Người tiên phong

Anh Ngọc 06/03/2022 07:16

Con tàu ấy được phóng lên cách đây nửa thế kỷ. Nó chính là sứ giả đầu tiên của Trái đất trong hành trình khám phá vũ trụ và giúp con người trả lời nhiều câu hỏi liên quan đến hệ Mặt trời.

Nguồn: ITN
Nguồn: ITN

Bạn nhìn thấy gì trong bức ảnh lớn đó? Đường nét của một con tàu vũ trụ, những đoạn thẳng bên trái tỏa ra từ một tâm thể hiện những hành tinh mà chúng ta đã quan sát được trong hệ Mặt trời, với vị trí của chúng so với Mặt trời, còn những hình bên dưới chính là các hành tinh ấy thể hiện theo tỷ lệ của nó. Hai vòng tròn ở trên cùng thể hiện rằng loài người đã biết được phân tử vật chất đơn giản nhất là do 2 nguyên tử hydro tạo thành.

Đấy chính là tấm danh thiếp của loài người đối với người ngoài Trái đất, nếu họ có tồn tại (nhà thiên văn học nổi tiếng Carl Sagan chính là cha đẻ của tấm thông tin bằng kim loại này), và được gắn vào tàu vũ trụ không người lái Pioneer 10. Con tàu ấy được phóng lên vào ngày 3.3.1972, cách đây nửa thế kỷ. Nó chính là sứ giả đầu tiên của Trái đất trong hành trình khám phá vũ trụ và giúp con người trả lời nhiều câu hỏi liên quan đến hệ Mặt trời. Một trong những nhiệm vụ lớn nhất của Pioneer là giải đáp những thắc mắc của chúng ta về sao Mộc (Jupiter), hành tinh lớn nhất trong hệ Mặt trời. 

Nó là hành tinh thứ 5 tính từ Mặt trời và là một hành tinh khí khổng lồ. Trong nhiều thế kỷ, các thế hệ cha ông chúng ta đã từng bị nó ám ảnh. Người La Mã đặt cho nó tên của chúa tể các vị thần (Jupiter), nhiều dân tộc khác tò mò về cái chấm sáng to trên bầu trời những đêm quang đãng. Nhưng chỉ đến khi kính thiên văn được tạo ra đầu thế kỷ XVII, người ta mới nhìn mờ mờ về nó, phát hiện ra nó có 4 mặt trăng lớn và nhiều mặt trăng nhỏ, nhìn thấy Chấm đỏ lớn có kích thước lớn hơn Trái đất (Chấm đỏ lớn, Great Red Spot - từ chỉ những cơn bão cực lớn trên bề mặt sao Mộc). Khó có thể nhìn kỹ hơn được nữa, bởi nó ở cách chúng ta 800 triệu kilômét, và để đến được đó, Pioneer, từng là vật thể nhanh nhất bay khỏi Trái đất, đã mất gần 2 năm để đến quỹ đạo của sao Mộc.

Pioneer đã thấy gì khi đến với sao Mộc? Khi cách hành tinh này 11 triệu kilômét, nó phát hiện ra từ quyển (vùng không gian bao quanh hành tinh được điều khiển bởi từ trường) của sao Mộc trải rộng tới gần 7 triệu kilômét về phía Mặt trời. Từ trường ấy còn lớn hơn rất nhiều từ trường của Trái đất và tác động rất lớn đến tốc độ quay của sao Mộc. Khi bay đến gần hơn nữa, Pioneer 10 nghiên cứu Chấm đỏ lớn. Đấy là lần đầu tiên loài người nhìn thấy sao Mộc và những cơn bão lớn khủng khiếp của nó gần và chi tiết đến thế. Những thông tin mà Pioneer 10 đã cung cấp những kiến thức lớn lao chưa từng có cho tới lúc ấy về hành tinh này. 

Sau khi thăm sao Mộc và thám hiểm các mặt trăng lớn nhất của nó, vốn được nhà khoa học người Ý Galileo Galilei phát hiện lần đầu bằng kính viễn vọng cỡ nhỏ vào năm 1609 (nhiều năm sau, các tàu Voyager phát hiện thêm là có núi lửa trên đó), Pioneer 10 “tham quan” sao Thổ vào năm 1976, sao Thiên vương năm 1979 và sao Hải vương vào năm 1983, nó được phép “về hưu” vào năm 1997 và cho phép lang thang mãi trong vũ trụ. Lần cuối cùng, các nhà khoa học nhận được tín hiệu rất yếu ớt của nó là vào năm 2003, khi nó đang đi mãi vào khoảng không vô định trong hệ Mặt trời và không bao giờ trở về nhà nữa.

Không ai biết bây giờ nó đang ở đâu, nhưng người ta ước đoán, nó đang ở cách ngôi nhà nơi nó ra đi gần 20 tỷ kilômét và nếu đường bay không đổi, nó sẽ hướng thẳng đến một sao kềnh đỏ (sao kềnh là sao rất lớn) có tên Aldebaran, ngôi sao sáng nhất trong chòm Kim Ngưu (Taurus), ở cách chúng ta 68 năm ánh sáng. Để đến được đó, nó phải mất chừng 2 triệu năm bay liên tục không nghỉ. Bây giờ, Pioneer 10 - đúng là người tiên phong theo tên tiếng Anh của nó, đang lang thang trong vũ trụ, mang một thông điệp của nhân loại, với hy vọng sẽ có giống loài có trí tuệ nào đó bắt được và hiểu rằng, ở xa lắm, khi có lẽ sự sống trên Trái đất không còn nữa, đã có một giống loài tên là “loài người” từng tồn tại…

Anh Ngọc