Hiểu đúng về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh

Anh Minh 01/03/2022 06:54

Việc có cần quy định Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh trong Luật Điện ảnh (sửa đổi) hay không vẫn còn ý kiến khác nhau. Người làm nghề và Ban soạn thảo mong muốn xây dựng được quỹ này nhưng chưa đưa ra được phương án khả thi cho nguồn thu, khả năng độc lập tài chính của quỹ. Cũng chính bởi vậy mà cơ quan thẩm tra và nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc tính khả thi và sự phù hợp của quy định về quỹ như dự thảo Luật.

Chúng ta đang hiểu chưa đúng?

“Mặc dù có nhiều ý kiến khó khăn, nhưng đến giờ này tôi vẫn giữ vững ý chí, tức là ngành điện ảnh phải có quỹ. Thành lập được quỹ thì mới có cách mạng trong điện ảnh, nếu không thì chúng ta vẫn cứ lèo tèo thế này”.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông

Tham dự Hội nghị góp ý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức tại Hà Nội mới đây, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã “ngạc nhiên” khi thấy vẫn có 2 phương án dành cho Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, trong đó phương án 1 là bỏ quỹ này.

“Theo tôi, đã đến lúc Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh cần được hình thành và duy trì, hoạt động dưới sự quy định và bảo trợ của pháp luật. Không có Quỹ này, dòng phim độc lập giàu sáng tạo, mang tính tiên phong nhưng cũng dễ dàng lệch hướng sẽ bị thả nổi, bị đối xử bất công khi phải cạnh tranh với những dòng phim khác trong một liên hoan phim không dành riêng cho họ” - nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã nói.

Tuy nhiên, bà Nhã cho rằng, một mặt quy định Quỹ “bảo toàn vốn điều lệ” đồng thời “tự bù đắp chi phí” là thách đố đối với bất kỳ ai đứng đầu Quỹ. “Tôi mong muốn dự luật sẽ đưa ra các tiêu chí hoạt động cho Quỹ cụ thể hơn, với những chỉ dẫn mang tính kim chỉ nam để bất cứ ai lãnh nhận trách nhiệm sẽ dễ dàng điều hành Quỹ mà không vi phạm pháp luật hiện hành”.

Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh cũng là điều Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Lê Hồng Chương “băn khoăn nhất”. “Đã qua 3 đời Bộ trưởng Bộ Văn hóa mà vẫn không thành lập được quỹ này vì nhiều lý do. Tôi rất buồn nếu trong Luật Điện ảnh (sửa đổi) lại bỏ quỹ này, không biết điện ảnh sẽ được điều hành như thế nào, chúng ta sẽ không đủ sức mạnh để dẫn dắt con thuyền văn hóa theo định hướng của mình”.

Theo ông Lê Hồng Chương, chúng ta đang hiểu chưa đúng về quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. “Ở đây, Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh phải được xác định là công cụ của Nhà nước để xây dựng nền công nghiệp điện ảnh trong cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, còn hỗ trợ dự án phim thử nghiệm, phim đầu tay, phim của tác giả trẻ… là quỹ của các bộ, ngành, liên hoan phim…”.

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam cho rằng, khuyến khích xã hội hóa thực hiện quỹ này là cách hiệu quả nhất Ảnh: N. Linh
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam cho rằng, khuyến khích xã hội hóa thực hiện quỹ này là cách hiệu quả nhất

Ảnh: N. Linh 

Khuyến khích xã hội hóa

Bà Trần Thị Quỳnh Nga, đại diện Bộ Tài chính cho biết, do chưa xác định được nguồn thu nào ngoài nguồn ngân sách nhà nước là vốn điều lệ, nên sự thành lập Quỹ không bảo đảm có thể tự hoạt động, không phụ thuộc vào ngân sách nhà nước. Và một số nhiệm vụ chi của Quỹ trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước, như hỗ trợ dự án sản xuất phim hiện Nhà nước có chính sách đặt hàng, giao nhiệm vụ. Vì thế, Bộ Tài chính đề nghị không quy định liên quan thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh trong Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Còn theo bà Nguyễn Quỳnh Liên, đại diện Bộ Tư pháp, về quy phạm pháp luật không đáng ngại, nhưng có đặt ra yêu cầu Quỹ theo đúng định hướng, mục tiêu và quản lý, vận hành từ nguồn thu, nội dung chi, mục tiêu chi, đối tượng thụ hưởng. Tuy nhiêu, nếu nguồn thu của Quỹ tạo ra gánh nặng, nghĩa vụ không phù hợp với tổ chức, cá nhân cho hoạt động điện ảnh thì hoàn toàn không có tính khả thi cao, làm Quỹ không hoàn toàn phù hợp với định hướng.

“Chúng ta đã bàn, đã thấy vướng mắc và chưa tìm ra cách giải quyết, thì có nên đưa vào Luật hay không?” - đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam băn khoăn; đồng thời đề xuất cân nhắc ở Điều 5, dự thảo Luật “Chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh”, có thể bổ sung một điểm ở Khoản 4: Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia thành lập quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh; còn tổ chức, cá nhân ấy theo tiêu chí của họ, theo cách huy động nguồn lực của họ, cả việc họ xét duyệt hỗ trợ”.

 Lấy ví dụ Quỹ Đổi mới sáng tạo của Vingroup cũng nhận đầu tư cho các dự án điện ảnh, kể cả bảo trì, bảo dưỡng tác phẩm của Viện Phim Việt Nam, đạo diễn Đỗ Thanh Hải khẳng định, “khuyến khích xã hội hóa thực hiện quỹ này là cách hiệu quả nhất. Hỗ trợ sản xuất tác phẩm điện ảnh phục vụ nhiệm vụ chính trị hoặc phát triển tài năng trẻ có thể thông qua hình thức Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ. Ngoài ra, dự thảo Luật còn có điều về phát triển nguồn nhân lực điện ảnh cũng là để hỗ trợ phát triển điện ảnh”.

Anh Minh