Sinh viên trường nghề sẽ tốt nghiệp đúng hẹn!

Bình Nhi 22/10/2021 07:15

Đó là quyết tâm mà nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đặt ra trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài và diễn biến phức tạp. Đây không chỉ đơn thuần là bảo đảm quyền lợi cho người học khi tốt nghiệp đúng theo lịch trình đào tạo mà còn giúp cung ứng kịp thời nguồn lao động cho thị trường khi dịch bệnh đang dần được kiểm soát và các ngành nghề đang khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Khó bảo đảm nguồn cung lao động

Đại dịch Covid-19 không chỉ làm đứt gãy chuỗi sản xuất mà còn có nguy cơ làm đứt gãy nguồn cung lao động do giãn cách kéo dài, làm chậm lịch tốt nghiệp của nhiều cơ sở giáo dục, nhất là GDNN.

Các trường nghề tranh thủ tổ chức tốt nghiệp cho sinh viên ngay khi có thể. Ảnh Lệ Thu
Các trường nghề tranh thủ tổ chức tốt nghiệp cho sinh viên ngay khi có thể.
Ảnh: Lệ Thu

“Đây là tình trạng nhiều cơ sở đào tạo gặp phải hiện nay, và nếu không có phương án giải quyết, chắc chắn các mục tiêu phục hồi nền kinh tế khó có thể thực hiện” - Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Tào Bằng Huy nói.

Đơn cử, trường Cao đẳng Lilama 2 (Đồng Nai) đã lên kế hoạch cho các sinh viên đã tiêm 1 hoặc 2 mũi được học theo hình thức 3 tại chỗ. Học viên sẽ thực hành tập trung, ăn ở trong khuôn viên và hạn chế tiếp xúc với bên ngoài... Nhưng dịch bệnh bùng phát kéo dài khiến nhà trường gặp nhiều trở ngại khi cho sinh viên trở lại trường để hoàn tất các học phần.

Thạc sĩ Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lilama 2 chia sẻ, thông thường vào thời điểm cuối tháng 10 hàng năm, các em học sinh năm cuối đã hoàn tất việc tốt nghiệp và sẵn sàng đi làm tại các công ty, nhà máy. Hầu hết các sinh viên đều đã ký hợp đồng đào tạo với các doanh nghiệp từ năm thứ hai, nhận lương, phụ cấp của doanh nghiệp và được thực hành tại doanh nghiệp trong suốt thời gian học. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, nguồn cung lao động cho các doanh nghiệp trên địa bàn chắc chắn bị chậm. 

Tại Trường cao đẳng Viễn Đông (TP. Hồ Chí Minh), các sinh viên đang học ngành điều dưỡng theo chương trình phối hợp đào tạo với Tập đoàn Knappschaft (Đức) cũng đang chậm tiến độ tổ chức tốt nghiệp cho sinh viên năm cuối do dịch bệnh kéo dài.

Theo Thạc sĩ Phan Thị Lệ Thu, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông, tháng 5.2021, trường đã gửi một số sinh viên chuyển tiếp sang Đức để hoàn tất chương trình 2+2 (2 năm học ở Đức). Theo lịch ban đầu, các em sẽ thực hành tại các bệnh viện ở Việt Nam từ tháng 5.2021 để hoàn tất những học phần trong nước trước khi chuyển tiếp, tuy nhiên do dịch Covid-19 đến tháng 10.2021 nhóm sinh viên này mới chuẩn bị thực tập. Do đó, thời gian sang Đức ít nhất sẽ lùi tới đầu năm 2022.

Tình cảnh này cũng đang diễn ra đối với nhiều trường nghề trên cả nước. Khi dịch bệnh kéo dài, buộc nhiều chương trình kết nối đào tạo với doanh nghiệp trong và ngoài nước buộc phải tạm hoãn vì không thể xin được visa cho sinh viên sang thực tập tại các công ty nước bạn cũng như khó có thể tổ chức thực hành tại các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Chủ động xoay xở

Hiện nay, nhiều trường nghề đã tận dụng cơ hội dịch bệnh đang tạm lắng để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp cho sinh viên theo hình thức trực tiếp. Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Công nghiệp Hà Nội Phạm Thị Hường cho hay, năm học này, nhà trường có 800 học sinh, sinh viên thi tốt nghiệp; trong đó 610 sinh viên hệ cao đẳng dự thi; số sinh viên còn lại không thể lên thi được vì lý do đang nằm trong vùng cách ly.

Để bảo đảm cho sinh viên năm cuối ra trường đúng thời hạn, đáp ứng cho thị trường đang cần nguồn cung lao động sau dịch bệnh, nhà trường đã triển khai hình thức thi tốt nghiệp trực tiếp cho học sinh ra trường vào tuần trước. Lịch thi tốt nghiệp được chia thành 2 đợt thay vì chỉ thi 1 đợt như mọi năm. Các môn thi được chia nhỏ thành từng ngày, từng khoa để số lượng sinh viên tập trung trong trường không quá đông. Đối với các môn lý luận, nhà trường tổ chức thi theo hình thức trực tuyến; các môn thực hành nghề thì thi trực tiếp nhưng cũng rút ngắn từ ba ngày xuống còn một ngày.

“Đối với các em không tốt nghiệp được đợt này, chúng tôi sẽ tổ chức thi ngay khi có thể để đầu tháng 12 các em có bằng tốt nghiệp ra trường. Tất cả sinh viên đã thi đợt một dự kiến từ 15 - 25 tháng tới nhà trường sẽ trao bằng tốt nghiệp và tổ chức ngày hội việc làm để các doanh nghiệp đến tuyển dụng lao động” - Hiệu trưởng Phạm Thị Hường khẳng định.

Cũng giống như Trường Cao đẳng Nghề Công nghiệp Hà Nội, trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Số 1 Nghệ An luôn trong tình trạng sẵn sàng cho các sinh viên năm cuối tốt nghiệp. Mặc dù nhà trường chuẩn bị thi 3 lần nhưng đều phải hoãn do dịch bệnh.

“Vừa mới đây, chúng tôi đã hoàn thành tổ chức thi trực tiếp trong điều kiện bảo đảm phòng dịch. Các thí sinh được chia làm nhiều nhóm nhỏ tuân thủ giãn cách, bảo đảm các biện pháp an toàn phòng, chống dịch" - Trưởng phòng Đào tạo Ngô Sỹ Thanh Tùng cho hay.

Tuy nhiên, để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp của các em, Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Số 1 Nghệ An đã phải có kế hoạch chuẩn bị từ lâu. Nhà trường áp dụng nền tảng Google Meet để dạy học và quản lý đào tạo. Kế hoạch dạy và học đầu năm được điều chỉnh linh hoạt tùy diễn biến dịch bệnh. Trong quá trình dạy trực tuyến, nhà trường áp dụng công nghệ sáng tạo để dạy trực quan hơn. Khi có Chỉ thị 16+, các thầy cô vẫn phải đến trường để dạy trực tiếp tại xưởng, mô phỏng cho học sinh quan sát sản phẩm mô hình. Học sinh đi học trở lại, giáo viên tổ chức hệ thống kiến thức lại cho các em, sau đó tổ chức thi trực tiếp.

“Phương pháp này được các em sinh viên hưởng ứng vì bảo đảm được chất lượng cũng như thời gian học tập” - ông Tùng cho hay.

Bình Nhi