Cảng Cát Lái có nguy cơ gián đoạn hoạt động
Sau 3 tuần thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, lượng hàng nhập tồn đang tăng nhanh do nhiều nhà máy phải thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động. Nếu hàng hóa chậm luân chuyển, tồn bãi tăng cao thì nguy cơ cảng Tân cảng Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh) sẽ phải tạm thời ngưng tiếp nhận tàu, chờ giải phóng bớt hàng trên bãi.
Đây là nội dung trong văn bản số 2465/TCg-VP ngày 28.7.2021 của Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn gửi UBND TP. Hồ Chí Minh cùng các đơn vị liên quan.
Hàng tồn bãi cao tăng, nguy cơ gián đoạn sản xuất
Báo cáo nêu rõ, sau 03 tuần thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 (tuần 27, 28 và 29), sản lượng container xuất nhập tàu và giao nhận bãi, số lượt xe ra vào cảng giao nhận conainer liên tục giảm so với cùng kỳ khi chưa giãn cách (so với tuần 24, từ ngày 7 – 13.6.2021), kéo theo dung lượng tồn bãi cảng Tân cảng Cát Lái tăng cao.
Cụ thể, sản lượng container xuất nhập tàu thông qua cảng giảm lần lượt theo các tuần là 0,2%, 18,03% và 5,4%. Sản lượng giao container hàng nhập, nhận container hàng xuất giảm lần lượt 4,78%, 10,48% và 18,13%. Lượt xe ra/vào cảng giao nhận giảm lần lượt 3,14%, 10,05% và 15,59%. Dung lượng tồn bãi Cát Lái luôn chạm mức hết công suất, đặc biệt dung lượng dành cho hàng nhập luôn chạm ngưỡng trên 100% công suất.

Theo Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, hiện nay, lượng hàng nhập tồn đang tăng nhanh do nhiều nhà máy phải thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động 14 hoặc 21 ngày do phong tỏa hoặc do không bảo đảm điều kiện “3 tại chỗ”, “2 địa điểm - 1 cung đường”.
“Với đặc thù hoạt động của cảng Tân cảng Cát Lái từ trước đến nay đã phải thường xuyên hoạt động gần tối đa công suất nên nếu hàng hóa chậm luân chuyển, tồn bãi tăng cao thì nguy cơ cảng sẽ phải tạm thời ngưng tiếp nhận tàu, chờ giải phóng bớt hàng trên bãi. Nguy cơ phải gián đoạn hoạt động hoàn toàn có thể xảy ra như tại các cảng của Mỹ, châu Âu, Trung Quốc trong các đợt dịch vừa qua”, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn Nguyễn Phương Nam nhìn nhận.
Trước thực tế này, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đề nghị Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh báo cáo Tổng cục Hải quan để có cơ chế cho phép Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn vận chuyển hàng hóa nhập khẩu và container tồn đọng trên 90 ngày từ cảng Tân cảng Cát Lái về lưu giữ, giao cho khách hàng và thanh lý tại các cơ sở của Tổng công ty là cảng Tân cảng Hiệp Phước, các ICD Tân cảng Long Bình, ICD Tân cảng Nhơn Trạch (Đồng Nai), ICD Tân cảng Sóng Thần (Bình Dương). Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn cam kết chịu trách nhiệm nguyên trạng của seal và hàng hoá khi chuyển và lưu trữ.
Về phía Tổng cục Hải quan, chủ trì làm việc với các cơ quan chuyên ngành mở rộng các danh mục hồ sơ được tải lên Cổng thông tin một cửa quốc gia mà không cần bản giấy, đặc biệt là các hồ sơ của các cơ quan chuyên ngành đã có mã số hồ sơ, hoặc tờ khai hàng trung chuyển, hạn chế khách hàng, đại lý phải đến cảng làm thủ tục.
Trước mắt, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh chủ trì thống nhất với các cơ quan chuyên ngành cho phép doanh nghiệp nộp bản chứng thư scan bằng đường điện tử trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16 và bổ sung bản gốc sau để hạn chế người đến cảng làm thủ tục.
UBND TP. Hồ Chí Minh cần chỉ đạo Sở Y tế đề xuất Bộ GTVT, Bộ Y tế thống nhất sử dụng 01 app thông minh để theo dõi, cập nhật thông tin xét nghiệm, test nhanh của người điều khiển phương tiện (nhất là đội ngũ lái xe vận chuyển container xuất nhập khẩu…
Thiếu hụt 50% lao động tại cảng
Theo Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, để duy trì hoạt động thường xuyên, liên tục cho cảng Tân cảng Cát Lái, lượng nhân sự cần thiết bắt buộc phải có mặt tại hiện trường để duy trì hoạt động sản xuất trong ngày là khoảng 500 người, chưa kể các lực lượng của cảng có thể làm việc từ xa và nhân viên hải quan, hãng tàu, các cơ quản lý nhà nước liên quan.

Do tác động của dịch Covid -19, hiện lực lượng lao động cần kíp cho sản xuất cảng Tân cảng Cát Lái đang bị thiếu hụt 50% (250 người). Mặc dù cảng đã phải linh hoạt cắt giảm tối đa quân số, điều hành công nhân tập trung 01 mối thay vì theo từng đội công nhân xếp dỡ như trước… song tình hình thiếu hụt nhân sự, nhất là công nhân xếp dỡ tàu ngày càng trầm trọng. Đã có hiện tượng nhiều chuyến tàu phải chờ cầu do thiếu công nhân hoặc chờ cho công nhân nghỉ, phục hồi sức lao động do phải làm việc liên tục.
Hiện cảng đã bố trí một số khu vực “3 tại chỗ” (3T) trong cảng để phục vụ chủ yếu cho lực lượng công nhân xếp dỡ tàu. Tuy nhiên, do đặc thù sản xuất của cảng phân tán tại nhiều địa điểm ở ngoài trời (trên cầu tàu, bãi hàng, điều khiển phương tiện trên các cẩu, xe nâng…) trong bối cảnh dung lượng, mặt bằng cảng Tân cảng Cát Lái đã gần hết công suất nên việc đáp ứng “3T” tại cảng là ít hiệu quả.
Để giải quyết vấn đề nhân lực, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đề nghị UBND TP. Hồ Chí Minh quan tâm ưu tiên cho lực lượng lao động trong dây chuyền sản xuất cảng Tân cảng Cát Lái (kể cả người lao động do cảng quản lý ký hợp đồng, lẫn lực lượng công nhân xếp dỡ vệ tinh và các đối tượng khác đang hoạt động thường xuyên tại cảng).
Bên cạnh đó, cho phép số lao động cần kíp trong dây chuyền sản xuất cảng Tân cảng Cát Lái, nếu không cư trú tại các khu vực dân cư đang bị phong tỏa được cấp phép lưu thông đến cảng để làm việc. Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn cam kết triển khai xét nghiệm 01 lần/tuần cho các đối tượng này để sàng lọc theo quy định.
Đồng thời, các cơ quan quản lý cấp phát hoặc hướng dẫn về mẫu giấy thông hành để có thể lưu thông thuận lợi, kể cả sau thời điểm 18h như quy định hiện nay để phù hợp với điều kiện làm việc đặc thù theo ca, kíp tại cảng.
Riêng đối tượng lao động đang cư trú tại huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), đề nghị cho phép lưu thông qua phà Cát Lái để vào cảng làm việc nếu có giấy xác nhận làm việc tại Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn và chứng nhận xét nghiệm âm tính còn hiệu lực.