Mua lúa dự trữ khi dịch bùng phát

Duy Anh 08/08/2021 17:29

Người dân vừa chật trải qua giai đoạn khó khăn khi giá phân bón, vật tư nông nghiêp tăng vọt, rồi dịch bệnh, thời tiết bất lợi bủa vây cây lúa; nay đến mùa thu hoạch thì giá đột ngột giảm, vắng bóng người mua.

“Giá lúa rớt nhanh quá. Chỉ sau 1 đêm, giá lúa giảm 400 đồng/kg. Mới hôm trước, thương lái đồng ý mua với giá 5.300 - 5.500 đồng/kg lúa (tươi), nhưng qua hôm sau, viện cớ mưa làm ướt lúa, họ đột ngột hạ giá xuống còn 5.000 đồng/kg. Với giá bán hiện nay, sau 3 tháng chăm sóc, nông dân chỉ huề vốn sản xuất, mất trắng công sức lao động. Còn nếu nông dân thuê đất thì coi như lỗ nặng” - một nông dân ở huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp cho biết.

Khoảng 900.000 ha lúa hè thu ở đồng bằng sông Cửu Long đang tắc đầu ra, không có người mua do đi lại trong điều kiện giãn cách gặp khó khăn, thiếu lực lượng thu hoạch lúa, trong khi nhiều nhà máy chế biến lúa buộc phải đóng cửa hoặc giảm công suất dù đã áp dụng “3 tại chỗ”. Các chi phí tăng (chi phí test lái xe, người vận chuyển, rủi ro dịch bệnh) nên thương lái cũng bỏ cọc. 

Nông dân một số nơi thu hoạch xong không biết tiêu thụ ra sao. Trong khi một số nơi khác đã bắt đầu gieo sạ vụ thu đông nhưng do giá lúa giảm, thu hoạch, chế biến khó khăn nên một số nông dân đang lưỡng lự sản xuất vụ này. Đây là dấu hiệu cho thấy, việc tiêu thụ lúa trong thời gian tới sẽ khó cả về sức mua lẫn giá cả. Nếu không giải quyết nhanh tình trạng này sẽ tác động tiêu cực đến sản xuất vụ thu đông, vụ đông xuân, nhiều thương lái sẽ lợi dụng tình hình này để ép giá khiến nông dân chịu nhiều thiệt thòi. 

Trước tình trạng này, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất đề xuất triển khai chương trình thu mua dự trữ lúa gạo quốc gia để nông dân yên tâm cũng như kích cầu sản xuất vụ thu đông. Tuy nhiên, cơ chế triển khai mua lúa tạm trữ trước đây thường giao cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam phối hợp các địa phương phân giao chỉ tiêu để doanh nghiệp mua lúa theo giá thị trường và được cấp bù lãi suất ngân hàng. Nhưng việc thực hiện luôn có độ trễ, nay trong tình huống cấp bách do dịch bệnh, yêu cầu này có được bảo đảm?

Làm sao trong khoảng thời gian ngắn, việc mua lúa tạm trữ phải được làm bài bản, căn cơ, nhiều yêu cầu về công bố giá sàn, định ra sản lượng thu mua phù hợp với từng địa phương, phân giao từng doanh nghiệp thực hiện để bảo đảm công bằng và hiệu quả? Đó là những câu hỏi phải được trả lời trước khi sử dụng khoản ngân sách trong điều kiện khó khăn hiện nay để mua lúa tạm trữ. Liệu có thể áp dụng những cách thức và cơ chế hỗ trợ khác hiệu quả hơn không?

Theo các chuyên gia, lúa gạo là mặt hàng đặc biệt nhất trong nhóm nông sản khi mà giá cả, và cả việc xuất - nhập khẩu đang lệ thuộc vào điều hành của chính sách quốc gia hơn là mặt bằng thị trường. Bên cạnh đó, dù lúa có thể bảo quản, lưu trữ lâu hơn so với nhiều loại hoa màu, nhưng gần như người trồng lúa rất khó có thể lưu trữ chờ thời cơ giá cao để bán. Bởi điều này, đòi hỏi rất nhiều công sức và mặt bằng kho chứa; nhất là áp lực nhu cầu trả tiền mua sắm vật tư trước đó, cũng như trang trải cuộc sống...

Mặc dù "liên kết 4 nhà" được nói nhiều, nhưng kết nối cung - cầu lúa gạo vẫn chưa tốt. Lợi nhuận từ trồng lúa chưa đảm bảo được cuộc sống người trồng lúa. Thực tế, vụ lúa hè thu 2021, toàn vùng Đồng bằng Sông Cửu Long có kế hoạch gieo cấy là hơn 1,52 triệu ha, năng suất dự kiến đạt 5,62 tấn/ha, sản lượng dự kiến đạt hơn 8,55 triệu tấn, tăng 92.000 tấn so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên trên thực tế, diện tích gieo cấy, đặc biệt là sản lượng, giá trị thu hoạch đều giảm. Sau 30 năm sản xuất ra lượng lúa xuất khẩu, đồng bằng sông Cửu Long đã có 1,2 triệu người, chủ yếu là người trong độ tuổi lao động, phải bỏ ruộng quê đến các khu công nghiệp để làm việc. 

Lần này trong bối cảnh bùng phát dịch Covid-19, việc xem xét các chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông dân rất cần thiết, không chỉ giảm bớt khó khăn cho nông dân mà còn là giải pháp kinh tế, thị trường, hỗ trợ sản xuất. Nhưng bên cạnh mục tiêu giải quyết đầu ra cho hạt lúa và hỗ trợ nông dân, thì điều quan trọng nhất là cơ chế thực thi, giải bài toán chi phí và lợi ích, đặc biệt là bảo đảm lợi ích thực sự cho đối tượng thụ hưởng.

Duy Anh