Tự do tôn giáo - quyền con người trong pháp luật Việt Nam

05/11/2021 10:41

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được Quốc hội Khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ hai, ngày 18.11.2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2018. Căn cứ để xây dựng và ban hành Luật là chính sách của Nhà nước Việt Nam về tôn giáo và quyền con người, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định tại Hiến pháp 2013. Những quy định của Luật bước đầu đã đáp ứng mục tiêu bảo đảm quyền tự do tôn giáo cho mọi người như các quyền con người khác được pháp luật bảo hộ.

Bài 1: Luôn đi liền quyền và nghĩa vụ công dân

Nguyễn Khắc Huy

Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra,

Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Nội vụ

Nhìn lại quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tôn giáo nói chung và Luật Tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng, thấy rõ việc thể chế quyền tự do tôn giáo trong bối cảnh đất nước từ trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược giành độc lập dân tộc đến công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước, phát triển kinh tế - xã hội luôn gắn với việc ghi nhận và phát huy lòng yêu nước, tinh thần dân tộc của tín đồ các tôn giáo với tư cách công dân, quy định về quyền tự do tôn giáo luôn đi liền với quyền và nghĩa vụ công dân.

	Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận biểu quyết thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2018
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận biểu quyết thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2018

Ngay từ Hiến pháp đầu tiên năm 1946, quyền tự do tôn giáo đã được khẳng định trong quy định về quyền lợi của công dân (Điều 10: Công dân Việt Nam có quyền tự do tín ngưỡng). Sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ban hành Sắc lệnh số 234/SL ngày 14.6.1955 về bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng của mọi người. Sắc lệnh quy định quyền tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng của nhân dân; quyền theo hoặc không theo tôn giáo của mọi người Việt Nam; quyền và nghĩa vụ của chức sắc, tín đồ các tôn giáo trong hoạt động tôn giáo; khẳng định quyền tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng là một quyền lợi của nhân dân được Nhà nước tôn trọng và giúp đỡ thực hiện.

Hiến pháp 1959 bổ sung cụ thể hơn về quyền tự do tôn giáo trong quy định về quyền lợi và nghĩa vụ cơ bản của công dân so với Hiến pháp 1946 (Điều 26: Công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có các quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào).

Ngày 11.11.1977, Hội đồng Chính phủ căn cứ vào Sắc lệnh 234/SL ngày 14.6.1955 đã ban hành Nghị quyết 297-CP về một số chính sách đối với tôn giáo. Nghị quyết khẳng định: “Trong những năm qua, chính quyền các cấp và nhân dân các địa phương đã chấp hành nghiêm chỉnh chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước. Đồng bào các tôn giáo đoàn kết chặt chẽ cùng toàn dân tích cực tham gia công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội”. 

Nghị quyết 297-CP tiếp tục đưa ra những nguyên tắc cơ bản về tự do tôn giáo như: Chính phủ bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng của nhân dân; tín đồ các tôn giáo cũng như người không có tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật; chức sắc, tín đồ có quyền công dân và có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ công dân.

Hiến pháp 1980 tiếp tục bổ sung nội dung quy định về tự do tôn giáo, vẫn được quy định trong chương về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân (Điều 68: Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Không ai được lợi dụng tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước).

Bắt đầu thời kỳ Đổi mới, Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ VI (12.1986) đã nêu: “Đảng và Nhà nước ta, trước sau như một, thực hành chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng. Lãnh đạo và giúp đỡ đồng bào theo tôn giáo đoàn kết xây dựng cuộc sống mới và hăng hái tham gia bảo vệ Tổ quốc. Cảnh giác, kiên quyết và kịp thời chống lại âm mưu, thủ đoạn của bọn đế quốc và phản động chia rẽ đồng bào có đạo với đồng bào không có đạo, giữa đồng bào theo đạo này với đồng bào theo đạo khác”.

Ngày 16.10.1990, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 24/NQ-TƯ về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới, là dấu mốc trong quá trình đổi mới về chính sách đối với tôn giáo ở Việt Nam. Nghị quyết ghi nhận: “Đồng bào có đạo đa số là nhân dân lao động có lòng yêu nước, đã góp phần cùng toàn dân phấn đấu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Nghị quyết đã đưa ra những nhận thức mới về tôn giáo trên ba quan điểm chính là: (1) Tôn giáo còn tồn tại lâu dài và là nhu cầu tinh thần của một bộ phận quần chúng nhân dân; (2) Tôn trọng và bảo đảm nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, đồng thời nhìn nhận và phát huy những giá trị tích cực về đạo đức, văn hóa của tôn giáo; (3) Cảnh giác đấu tranh chống mọi hành vi lợi dụng tôn giáo để phục vụ mục đích xấu.

Trên cơ sở quy định về tự do tôn giáo tại Hiến pháp 1980 và những quan điểm đổi mới về tôn giáo của Nghị quyết 24/NQ-TƯ, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 69/HĐBT ngày 21.3.1991 quy định về các hoạt động tôn giáo. Nghị định quy định những nguyên tắc chung về quyền tự do tôn giáo cho công dân, quyền và nghĩa vụ cho người có tôn giáo như Nghị quyết 297/CP và có điểm mới là Nhà nước bảo đảm cho các hoạt động tôn giáo chính đáng, hợp pháp; khuyến khích các hoạt động tôn giáo vì lợi ích Tổ quốc và nhân dân.

Hiến pháp 1992 bổ sung nội dung bảo hộ của Nhà nước đối với quyền tự do tôn giáo, vẫn quy định trong chương về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân (Điều 70: Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước).

Ngày 23.7.1993, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 379/CT-TTg về các hoạt động tôn giáo. Chỉ thị nhắc nhở chấn chỉnh những sai sót, lệch lạc trong việc thực hiện Nghị định số 69/HĐBT ngày 21.3.1991 và chỉ thị các cấp chính quyền quan tâm thực hiện tốt chính sách tôn giáo của Nhà nước với một số nội dung nhiệm vụ cụ thể, trong đó có việc nghiên cứu bổ sung pháp luật và các văn bản pháp quy về quản lý nhà nước đối với các tôn giáo nhằm bảo đảm sinh hoạt bình thường của các tôn giáo, chấm dứt những việc làm vi phạm chính sách tôn giáo.

Thể chế Điều 70 Hiến pháp 1992, ngày 19.4.1999 Chính phủ ban hành Nghị định số 26/1999/NĐ-CP về các hoạt động tôn giáo với các nguyên tắc chung cơ bản kế thừa quy định tại Nghị định số 69/HĐBT năm 1991, đồng thời Nghị định có bổ sung nhiều quy định nhằm bảo đảm quyền tự do tôn giáo và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuận lợi trong hoạt động tôn giáo.