Cầu mong mùa màng bội thu
Theo phong tục của người La Chí ở Hà Giang, tục cúng cơm mới là nghi lễ rất quan trọng, nhằm báo cáo tổ tiên, thể hiện sự hiếu lễ trên dưới, đồng thời cầu mong cho vụ lúa năm sau mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu và bình an đến với dân bản.

Người La Chí cúng mừng lúa mới theo làng hoặc theo xã, bởi vùng nào lúa chín trước thì tổ chức trước, nơi nào chín sau thì mừng lúa mới sau. Cuối tháng 8, đầu tháng 9 âm lịch, khi những bông lúa ngoài đồng bắt đầu chín vàng, để được ăn những hạt lúa mới, người cao tuổi và có uy tín nhất trong làng sẽ chọn một ngày tốt, rồi thông báo với bà con chuẩn bị sắm sửa lễ vật cúng mừng cơm mới.
Trước ngày tổ chức, người vợ của chủ nhà được coi như "Mẹ lúa" sẽ phải dậy rất sớm chuẩn bị gùi và dao nhíp đi ngắt những bông lúa đầu tiên đồ cơm mới cúng tạ ơn tổ tiên. Việc đi ngắt những bông lúa đầu tiên có ý nghĩa thiêng liêng, bởi đây là nghi lễ rước hồn lúa về, với mong muốn cầu cho mùa vụ mới của gia đình sẽ may mắn, thuận lợi.

Nghệ nhân Long Chính Phong, thôn Na Léng, xã Bản Phùng, huyện Hoàng Su Phì, cho biết, theo quan niệm của người La Chí, khi đi ngắt lúa, người vợ chủ nhà kiêng không cho người khác biết, kiêng gặp người lạ, trên đường nếu gặp người khác cũng không chào, không hỏi. Bởi đồng bào quan niệm nếu hỏi chuyện, hồn lúa hoảng sợ sẽ đi mất, năm sau mùa màng của gia đình không được may mắn. Khi cắt bông lúa đầu tiên, “Mẹ lúa” nói nhỏ “Hồn gạo, hồn thóc đừng có chạy”, sau đó cắt ba bông gói vào một lá chuối tượng trưng cho việc hồn gốc lúa được cất vào trong gùi rồi mới tiếp tục cắt các bông lúa khác.
Các cum lúa (khóm) cắt về được cất trong kho thóc để tránh trẻ nhỏ trông thấy, sờ vào vì họ sợ sau này khi nấu cơm hay bị sống, sẽ không may mắn cho gia đình. Đến đêm, khi các thành viên trong gia đình đã ngủ say, “Mẹ lúa” lấy các cum lúa mới ra sấy trên bếp rồi cho vào cối giã, sàng, sảy thành gạo để sáng sớm hôm sau dậy đồ xôi và làm cốm. Đồng thời, "Mẹ lúa" chuẩn bị các lễ vật gồm: Rượu hoẵng, thịt chim, cá chép ruộng - là những sản vật được săn bắt từ rừng và do gia đình tự chăn nuôi trồng chọt, trong đó nhất định phải có thịt chuột nấu chín, bởi người La Chí cho rằng chuột là con vật thông minh, biết tự tìm thức ăn, ở đâu có thức ăn thì ở đó có chuột, nếu không cúng tế tổ tiên thì mùa màng sẽ bị loài vật này phá hoại.
Theo nghệ nhân Vương Đức Sinh, xã Bản Phùng, huyện Hoàng Su Phì, di vết về "Mẹ lúa" còn được thể hiện ở việc người La Chí khi dựng nhà mới bao giờ cũng lấy một nắm thóc - thường là thóc giống chôn giữa nền nhà để "Mẹ lúa" luôn ở lại với gia chủ và tổ chức nghi lễ cúng tế, sau đó mới được dựng nhà. Hoặc mỗi khi đến mùa thu hoạch, chỉ người phụ nữ được địu lúa về nhà như tình cảm của người mẹ với con vậy.

Vào ngày này, các gia đình đều mời thầy cúng trong làng đến giúp. Khi các món ăn đã chế biến xong, chủ nhà bày lên chiếc mâm đặt trước bàn thờ tổ tiên và tiến hành nghi lễ. Ý nghĩa của bài cúng là nhờ có tổ tiên dạy bảo biết làm ra hạt gạo nuôi sống con người, hôm nay gia đình làm cơm mới mời tổ tiên, thần lúa, thần gạo... chứng kiến lòng thành, phù hộ cho gia đình mạnh khỏe, sản xuất được nhiều lúa gạo.
Nghệ nhân Vương Văn Nú, thầy then lớn nhất của người La Chí ở thôn Lùng Vi, xã Nà Khương, huyện Quang Bình, kể: “Vào ngày cúng lúa mới, tôi phải dậy từ lúc gà gáy lần 2 để cúng cho gia đình, sau đó lần lượt đi cúng từng nhà như là báo cáo tổ tiên. Sau khi cúng cho các gia đình xong, cả làng tập trung tại nhà tôi để cúng làng”.
Chỉ sau khi cúng cơm mới thì các gia đình mới được đem thóc mới thu hoạch vào nhà và ăn cơm nấu từ gạo mới. Trước khi cúng cơm mới, các gia đình không được đốt rơm rạ vì khi đó hồn lúa vẫn còn ở trên cây rơm cây rạ, nếu đốt năm sau sẽ bị mất mùa.
Bên cạnh thực hiện các nghi lễ truyền thống, trong ngày cúng cơm mới, người già, thanh niên nam, nữ trong bản tập trung trên bãi đất trống hoặc đồi bằng để chơi ném còn, quay đu, hát giao duyên… Một số phụ nữ La Chí ngồi nhà hoặc dưới bóng cây thêu thùa, may vá trang phục…
Tục cúng cơm mới có ý nghĩa quan trọng trong đời sống sản xuất của đồng bào La Chí. Mặc dù, đời sống có nhiều đổi thay nhưng đến nay người La Chí ở Hà Giang vẫn giữ được truyền thống này.