Bài 1: Sôi động nhưng thiếu sức hút

Thảo Nguyên 09/03/2022 06:57

Quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng và cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 tạo nhiều thuận lợi cho nghệ thuật biểu diễn phát triển với cơ hội quảng bá toàn cầu và đem lại giá trị lớn từ khai thác tiềm năng kinh tế của văn hóa trên môi trường số. Nhưng ở chiều ngược lại, ngành công nghiệp văn hóa này cũng đối mặt với thách thức không nhỏ.

Thời gian gần đây, ngày càng nhiều chương trình, tác phẩm nghệ thuật biểu diễn Việt Nam được sáng tạo, giới thiệu tới công chúng, đa dạng về loại hình. Tuy vậy, theo đánh giá, đa số chưa đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của công chúng, cũng như bắt kịp sự phát triển của thế giới. 

Nở rộ về số lượng và quy mô 
Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, nghệ thuật biểu diễn là một ngành truyền thống của công nghiệp văn hóa Việt Nam với nhiều loại hình biểu diễn như: Ca - múa - nhạc hiện đại, giao hưởng, hợp xướng, opera, ballet, kịch hát dân ca, kịch nói, tạp kỹ... Trong đó, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có chủ thể sáng tạo, biểu diễn nghệ thuật có tính hệ thống và chuyên nghiệp. 

Hiện nay tại Hà Nội có 6 đơn vị nghệ thuật (Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, Nhà hát Múa rối Thăng Long, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội) hoạt động chuyên nghiệp với lực lượng cán bộ hùng hậu, năng lực sáng tạo nghệ thuật tốt. Cùng với sự phát triển về loại hình biểu diễn, doanh thu ngành cũng liên tục gia tăng. Trong 5 năm từ 2016 - 2020, 6 nhà hát đã tổ chức hơn 12.000 buổi biểu diễn, trong đó hơn 1.800 buổi biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, doanh thu đạt 234,5 tỷ đồng. 

Không chỉ các đơn vị nghệ thuật nhà nước, những năm gần đây, lĩnh vực này cũng thu hút sự tham gia sản xuất, dàn dựng của các nhóm nghệ sĩ, doanh nghiệp, cho ra đời nhiều chương trình nghệ thuật quảng trường, sân khấu thực cảnh như: "Ký ức Hội An", "Tinh hoa Bắc Bộ", "Ký ức làng chài"; hoặc các chương trình nghệ thuật xiếc, âm nhạc như: "À ố show", "Hồn Việt"; lễ hội âm nhạc “Gió mùa” (Monsoon Music Festival)... được đầu tư chất lượng, tạo dựng được thương hiệu, có sức hấp dẫn mạnh mẽ với công chúng.

NSND Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam nhận xét: “Thời gian qua, các nhà hát chuyên nghiệp, nhiều cá nhân, tổ chức đã nhạy bén vận dụng quy trình sản xuất sản phẩm văn hóa đại chúng để đưa các loại hình nghệ thuật biểu diễn sân khấu đến gần hơn với khán giả, đồng thời thu về nhiều giá trị lợi ích cả tinh thần lẫn vật chất, cũng đa dạng hóa thành phần tham gia. Tốc độ nở rộ, sôi động, tăng mạnh về số lượng và quy mô hoạt động”. Đặc biệt, biểu diễn ca múa nhạc, hài, các chương trình, sự kiện văn hóa nghệ thuật quảng trường ứng dụng công nghệ cao rất hiệu quả.

Sân khấu đang khó khăn trong thu hút khán giả Ảnh: baochinhphu.vn
Sân khấu đang khó khăn trong thu hút khán giả

Ảnh: baochinhphu.vn 

Thách thức về cơ sở vật chất, nhân lực

Nhìn nhận sự phát triển của nghệ thuật biểu diễn thời gian qua, NSND Thúy Mùi cũng cho rằng, có nhiều vấn đề đang bộc lộ: Các sản phẩm văn hóa nghệ thuật chưa phát huy sức mạnh mềm xứng tầm với sự phát triển của đất nước do hoạt động nhỏ lẻ, sản phẩm đưa ra chưa hòa nhập vào dòng chảy nghệ thuật thương mại toàn cầu, chủ yếu tiêu thụ trong nước. Một số đơn vị đưa sản phẩm ra thế giới như Nhà hát Múa rối Thăng Long nhưng cũng chỉ mang tính giới thiệu, hiệu quả kinh tế đa số còn thấp.

Bên cạnh đó, các loại hình nghệ thuật sân khấu chính thống, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống, đang gặp rất nhiều khó khăn trong thu hút khán giả. Hiện tượng thưa vắng, thậm chí đứt gãy phân khúc khán giả trẻ, kéo dài nhiều năm qua. Trong khi nhờ vào công nghệ lăng xê, đã có không ít chương trình nội dung sơ sài, thiếu tính giáo dục, thậm chí phản cảm lại có giá trị thương mại rất cao. Về mặt cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện biểu diễn của các đơn vị nghệ thuật hầu hết chưa đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của công chúng, chưa theo kịp sự phát triển công nghiệp và công nghệ như vũ bão hiện nay. 

Đồng tình với ý kiến trên, theo nhạc sĩ Quốc Trung, “một dự án nghệ thuật đỉnh cao muốn thu hút sự quan tâm của khách trong và ngoài nước cần được đầu tư về mọi mặt và có tuổi đời hoạt động từ 5 - 10 năm. Tuổi đời các dự án nghệ thuật thường rất ngắn khiến giá thành sản xuất rất cao, dẫn đến việc đầu tư về mọi mặt không đủ, qua loa và yếu ớt. Cho đến giờ Hà Nội chưa có dự án nghệ thuật nào mang tầm quốc tế đủ sức thu hút mọi thành phần công chúng trong và ngoài nước, đáp ứng mọi yêu cầu khắt khe về tính cạnh tranh với thói quen thưởng thức nghệ thuật đỉnh cao của khán giả quốc tế”.

Nhiều người trong ngành nhận định, ngành công nghiệp văn hóa nói chung, nghệ thuật biểu diễn nói riêng của Việt Nam đang đối mặt với những thách thức không nhỏ. Thách thức đầu tiên đến từ vấn đề pháp lý do thể chế văn hóa chưa hoàn thiện để có thể hỗ trợ sự đa dạng và năng động của văn hóa mà không can thiệp quá sâu, ảnh hưởng đến sức sáng tạo. Những khoảng trống pháp lý về quyền sở hữu trí tuệ cũng dẫn đến sự yếu kém trong bảo vệ thành quả sáng tạo. Mặt khác, chất lượng dịch vụ, sản phẩm của ngành chưa cao, thiếu sản phẩm văn hóa thương hiệu quốc gia mang chất lượng ở cấp độ khu vực và quốc tế, năng lực cạnh tranh. 

Nguồn nhân lực của ngành nghệ thuật biểu diễn có vai trò quan trọng, song nhìn lại có thể thấy, nghệ sĩ trẻ - lớp tiếp nối cho nền nghệ thuật, đang rất thiếu hoặc chưa có điều kiện để rèn luyện, phát triển và khẳng định tài năng...

Thảo Nguyên