý của cơ quan Hải quan, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Chẳng hạn như hệ thống camera nhận dạng, barie điện tử để phục vụ giám sát hàng hóa tự động tại cảng biển; trang bị các thiết bị giám sát hiện đại như cân, camera gắn người, máy soi container, seal phục vụ giám sát tại khu vực cửa khẩu, cảng biển, kho bãi.

Theo đánh giá của Cục Giám sát quản lý về hải quan, thời gian qua, việc triển khai hệ thống giám sát tự động được áp dụng tại Cảng Hàng không sân bay quốc tế Nội Bài và Cảng Hàng không sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Bước đầu đã quản lý được việc trao đổi thông tin liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp trên Hệ thống một cửa quốc gia; kết nối thông tin hàng hóa nhập khẩu của doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng với hệ thống quản lý, giám sát hải quan tự động (VASSCM). Mặt khác, người khai hải quan đến nhận hàng gần như không phải làm thủ tục tại cơ quan Hải quan, giúp doanh nghiệp giảm chi phí hồ sơ chứng từ bản giấy, giảm chi phí đi lại, giảm phiền hà từ việc làm thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại. 

Để tiếp tục đáp ứng yêu cầu quản lý, đồng bộ công tác hiện đại hóa hướng tới mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh; Tổng cục Hải quan đã yêu cầu các Cục hải quan tỉnh, thành phố thực hiện rà soát tổng thể các cửa khẩu biên giới đất liền, khu vực cảng biển, cảng không quốc tế, ga đường sắt quốc tế, cảng thủy nội địa; kho, bãi, địa điểm thuộc khu vực giám sát hải quan trên toàn quốc; rà soát, lập danh sách, thực hiện kiểm tra thực tế các kho bãi, địa điểm do doanh nghiệp đầu tư xây dựng được công nhận hoạt động trước thời Nghị định 68/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan có hiệu lực...

Việc đánh giá tổng thể hoạt động cửa khẩu, cảng, kho, bãi, địa điểm sẽ giúp cho Tổng cục Hải quan có căn cứ đánh giá thực trạng tại các cửa khẩu, cảng, kho bãi, địa điểm, từ đó xây dựng cơ sở dữ liệu và kế hoạch đầu tư trang thiết bị phục vụ đề án Mô hình hệ thống Hải quan thông minh trong thời gian tới.

Minh Nhật