Bâng khuâng... theo “hoa bâng khuâng”

TÔ THÀNH TUYÊN 24/12/2021 06:29

Vào “phây” của Nhà báo, Nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh, tôi như kẻ chậm chân, đến muộn. Màn hình nhỏ đã tràn ngập những lời chia sẻ, cảm nhận đầy tâm giao về bài thơ “Hoa bâng khuâng” của Nhà thơ, đăng trên Báo Đại biểu Nhân dân số ra ngày 19.12.2021.

“Tứ thơ giản dị, nỗi nhớ hòa quyện, quấn quýt, đan xen tâm hồn - cảnh vật - thời gian... Còn lại chút hy vọng trong bâng khuâng chảy xiết không dừng...”; “Hay quá! Lãng mạn quá! Thực sự bâng khuâng bác ạ”; “Em đọc bài thơ cứ thấy bâng khuâng hình bóng “em ấy”, bên nhà thơ với chiếc bàn có hoa kết hình Tim...”; “Hoa bâng khuâng - tứ thơ mới lạ quá chú ạ!”... Đọc bài thơ và những lời cảm nhận ấy, đến lượt tôi cũng bâng khuâng thật lạ! Nó khác lắm cái bâng khuâng khi tôi đứng bên cột mốc chủ quyền ở đảo nổi, đảo chìm Trường Sa, bên cột cờ Lũng Cú, ở mũi Sa Vĩ, Cà Mau, bên thành cổ Quảng Trị, trên thảo nguyên đẹp mê hồn ở ngoại ô Thủ đô Minsk (Belarus), hay đi thuyền trên sông Mê-kông bên nước bạn Lào. Cái bâng khuâng lần này như thật đồng cảm, đồng điệu với nhà thơ đích thực là “Bâng khuâng Đà Lạt”: “Tôi lặng lẽ ngắm loài hoa mang tên bâng khuâng/Giữa chiều cao nguyên se lạnh”.

Tôi đã nghe khá nhiều thi sĩ trải lòng - Không có cái lãng mạn, không có cái bâng khuâng, không có cái mênh mang, thì thơ khó mà “cất cánh”. Quả thực, khi đọc 9 tập thơ của Nhà thơ Hồng Vinh, tôi bắt gặp nhiều lắm cái bâng khuâng trong tâm hồn thi sĩ. Bến đò sông quê, nơi mẹ cha sớm tối chèo đò để chở khách qua sông, để gom góp những đồng tiền lẻ mà nuôi con ăn học: “Một thời nước trắng đồng chiêm/Bóng cha như bóng con thuyền chênh chao” - Sao mà không bâng khuâng mỗi lần về quê, bên dấu tích bến đò xưa! Sao mà không bâng khuâng bên cửa Ba Lạt, khi đứng trước biển quê hương nhìn đàn cò mỏ thìa từ phương Bắc xa xôi xào xạo chọn cồn Lu, cồn Ngạn, cồn Mờ làm bến đỗ tránh đông. Bâng khuâng nơi quê nhà, rồi lại bâng khuâng nơi quê hương thứ hai. (Liễu rung mềm con sóng/Sâm cầm nghiêng hồ chao). Ấy là bâng khuâng trong quá khứ, còn nay “bao giờ sâm cầm trở về đất Thăng Long”. Cả nữa, cái bâng khuâng ở nơi xa xôi mà gần gũi, khi trở lại nước Nga, khi gặp lại những người thầy, người dân đôn hậu đã hết lòng giúp đỡ ông trong những năm tháng học hành bên nước bạn, cứ ùa về, ùa về, xao xuyến, lâng lâng...

Có thể những bâng khuâng ấy tích hợp lại thành “bâng khuâng trong hoa Bâng khuâng?!”. Với tôi, đã đôi ba lần vào Đà Lạt, mà đâu có nhìn thấy, nghe nói về “hoa bâng khuâng?” hay vì “cưỡi ngựa xem hoa” ở xứ sở ngàn hoa mà lóa mắt không cảm nhận được sắc màu, mùi hương của loài hoa lạ này? Câu hát Mimoza từ đâu em đến đất này như văng vẳng bên tai, nhưng xin phép nhạc sĩ được đặt lời mới “bâng khuâng từ đâu em đến đất này”.

Cũng có thể lắm chứ, đây là loài hoa ước lệ, hoa trong tưởng tượng, nó không có màu sắc, chỉ thoang thoảng một mùi hương thật khó đặt tên, mà khiến lòng người ngây ngất. Màu sắc đó, hương vị đó, chỉ có nhà thơ mới cảm nhận được, mới nói đúng được.

Nếu loài hoa đó là có thực ở thành phố cao nguyên, thì nó du ngoạn về đây từ đâu? Từ bao giờ? Và ai đặt tên cho hoa, nghe nó thuần Việt, thuần cảm thế! Khen ai khéo đặt tên này!

Thôi, chẳng cần “truy vết” mà làm gì, hoa thật hay hoa mường tượng, đều rất thú vị, đều thanh tao biết mấy. “Sao vừa đến đã vội đi em/Mây sà xuống khiến sắc hoa nhòa nhạt/Trời cao nguyên bâng khuâng thắc thỏm/Em trở lại đây lần nữa hay không!”. Đọc khổ thơ này, tôi có phần nghiêng về hoa mường tượng, được ươm trồng nơi tâm tưởng, trong ký ức hoài niệm, vì thế mới vừa đến “đã vội đi”. Để rồi, làm người ta thắc thỏm. Người ấy, hương ấy, “có trở lại đây lần nữa hay không”. “Người ấy, hương ấy cứ thoắt hiện thoắt ẩn như chơi trò đuổi bắt. Không sao, người ta làm cao chút thôi. Vì “tên hoa đã mang hình tim”, vì chiều chiều “em vẫn không quên tưới hoa Bâng khuâng”.

Hoa “Bâng khuâng”, “nở” trên trang Báo Đại biểu Nhân dân đúng vào dịp Giáng sinh như một món quà ấm áp, giàu hương sắc, hòa cùng những bản Thánh ca ở các nhà thờ xứ Đạo, khiến lòng người tĩnh tâm, nhìn lại một năm biết bao thử thách gian nguy chống đại dịch Covid-19. Nhưng “Cô vi” có tàn ác đến mấy, có khiếu “mỹ nhân kế” đến đâu thì giãn cách sẽ lùi xa” để Giáng sinh an lành. Thì ra hoa Bâng khuâng mang cả “bâng khuâng thời sự” mà tác giả muốn gửi gắm sự trân trọng, mong đợi ở các chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch.

Bâng khuâng trong quá khứ, bâng khuâng trong hiện tại đã tạo màu, hương vị trong hoa “Bâng khuâng”. Cái tên hoa thiên về tính từ ấy, chắc sẽ đượm sắc, giàu hương làm xao xuyến, mãi bâng khuâng lòng người.

TÔ THÀNH TUYÊN