Cổ miếu trầm mặc giữa Sài thành

Ngọc Phương 21/11/2021 18:58

Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ có những tòa nhà chọc trời, những điểm đến vui chơi sầm uất. Tại quận 5, du khách có thể bước vào một không gian trầm tĩnh, uy nghiêm, tách biệt với cuộc sống ồn ào, nhộn nhịp - đó là miếu Thiên Hậu, một trong những nơi thờ tự cổ nhất của người Hoa ở đây.

	Miếu Thiên Hậu - Ảnh: vntrip.vn
Miếu Thiên Hậu
Ảnh: vntrip.vn

Tên chữ Hán của di tích này là “Thiên Hậu miếu”, tức miếu thờ bà Thiên Hậu. Tuy nhiên, trong suy nghĩ của người miền Nam xưa cứ nơi nào linh thiêng đều được gọi là chùa. Bởi vậy khi đến thăm và vãn cảnh ở di tích này, du khách có thể được giới thiệu về “chùa Bà Thiên Hậu”.
Miếu thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu tương truyền tên thật là Lâm Mặc Nương, sinh tại đảo Mi Châu, Phúc Kiến, Trung Quốc. Người Hoa thờ cúng để bày tỏ lòng biết ơn, bởi niềm tin rằng Bà đã hiển linh, phù trợ cho họ vượt qua nhiều nguy nan, sóng gió khi đi từ Quảng Đông, Trung Quốc đến vùng đất mới một cách bình yên và an toàn, giúp họ an cư lạc nghiệp.

Tín ngưỡng thờ Bà Thiên Hậu du nhập vào Việt Nam và nhiều ngôi miếu được dựng lên, trong đó nổi tiếng nhất nhất là miếu Thiên Hậu tại khu trung tâm Chợ Lớn, Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. Công trình được xây dựng vào khoảng năm 1760, do nhóm người Hoa đóng góp tiền bạc và công sức. Tồn tại hơn 2 thế kỷ, đến nay, miếu đã trải qua trùng tu nhiều lần nhưng vẫn giữ được phong cách vốn có. 

	Quần thể tiếu tượng gốm trên nóc di tích - Ảnh: tapchivanhoaphatgiao.com
Quần thể tiếu tượng gốm trên nóc di tích
Ảnh: tapchivanhoaphatgiao.com

Di tích có kiến trúc mang phong cách Á Đông đặc trưng, được xây dựng theo lối tam quan cách điệu ở phần cửa chính đi vào và hai bên có thêm hai hành lang. Những dãy nhà ở giữa tạo thành tiền điện, trung điện và hậu điện (chính điện). Tiền điện có đặt bàn thờ Phúc Đức Chánh Thần bên phải và Môn Quan Vương Tả bên trái. Tại đây còn có các bia đá ghi lại truyền thuyết về Thiên Hậu Thánh Mẫu và các bức tranh lớn vẽ cảnh Bà đang hiển linh trên sóng nước. Trung điện có bộ lư “Phát lan” có năm món (ngũ sự) được điêu khắc tỉ mỉ, tinh xảo, đúc năm 1886 thời vua Quang Tự, hai bên là chiếc thuyền rồng cổ chạm hình nhân và chiếc kiệu cổ sơn son thếp vàng xa hoa dùng để rước vào ngày vía Bà. 
Chính điện còn được gọi là Thiên Hậu Cung, thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu. Pho tượng Bà Thiên Hậu được tạc từ một khối gỗ cổ nguyên khối, cao 1m, vốn được thờ ở Biên Hòa nhưng năm 1836 được di chuyển về đây. Hai gian phụ đặt các tượng thờ Quan Thánh, Địa Tạng và Thần Tài. Các pho tượng đều được khoác áo thêu rất lộng lẫy.

	Tồn tại hơn 2 thế kỷ, qua nhiều đợt trùng tu, nhưng di tích vẫn giữ được nét đẹp cổ kính - Ảnh: vntrip.vn
Tồn tại hơn 2 thế kỷ, qua nhiều đợt trùng tu, nhưng di tích vẫn giữ được nét đẹp cổ kính
Ảnh: vntrip.vn

Nét đặc sắc của miếu Thiên Hậu là các phù điêu bằng gốm đẹp sắc sảo và hiếm có, trang trí dày đặc từ trên nóc công trình, mái, hiên, cho đến các bàn thờ, vách tường... do các lò gốm ở Chợ Lớn thực hiện cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Riêng nóc được trang trí hoa văn hình hoa lá, hình nhân bằng gốm sứ do hai lò Bửu Nguyên và Đồng Hòa sản xuất vào năm Mậu Dần (1908), có cảnh “đã võ đài”, “bái tổ vinh quy”, mô típ “lưỡng long tranh châu”, hình ảnh tiên đồng, tiên nữ với hàng chữ “hòa hợp nhị tiên”... 
Đặc biệt, đến đây, du khách không khỏi trầm trồ bởi những cổ vật quý. Nơi đây đang lưu giữ khoảng 400 đồ cổ, các bức tranh đắp nổi hình tứ linh - Long, Ly, Quy, Phụng. Ngoài ra, di tích còn lưu giữ rất nhiều đỉnh trầm, lư trầm và lư hương, các bức hoành phi, bia đá, 6 tượng đá… Tất cả đều được chế tác tỉ mỉ, đường nét tinh tế.
Miếu Thiên Hậu có tầm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống văn hóa của cộng đồng người Hoa đang sinh sống ở Sài thành. Hằng năm cứ đến ngày 23.3 âm lịch, vía Bà Thiên Mẫu được tổ chức long trọng. Đến thăm di tích vào những ngày này, du khách có thể được thưởng thức các màn trình diễn hát Quảng, múa lân, múa rồng. Ngày vía Bà cũng là ngày hội đèn lồng - người Hoa thỉnh hàng chục, hàng trăm chiếc lồng đèn dâng cúng Bà.
Không chỉ là nơi thờ tự cổ kính của người Hoa, miếu Thiên Hậu đã trở thành địa điểm tâm linh có ảnh hưởng lớn tới đời sống, văn hóa của đông đảo người dân trên địa bàn thành phố. Nơi đây thể hiện mối quan hệ bền vững, chặt chẽ của hai cộng đồng Hoa - Việt đã có trong lịch sử và tiếp nối cho đến ngày nay.

Chứa nhiều câu chuyện tâm linh đặc biệt, có giá trị kiến trúc, văn hóa đặc sắc, ngày 7.1.1993, miếu Thiên Hậu đã ghi danh là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.
Đây cũng là điểm tham quan được nhiều du khách đưa vào lịch trình khi tới thành phố Hồ Chí Minh. Di tích nằm tại số 710 đường Nguyễn Trãi, quận 5, mở cửa từ 6 giờ 30 - 16 giờ 30 hàng ngày. Cách đó khoảng 7km là phố đi bộ Nguyễn Huệ với nhiều hoạt động, thuận tiện cho du khách tới thăm trong tour khám phá thành phố. 

Ngọc Phương