Nâng cao hiệu quả triển khai Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia

Thảo Mộc 24/01/2022 06:01

Theo Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan, Tổng cục Hải quan Lê Đức Thành, nhằm nâng cao hiệu quả triển khai Cơ chế một cửa ASEAN (ASW), Cơ chế một cửa quốc gia (NSW), năm 2022 và thời gian tới, Tổng cục Hải quan, các bộ, ngành và các đơn vị liên quan sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều nội dung công việc, trong đó có việc xây dựng Đề án tổng thể về hệ thống công nghệ thông tin phục vụ NSW, ASW.

Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin tập trung

Theo Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan, hết năm 2021 đã có tổng số 235 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành được chính thức triển khai trên NSW, với trên 4,7 triệu hồ sơ của hơn 51.500 doanh nghiệp tham gia. Trong đó, 28 là số thủ tục hành chính mới đã được chính thức triển khai trên NSW trong năm 2021. Đến nay, Việt Nam đã kết nối chính thức ASW (từ 1.1.2018) để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước thành viên ASEAN. Hết năm 2021, số chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) Việt Nam nhận từ các nước ASEAN là 461.939 C/O; số C/O Việt Nam gửi sang các nước là 1.212.880 C/O. Riêng năm 2021, số C/O Việt Nam nhận từ các nước ASEAN là 202.645 C/O; số C/O Việt Nam gửi sang các nước là 896.407 C/O.

Nâng cao hiệu quả triển khai ASW, NSW
Nâng cao hiệu quả triển khai ASW, NSW

Việc thực hiện ASW, NSW cơ bản đáp ứng yêu cầu mở rộng kết nối các bộ, ngành và triển khai nhanh các thủ tục hành chính. Đồng thời, từng bước hình thành hạ tầng công nghệ thông tin của các bộ, ngành; nội luật hóa và sửa đổi, bổ sung cơ sở pháp lý phục vụ triển khai ASW, NSW, nhằm đáp ứng yêu cầu triển khai cơ chế... Mặc dù vậy, NSW vẫn chủ yếu mới chỉ đáp ứng việc giải quyết các thủ tục hành chính đơn lẻ của cơ quan quản lý nhà nước; chưa tạo ra được sự kết nối, liên thông, đồng bộ trong thực hiện các thủ tục hành chính gắn liền với chuỗi cung ứng hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh và hoạt động của người và phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, quá cảnh...

Từ thực tế đó, Tổng cục Hải quan cho biết, sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai Đề án tổng thể về xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin phục vụ triển khai NSW, ASW theo định hướng xử lý tập trung, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trong quý I.2022. 

Đại diện Cục Công nghệ thông tin và Thống kê Hải quan cho hay, về nghiệp vụ, Hệ thống sẽ tạo ra nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, hướng đến tích hợp, phù hợp với xu hướng phát triển của các nước trên thế giới. Đồng thời, số hóa toàn bộ dữ liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung được chuẩn hóa liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu; cung cấp nhiều tiện ích đối với người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý… Theo đó, nội dung đề án sẽ làm rõ mô hình hoạt động, cơ chế vận hành, lợi ích mang lại cho doanh nghiệp, xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý; đưa ra yêu cầu kết nối được chuẩn hóa. Đồng thời, khảo sát, đánh giá hệ thống các bộ, ngành đang thực hiện; phân công, trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc triển khai Đề án.

Thực hiện đồng bộ nhiều nội dung

Cùng với việc triển khai Đề án tổng thể về xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin phục vụ triển khai NSW, ASW theo định hướng xử lý tập trung; năm 2022, với vai trò Cơ quan Thường trực Ủy ban chỉ đạo quốc gia về ASW, NSW và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899), Tổng cục Hải quan tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện NSW và mở rộng kết nối cơ chế một cửa với các nước ngoài ASEAN. Theo đó, chậm nhất trong quý I.2022, hoàn thành triển khai chính thức 35 thủ tục hành chính theo Quyết định 1254/QĐ-TTg và Quyết định 1258/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Về trao đổi các chứng từ điện tử theo cam kết trong ASEAN và các đối tác ngoài ASEAN, thời gian tới, Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan sẽ phối hợp với Ban thư ký ASEAN và các nước ASEAN để triển khai kết nối trao đổi tờ khai hải quan ASEAN theo đúng kế hoạch, lộ trình chung của ASEAN; phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai kết nối các chứng từ điện tử khác thông qua ASW; tiếp tục đàm phán và triển khai kết nối với các đối tác ngoài ASEAN.

Về thời gian thực hiện, trong năm 2022, chuẩn bị các yêu cầu liên quan để kết nối thử nghiệm trao đổi chứng nhận kiểm dịch thực vật với các nước ASEAN (phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn). Đối với trao đổi thử nghiệm thông tin tờ khai xuất khẩu qua kênh kết nối an toàn với Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU), dự kiến quý II.2022. Ngoài ra, trong năm nay, Việt Nam dự kiến kết nối trao đổi thử nghiệm thông tin C/O điện tử với Hàn Quốc, chứng thư điện tử với New Zealand.

Đối với xây dựng Nghị định của Chính phủ về việc kết nối và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan Chính phủ với các bên liên quan thông qua NSW trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa; những công việc trọng tâm trong giai đoạn tới mà Tổng cục Hải quan sẽ thực hiện là rà soát danh mục thông tin với từng bộ, ngành; lấy ý kiến dự thảo Nghị định; lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp; nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia, ý kiến thẩm định; trình Chính phủ ban hành Nghị định.

“Thực tế triển khai cho thấy, tính chất, khối lượng công việc xây dựng danh mục thông tin đòi hỏi mất nhiều thời gian, liên quan đến nhiều bộ, ngành, các đơn vị chức năng, nghiệp vụ trong các bộ, ngành, đòi hỏi phải rà soát, đánh giá, đề xuất, trao đổi, thảo luận thống nhất trong nội bộ và giữa các bộ, ngành. Mặt khác, danh mục thông tin liên quan đến doanh nghiệp đòi hỏi phải đánh giá, rà soát, trao đổi, thảo luận thống nhất giữa các bên liên quan. Vì vậy, Tổng cục Hải quan phấn đấu báo cáo Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định sớm nhất có thể” - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan Lê Đức Thành chia sẻ.

Thảo Mộc