Quốc hội Việt Nam năm 1946 - Quốc hội kháng chiến

19/12/2021 06:38

TS. Bùi Ngọc Thanh - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa I kết thúc ngày 9.11.1946 thì hai ngày sau, Ban Thường trực Quốc hội (nay là Ủy ban Thường vụ Quốc hội) đã họp bầu Ban Thường vụ của Ban Thường trực để cùng Chính phủ điều hành kháng chiến. Ban Thường vụ gồm 5 thành viên, do cụ Bùi Bằng Đoàn làm Trưởng ban, cụ Tôn Đức Thắng và cụ Tôn Quang Phiệt làm Phó Trưởng ban.

Thống nhất quyết định phát động kháng chiến toàn quốc

Gần một năm tạm hòa hoãn với Pháp, chính quyền cách mạng đã được củng cố và lực lượng đã phát triển mạnh hơn. Đất nước cần hòa bình để xây dựng, song thực dân Pháp đã phản bội Hiệp định sơ bộ 6.3 và Tạm ước 14.9, chúng đã đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn và gây hấn ở nhiều nơi, đặc biệt là ở Hà Nội. Tuy thế, chúng ta vẫn kiên trì hòa bình, ngày 30.11.1946, Ban Thường trực Quốc hội đã quyết định thông báo cho Quốc hội Pháp biết về cuộc xung đột xảy ra ở nhiều nơi và yêu cầu Quốc hội Pháp cử một phái đoàn sang Việt Nam điều tra tại chỗ. Ngày 6.12.1946, qua đài phát thanh tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã “thiết tha kêu gọi Quốc hội và Chính phủ Pháp nghĩ đến lợi quyền chung tối cao của hai dân tộc Pháp - Việt hạ lệnh cho đương cục Pháp khôi phục tình trạng trước ngày 20.11.1946 để cùng Chính phủ Việt Nam thi hành Tạm ước, để xây đắp việc cộng tác Pháp - Việt thân thiện và lâu dài”(1).

Ngày 7.12.1946, khi tiếp nhà báo Pháp Bernard Dranber của báo Paris - Sài Gòn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố: “Đồng bào tôi và tôi thành thực muốn hòa bình. Chúng tôi không muốn chiến tranh... Cuộc chiến tranh này chúng tôi muốn tránh bằng đủ mọi cách. Nước Việt Nam cần kiến thiết, nước Việt Nam không muốn là nơi chôn vùi hàng bao nhiêu sinh mạng. Nhưng cuộc chiến tranh ấy, nếu người ta buộc chúng tôi phải làm thì chúng tôi sẽ làm. Chúng tôi không lạ gì những điều đang đợi chúng tôi. Nước Pháp có những phương tiện ghê gớm, và cuộc chiến đấu sẽ khốc hại, nhưng dân tộc Việt Nam đã sẵn sàng chịu đựng tất cả, chứ không chịu mất tự do. Dù sao, tôi mong rằng chúng ta không đi tới cách giải quyết ấy. Cả nước Pháp lẫn nước Việt Nam đều không thể phí sức gây một cuộc chiến tranh khốc hại, và nếu phải kiến thiết trên đống hoang tàn thì thật là một điều tai hại”(2). Chính Morliere cũng phải ghi nhận: “Nguyện vọng của Việt Nam là không mở rộng cuộc xung đột Hà Nội và không tấn công nhưng cũng quyết tâm tự vệ chống lại mọi khiêu khích mới”(3). Đáp lại thiện chí hòa bình của Việt Nam, thực dân Pháp (hiếu chiến là lực lượng phản động ở Đông Dương đứng đầu là D’Argenlieu đã tiếp tục lấn tới trắng trợn hơn, đẩy cuộc chiến tranh đi tới bùng nổ, quyết chinh phục Việt Nam bằng vũ lực một lần nữa.

Tình thế khẩn trương đang đòi hỏi phải có một quyết định chiến lược, một quốc sách có ý nghĩa quyết định đến vận mệnh của Tổ quốc, tự do của nhân dân và chiều hướng phát triển của cách mạng Việt Nam.

Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa I – Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam
Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa I – Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam

Sáng 17.12.1946, Hội đồng Chính phủ đã họp với sự tham dự của Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp đã báo cáo về tình hình quân sự diễn ra ở Hải Phòng, Lạng Sơn, Đà Nẵng và nhiều nơi khác. Theo Điều 38 của Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Hai (tháng 11.1946) đã quy định rõ: “Khi Nghị viện không họp được, Ban Thường vụ cùng với Chính phủ có quyền quyết định tuyên chiến hay đình chiến” và Điều 49 - Quyền hạn của Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - điểm k quy định, “Tuyên chiến hay đình chiến theo như Điều 38 đã định”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã báo cáo với Chính phủ và Thường trực Quốc hội để thống nhất quyết định phát động cuộc kháng chiến trong cả nước.

Ngày 18 và 19.12.1946 tại Vạn Phúc, Hà Đông, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa, đã quyết định phát động cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên phạm vi cả nước và chủ trương kháng chiến của Đảng.

Đêm 19.12.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi toàn quốc kháng chiến:

“Hỡi đồng bào toàn quốc!

Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa!

Không! chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu làm nô lệ.

Hỡi đồng bào!

Chúng ta phải đứng lên!

Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng, ai có gươm thì dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.

Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân!

Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước.

Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta”(4).

Cả nước đã đứng lên. Toàn dân chiến đấu với một niềm tin “kháng chiến nhất định thắng lợi”.

Ban Thường trực Quốc hội luôn ở bên Chính phủ

Bản Chỉ thị “Toàn dân kháng chiến” ngày 22.12.1946 của Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã nêu rõ cơ quan lãnh đạo là Đảng và Chính phủ. Về chính quyền, bên trên có Chính phủ kháng chiến, Ban Thường vụ Quốc hội, ở dưới có Ủy ban kháng chiến các khu, các tỉnh, huyện, xã gồm đại biểu quân, dân, chính hợp thành.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Việt Nam là một cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, quyết liệt trên các mặt trận quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa... Để sự lãnh đạo và điều hành chiến tranh được tập trung thống nhất, Quốc hội đã giao quyền bính tập trung vào Chính phủ. Ban Thường trực Quốc hội luôn luôn ở bên Chính phủ để bàn bạc, tham gia ý kiến về các chủ trương, chính sách lớn và giám sát, phê bình Chính phủ về mọi công việc kháng chiến. Song do chiến tranh diễn ra quyết liệt nên việc triệu tập toàn Ban Thường trực Quốc hội gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế cuối tháng 12.1946, Ban Thường trực Quốc hội đã họp tại Hà Đông và quyết định: Trong thời kỳ kháng chiến vì tình thế khó khăn nên chỉ có Trưởng ban Thường trực Quốc hội ở cùng với Chính phủ để giúp và theo dõi đường lối chính trị, cùng với Chính phủ chỉ đạo cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện. Các đại biểu Quốc hội sẽ tùy năng lực và địa vị mà tham gia vào mọi công tác kháng chiến. Ban Thường trực thay mặt toàn thể Quốc hội hiệu triệu và nhận các ý nguyện của nhân dân, sửa soạn triệu tập Quốc hội(5).

Thực thi điểm nêu trên, các Ủy viên Ban Thường trực Quốc hội được phân công đi các địa phương Liên khu III, Liên khu Việt Bắc và vào Nam Trung bộ động viên nhân dân kháng chiến... Về các đại biểu, đến tháng 12.1953 đã có 58 đại biểu tham gia công tác chính quyền; 24 đại biểu tham gia các lực lượng vũ trang nhân dân; 75 đại biểu công tác ở các ngành chuyên môn; 69 đại biểu làm việc tại các đoàn thể nhân dân; 5 đại biểu công tác ở nước ngoài. Hơn chục đại biểu đã hy sinh anh dũng trong khi làm nhiệm vụ.

Cũng theo quyết định trên, Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn (từ năm 1948 là cụ Tôn Đức Thắng - quyền Trưởng ban) đã luôn luôn bên cạnh Chính phủ, tham dự mọi cuộc họp của Hội đồng Chính phủ để tham gia ý kiến với Chính phủ trong mọi công tác kháng chiến. Đây là một nét đặc biệt trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội Việt Nam - Quốc hội kháng chiến.

_____________

(1) Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 4, Nxb ST, Hà Nội 1987, trang 200;

(2) Như (1), trang 201;

(3) Philippe Devilere: Tài liệu lưu trữ của cuộc chiến tranh 1944-1947, Nxb TP Hồ Chí Minh 1993, trang 493;

(4) Như (1), trang 202-203;

(5) Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1946-1960, Nxb CTQG, Hà Nội 1994, trang 117;

(6) Như (5), trang 124-127.