Thúc đẩy cả hạ tầng “cứng” và “mềm”

Hà Lan 14/02/2022 06:27

Trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ xác định sẽ thúc đẩy cả hạ tầng “cứng” - là các dự án quan trọng cấp thiết, có tác động lan tỏa lớn; và hạ tầng “mềm” - là cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Nếu như sự bứt tốc về đường sá, hạ tầng sẽ giúp tăng GDP trong ngắn hạn thì cải cách thực chất trong hạ tầng “mềm” sẽ mang lại tăng trưởng bền vững trong dài hạn.

Cải cách thể chế: ít tốn kém nhưng tác dụng lớn

Tại Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội, Chính phủ đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm đạt được tăng trưởng GDP bình quân 6,5 - 7%/năm trong cả giai đoạn 2021 - 2025.

Cải cách thể chế là biện pháp ít tốn kém nhưng có tác dụng lớn trong phục hồi kinh tế
Cải cách thể chế là biện pháp ít tốn kém nhưng có tác dụng lớn trong phục hồi kinh tế

Theo đó, Chính phủ sẽ tập trung mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và thúc đẩy cả hạ tầng “cứng” và hạ tầng “mềm”.

Cụ thể, trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, vốn sẽ được tập trung cho các dự án quan trọng, cấp thiết, có tác động lan tỏa lớn, có khả năng giải ngân nhanh và hấp thụ ngay vào nền kinh tế, phù hợp với quy hoạch, sử dụng nguồn vốn hiệu quả, bảo đảm khả năng cân đối vốn để hoàn thành dự án trong giai đoạn 2022 - 2025; ưu tiên hỗ trợ giải phóng mặt bằng đối với một số dự án mới, có ý nghĩa quan trọng. Cùng với đó, sớm hoàn thành toàn tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các tuyến kết nối vùng miền núi phía Bắc, Tây Nguyên với miền Trung, các tuyến cao tốc vùng Đông Nam Bộ, vùng đồng bằng sông Cửu Long; hạ tầng giao thông kết nối các vùng, cảng biển, cửa khẩu, khu và cụm công nghiệp…

Về hạ tầng “mềm”, nhiệm vụ đặt ra là khẩn trương xây dựng, trình ban hành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các Luật, Nghị quyết tại Kỳ họp thứ Hai và Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV. Đồng thời, tiếp tục rà soát, tháo gỡ các rào cản về thể chế, cơ chế, chính sách, quy định pháp luật cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh lộ trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; tăng cường xử lý thủ tục hành chính trên nền tảng trực tuyến; tập trung nâng cao năng lực quản lý nhà nước, quản trị xã hội, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ…

Theo các chuyên gia, nếu như việc Chính phủ tập trung cho hạ tầng “cứng” mang lại rất nhiều kỳ vọng và sẽ tạo ra tăng trưởng GDP trong ngắn hạn thì cải thiện hạ tầng “mềm” sẽ tạo ra tăng trưởng bền vững trong dài hạn. “Cải cách thể chế là biện pháp ít tốn kém hoặc không tốn tiền nhưng lại có tác dụng lớn trong phục hồi và phát triển kinh tế thông qua góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh năng suất hơn, hiệu quả hơn, ít rủi ro, an toàn và bền vững hơn”, TS. Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế chia sẻ.

Chuyển hẳn sang giải quyết thủ tục trên môi trường mạng

Thực tế cho thấy, công cuộc cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh có phần trầm lắng suốt 2 năm chống dịch. Sang giai đoạn này, khi cuộc sống bước vào “bình thường mới”, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, Chính phủ đang quyết tâm “xốc lại” tinh thần cải cách.

Ngay trong Nghị quyết đề ra các giải pháp quyết liệt triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Chính phủ xác định một trong những trọng tâm chỉ đạo điều hành là “đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi”. Tiếp đó, như thông lệ, Chính phủ ban hành Nghị quyết 02, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Vấn đề là cải cách ở giai đoạn này phải thực chất và triệt để hơn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục nhanh hơn! “Cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng chuyển hẳn sang giải quyết thủ tục trên môi trường mạng”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh. Theo đó, tất cả cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương cần chấp thuận các hồ sơ, văn bản scan, các hình thức gửi trực tuyến (online) trong việc giải quyết các thủ tục hành chính. Việc đẩy nhanh triển khai dịch vụ công cấp độ 4 cũng rất quan trọng. Ông Tuấn cho biết, trong các đợt giãn cách xã hội để chống dịch 2 năm qua, một số loại hình thủ tục vẫn chưa chấp nhận nộp hồ sơ trực tuyến hay sử dụng chữ ký điện tử, chữ ký số hoặc vẫn đòi hỏi phải nộp bản gốc bằng văn bản… gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. 

Hà Lan