Thông tư 03: vừa ban hành đã phải sửa!

Hà Lan 23/08/2021 06:13

Làn sóng Covid lần thứ 4 cùng với tác động tiêu cực của nó buộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải tính chuyện sửa đổi Thông tư 03 chỉ sau 3 tháng có hiệu lực nhằm hỗ trợ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Kéo dài thời gian cơ cấu nợ thêm 6 tháng

NHNN đang lấy ý kiến vào dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 03/2021 về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Nguồn: ITN
Nguồn: ITN

Theo đó, thời gian cơ cấu nợ sẽ được kéo dài đến 30.6.2022 thay vì 31.12.2021 như quy định hiện nay. Việc cơ cấu lại nợ sẽ áp dụng cho số dư nợ phát sinh trước ngày 1.8.2021 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính (thay vì trước ngày 10.6.2020 theo quy định tại Thông tư 03); dư nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23.1.2020 đến ngày 30.6.2022 (Thông tư 03 quy định từ ngày 23.1.2020 đến ngày 31.12.2021).

NHNN cho biết đề xuất này dựa trên 3 lý do. Một là, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chuẩn bị sẵn sàng cho việc thực hiện chiến dịch tiêm chủng trên quy mô toàn quốc, phấn đấu đạt 70 - 75% người dân được tiêm vào cuối năm 2021, đầu năm 2022. Theo đó, Việt Nam cần một khoảng thời gian (từ nay đến cuối năm 2021) để nhận đủ lượng vaccine cần thiết để tiêm chủng cho người dân, thông qua đó giảm thiểu tác động của dịch bệnh Covid-19 đến nền kinh tế.

Hai là, Nghị quyết 86/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đặt mục tiêu TP. Hồ Chí Minh phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15.9.2021; các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 1.9.2021. Các tỉnh, thành phố khác phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 25.8.2021.

Thứ ba, căn cứ vào kế hoạch tiêm chủng và kế hoạch kiểm soát dịch bệnh nêu trên, tại dự thảo lần 1 lấy ý kiến các đơn vị trong NHNN, Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng đánh giá việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ được áp dụng đối với số dư nợ phát sinh trong khoảng thời gian từ 23.1.2020 đến ngày 30.6.2022 là phù hợp nhằm hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch. 

Doanh nghiệp chưa vui, ngân hàng cũng “kẹt”!

Thông tư 03 mới được ban hành đầu tháng 4 năm nay, có hiệu lực từ 17.5 vừa qua, nay đã được xem xét sửa đổi. “Tuổi thọ” của văn bản này ngắn ngủi như vậy có lẽ bởi vào thời điểm ban hành, cơ quan điều hành chính sách tiền tệ không thể lường trước được sự bùng phát dữ dội của dịch Covid lần thứ 4.

Việc sớm sửa đổi Thông tư 03 nhằm phù hợp hơn với bối cảnh hiện nay của nền kinh tế và thực trạng hoạt động của các doanh nghiệp, cũng như mở đường cho ngân hàng rộng tay hơn với chính sách tái cơ cấu nợ hỗ trợ khách hàng. Tuy vậy, kéo dài thời gian cơ cấu nợ thêm 6 tháng có lẽ chưa làm doanh nghiệp hài lòng. Bởi khi cho ý kiến vào Thông tư 03, nhiều khách hàng doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề đã kiến nghị thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ, kể cả trường hợp gia hạn nợ, nên được nới rộng hơn, tối thiểu là 24 tháng kể từ ngày thực hiện cơ cấu lại thời gian trả nợ. Như vậy mới đủ thời gian để doanh nghiệp thật sự phục hồi trở lại, bảo đảm năng lực tài chính để hoàn trả khoản vay.

Về phía ngân hàng, với việc các rủi ro hiện nay đã tăng lên, họ càng phải cân nhắc và lựa chọn kỹ càng những doanh nghiệp nào còn có cơ hội để vực dậy, phục hồi thì mới xem xét hỗ trợ để tránh phải cõng gánh nặng nợ xấu trong tương lai. Ngoài ra, ngân hàng cũng không muốn kéo dài thời gian thu hồi nợ lâu vì càng tiềm ẩn rủi ro.

Bên cạnh đó, Thông tư 03 cũng quy định rõ ràng và chặt chẽ hơn về tỷ lệ trích lập dự phòng của các khoản vay tái cơ cấu do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo đó, sẽ trích lập dần trong 3 năm với tỷ lệ phân bổ 30% trong năm 2021, đến cuối năm 2022 phải trích lập được tối thiểu 60% và đến cuối năm 2023 phải trích lập 100% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung. Dự thảo sửa đổi Thông tư 03 không đề cập tới việc giãn thời gian trích lập dự phòng rủi ro. Điều này có nghĩa các ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro cho toàn bộ nợ cơ cấu lại trong 3 năm. Trong khi đó, Hiệp hội Ngân hàng từng đề nghị NHNN xem xét điều chỉnh kéo dài thời hạn trích lập bổ sung (có thể trong 5 năm) và giảm tỷ lệ phân bổ trích lập dự phòng rủi ro để giảm tải áp lực tài chính cho các ngân hàng.

Hà Lan