Xây dựng chuỗi cung ứng thương mại điện tử

Đào Cảnh 19/08/2021 05:53

Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến hàng loạt chợ truyền thống phải tạm dừng hoạt động. TP. Hà Nội cùng với các doanh nghiệp đang xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm qua sàn thương mại điện tử hỗ trợ việc mua sắm trực tuyến cho người dân, hạn chế tình trạng tụ tập đông người tại các siêu thị, cửa hàng. Đây không chỉ là giải pháp giúp người dân “đi chợ an toàn”, mà còn giảm tình trạng găm hàng, ép giá của một số đại lý trong mùa dịch.

Khâu sơ chế, đóng gói của Công ty Ubofood trước khi giao đến tay người tiêu dùng Ảnh: Tường Vy
Khâu sơ chế, đóng gói của Công ty Ubofood trước khi giao đến tay người tiêu dùng
Ảnh: Tường Vy

Tiện lợi và an toàn cùng Ubofood

Một trong những sàn thương mại điện tử (TMĐT) đang được đông đảo người tiêu dùng trên địa bàn Hà Nội lựa chọn để “đi chợ” hiện nay là Ubofood. Tại ứng dụng này, người dùng có thể thỏa sức lựa chọn các loại thực phẩm từ rau củ, đồ khô, đồ tươi sống, đặc sản vùng miền với giá cả và thông tin sản phẩm công khai, minh bạch, chi tiết. Theo anh Đỗ Hoàng Thạch - Giám đốc Công ty CP Ubofood, trong gần 1 tháng Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, lượng khách hàng tải App Ubofood tăng gấp 10 - 15 lần, doanh thu của công ty tăng gấp 10 lần so với các tháng trước đó. Đội ngũ nhân viên của Ubofood phải làm việc 200% công suất mới đáp ứng hết nhu cầu mua sắm của khách hàng.

Anh Thạch phấn khởi chia sẻ: “Mặc dù vất vả nhưng niềm vui được nhân lên khi nền tảng online Ubofood đang phát huy giá trị cho cộng đồng. Trong thời điểm dịch bệnh, chúng tôi đã cùng chính quyền chung tay cung ứng phong phú nguồn thực phẩm an toàn với giá cả bình ổn cho người dân. Qua Ubofood, người dân có thể hạn chế quá trình tiếp xúc và giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh”.

Thực tế, không phải người tiêu dùng nào cũng dễ dàng tin tưởng vào các kênh mua sắm trực tuyến. Để chiếm được niềm tin của khách hàng, Ubofood luôn đặt tiêu chí chất lượng sản phẩm lên hàng đầu. Theo đó, toàn bộ sản phẩm khi đưa lên app để cung ứng đều được xử lý qua các khâu kiểm duyệt về giấy tờ chứng nhận. Hàng hóa trước khi cung ứng đều được lưu mẫu hàng ngày, sơ chế đóng gói bảo đảm điều kiện tiêu chuẩn, vận chuyển bằng xe chuyên dụng và có bộ phận chăm sóc khách hàng để thu phản hồi, xử lý hàng hóa khi có lỗi. Đặc biệt, toàn bộ đội ngũ shiper đều là nhân viên giao hàng của công ty, được tiêm phòng vaccine Covid-19 và cứ 3 ngày lại tiến hành test nhanh 1 lần.

Chị Trịnh Thu Hằng (quận Hà Đông) cho biết, nhiều tuần nay, chị “đi chợ” trên ứng dụng này vào 20 giờ tối và 10 giờ sáng hôm sau, thực phẩm thiết yếu sẽ được giao miễn phí tới nhà. “Dịch bệnh nên tôi rất ngại phải chen chúc mua hàng ở chợ và các siêu thị. Tôi lên mạng tìm hiểu về cách mua hàng trực tuyến và biết đến Ubofood. Trên ứng dụng này có đầy đủ các loại thực phẩm cho bữa ăn hằng ngày của gia đình, thực phẩm rất tươi ngon, bảo đảm chất lượng”, Chị Hằng chia sẻ.

Trong tổng số trên 1.500 sản phẩm của Ubofood đang phân phối của 200 nhà cung cấp trên 30 tỉnh, thành có gần 100 sản phẩm OCOP. Hiện, Hà Nội có gần 50 sản phẩm mà Ubofood đang phân phối, điển hình như: Thịt lợn sinh học A-Z của HTX Hoàng Long đạt OCOP 4 sao; mỳ miến của Công ty Thực phẩm Minh Dương đạt OCOP 4 sao; xạ đen của Công ty CP MD Queens đạt OCOP 4 sao... Anh Đỗ Hoàng Thạch - Giám đốc Công ty CP Ubofood chia sẻ: Ubofood đang bán hàng trên địa bàn 12 quận nội thành qua 2 kênh là App và Web. Chúng tôi cũng phối hợp chặt với các HTX tại Hà Nội cũng như các tỉnh, thành trong cả nước hỗ trợ liên kết, trao đổi thông tin, tăng cường tiêu thụ nông, thủy sản của các địa phương trên nền tảng TMĐT với chính sách thu mua, phù hợp, trên tinh thần chia sẻ khó khăn với người nông dân và khách hàng.

Mua bán trực tuyến là xu thế tất yếu

Có thể thấy, mua bán trực tuyến đang là xu thế trong những năm gần đây, nhất là thời điểm dịch bệnh Covid - 19 bùng phát và lây lan. Hà Nội đặt ra nhiều mục tiêu phát triển TMĐT, đáng chú ý là toàn bộ chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn của thành phố sẽ tham gia Hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã Qrcode truy xuất nguồn gốc.

Cùng với đó, thành phố  tiếp tục hoàn thiện Chợ TMĐT sản phẩm nông nghiệp an toàn, sản xuất theo chuỗi tại địa chỉ (chonhaminh.gov.vn) và ứng dụng trên nền tảng di động. Phát triển trang web Nông sản an toàn Hà Nội để tạo môi trường kết nối hiệu quả giữa nhà sản xuất, phân phối và người tiêu dùng. Triển khai hiệu quả Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản, thực phẩm và Chương trình OCOP với TMĐT để xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Theo ông Nguyễn Văn Chí - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối NTM Hà Nội, các hình thức TMĐT, bán hàng online, livestream quảng bá sản phẩm là giải pháp hữu hiệu giúp chuỗi cung ứng nông sản không bị đứt gãy trong mùa dịch. Các doanh nghiệp có “vũ khí” để đương đầu với khó khăn do dịch bệnh, còn người dân sẽ thuận lợi và an toàn hơn trong việc mua sắm thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày. Đặc biệt, người nông dân sản xuất sẽ bớt lo ngại vấn đề nông sản được mùa nhưng phải giải cứu.

“Trên các nền tảng công nghệ, những mô hình kinh doanh online như Công ty Ubofood thực sự rất hữu hiệu không chỉ trong thời điểm dịch bệnh mà còn phù hợp với đời sống hiện đại. Bên cạnh đó, hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân trong điều kiện khó khăn như hiện nay” - ông Chí nhấn mạnh.

Thời gian qua, Văn phòng Điều phối NTM Hà Nội cũng đã tổ chức một số chương trình livestream hỗ trợ việc tiêu thụ sản phẩm OCOP, bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực. Bên cạnh đó, Văn phòng đang phối hợp với Viện Nghiên cứu chuyển đổi số ASEAN mở các lớp tập huấn trực tuyến miễn phí cho các chủ thể OCOP về phương thức, kỹ năng bán hàng online, livestream để tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, các doanh nghiệp, HTX, chủ thể OCOP kết nối với nhau để hình thành các chuỗi cung ứng nông sản TMĐT, cùng nhau vượt khó trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay.

_________

Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP. Hà Nội

Đào Cảnh