Nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát hải quan
Trong tháng 7.2021, Tổng cục Hải quan đã tập trung hoàn thiện yêu cầu nghiệp vụ xây dựng hệ thống Hải quan thông minh; chủ động xử lý vướng mắc phát sinh và triển khai các biện pháp quản lý đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Kịp thời thu thập, phân tích thông tin
Tổng cục Hải quan đánh giá, hiện nay, có tình trạng các đối tượng lợi dụng việc không phải khai thông tin trước về hàng hóa để tập kết hàng hóa tại cửa khẩu biên giới đường bộ chờ vận chuyển trái phép, thẩm lậu vào nội địa; nhập khẩu hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; nhập khẩu hàng không đúng với khai hải quan về chủng loại, số lượng, trị giá; tự ý tiêu thụ hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan (hàng quá cảnh, kinh doanh tạm nhập tái xuất).

Nhằm tạo thuận lợi thương mại, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa và tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát đối với hàng hóa xuất nhập khẩu qua biên giới; Tổng cục Hải quan đã yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật hải quan, pháp luật về thuế và các quy định khác có liên quan.
Cùng với đó, để thực hiện Công văn 119/TCHQ-GSQL, Tổng cục Hải quan đã nâng cấp hệ thống thông tin cung cấp các chức năng phục vụ việc tiếp nhận, kiểm tra, xác nhận bản kê thông tin hàng hóa nhập khẩu, nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới đường bộ, đặc biệt là với hàng bách hóa tiêu dùng.
Đồng thời, áp dụng linh hoạt các biện pháp kiểm soát rủi ro đối với doanh nghiệp trọng điểm nhập khẩu hàng bách hóa tiêu dùng trên các tuyến đường bộ, đường biển, đường hàng không. Phân luồng quản lý rủi ro đối với hơn 550 doanh nghiệp trọng điểm trên toàn quốc; triển khai phân tích, đánh giá rủi ro đối với hoạt động nhập khẩu hàng hoá loại hình A11 và A12 mở rộng trên phạm vi toàn quốc. Kết quả, đã phát hiện 20 doanh nghiệp sửa tờ khai; 2 vụ vi phạm, truy thu tiền thuế phải nộp lên hơn 500 triệu đồng; 10 lô hàng vi phạm tuyến đường biển; 1 vụ vi phạm tại tuyến đường bộ; 1 vụ vi phạm tại tuyến đường không.

Chủ động xử lý các vướng mắc phát sinh
Bên cạnh việc áp dụng các biện pháp thu thập thông tin để kiểm soát rủi ro, Tổng cục Hải quan tiếp tục tập trung nguồn lực triển khai nâng cao nghiệp vụ về Hệ thống hải quan thông minh, từ đó, đưa ra giải pháp giải quyết vướng mắc phát sinh.
Cụ thể, với mặt hàng cá tầm nhập khẩu, Tổng cục Hải quan đã ban hành Công văn số 3213/TCHQ-GSQL ngày 24.6 gửi Cơ quan quản lý CITES đề nghị xác định các loài cá tầm nhập khẩu để có cơ sở giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp. Đồng thời, nghiên cứu tiến hành điều tra, xác minh, xử lý đối với hành vi nhập khẩu cá tầm không đúng với khai báo và tên ghi trên Giấy phép CITES của các doanh nghiệp nhập khẩu cá tầm trong thời gian qua.
Tổng cục Hải quan hướng dẫn các Cục Hải quan tỉnh, thành phố thực hiện vướng mắc trong công tác kiểm tra hàng hóa bằng máy soi container. Theo đó, giao Cục Hải quan các tỉnh, thành phố hướng dẫn người khai hải quan truy cập website của Tổng cục Hải quan tra cứu thông tin lô hàng khai báo có thuộc đối tượng soi chiếu hay không, để chủ động xuất trình hàng hóa cho cơ quan Hải quan kiểm tra theo quy định hiện hành.
Với số lượng 2.000 seal định vị điện tử phục vụ công tác giám sát hàng hóa đã trang bị, triển khai tại 14 Cục Hải quan tỉnh, thành phố; Tổng cục Hải quan đánh giá, hàng hóa xuất nhập khẩu đã được kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả trong quá trình vận chuyển từ Chi cục Hải quan nơi hàng hóa vận chuyển đi đến Chi cục Hải quan nơi hàng hóa vận chuyển đến.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp do tác động của dịch Covid-19, về công tác quản lý kho, bãi, địa điểm kiểm tra hàng hóa, Tổng cục Hải quan đã báo cáo Bộ Tài chính cho phép gia hạn hàng gửi kho ngoại quan và hàng nhập khẩu bán tại cửa hàng miễn thuế, vì quá thời hạn lưu giữ tại Việt Nam, theo quy định tại Nghị định số 68/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan.