Xóm trọ thời Covid-19
Cái xóm từ dân văn phòng đến Phó Chủ tịch quận đều thành cửu vạn, nội trợ, tài xế một cách nhịp nhàng, tự giác, dẫn tình thân của mọi người gửi trao...
1. Xóm trọ sau Xóm công viên Hạnh Phúc chỗ nhà tôi bị phong tỏa 20 ngày, sáng qua được dỡ lệnh phong tỏa và bà con đang khấp khởi. Có dỡ phong tỏa thì cũng không đi đâu, nhưng cảm giác tù túng được giải phóng. Phường đến, mọi người reo mừng. Rất tiếc là đến để công bố 2 ca dương tính mới test hôm qua và tiếp tục lệnh phong tỏa.
Kế hoạch hỗ trợ người dân của Xóm Công viên Hạnh phúc đã phải thay đổi. Chúng tôi chia ca kíp ra, trang bị khẩu trang N95 cho các tổ vận chuyển, tách kho hàng ra khỏi khu vực chia rau củ, thịt cá. Tôi ngồi làm việc cơ quan và một người trong xóm điều hành. Mấy ngày gần đây nhiều người biết tin nên chung tay hỗ trợ thực phẩm tươi. Thỉnh thoảng lại có xe bán tải đến xóm và tài xế thả hàng xuống công viên rồi đi. Một tổ ba người sẽ tuần tự ra chia bịch, phân loại. Lát sau mấy cậu thanh niên chất lên xe. Bảy chiếc xe hơi nhẫn nại cõng hàng. Nhiều anh chị, bạn bè tôi từ Hà Nội, Mỹ, Úc gọi người nhà mang tiền đến hỗ trợ. Cái xóm từ dân văn phòng đến Phó Chủ tịch quận đều thành cửu vạn, nội trợ, tài xế một cách nhịp nhàng, tự giác, dẫn tình thân của mọi người gửi trao.
Cái xóm không có ai là dân gốc Sài Gòn đang làm để sẻ chia và cũng là trả nghĩa cho thành phố đã cưu mang mình. Ngồi chia trái cây, có người nhắc hồi sinh viên mà có mấy thực phẩm này nhỉ? Người khác nói ngay cả khi ra trường đi làm vẫn còn tiện tặn không dám mua ăn để gửi về giúp mẹ nuôi em. Bàn tay cầm chìa khóa xe hơi vẫn còn những chai sần ruộng miền Trung nắng cháy.
Xóm trọ phía sau và sau nữa thực ra là quá khứ của những cư dân xóm Hạnh phúc. Nó như cái xóm của nhà văn Tiến Đạt, nhà báo Minh Trường, nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh bạn tôi bên Thị Nghè hai thập kỷ trước. Chỉ là giờ đây đìu hiu, tan hoang vì Covid-19.
Sáng qua B. - chàng trai đạp xe từ Đồng Nai về quê nhà Nghệ An - gọi điện. Tôi hứa hết dịch em vào, anh sẽ lo việc làm cho mấy mẹ con vì một người bạn của tôi ở Đồng Nai ngỏ ý lo công việc cho họ ở xưởng gỗ. Em gửi lời cám ơn nhưng nói em và mẹ sẽ ở lại Nghệ An, mãi mãi.
Covid-19 cho thấy quê hương luôn là một lối về cho ta nương tựa. Quê người vẫn ấm tình, không đắng khói cay men nhưng không khỏa lấp được hết cái thiệt thòi của kẻ ly hương mưu sinh. Người Nghệ nặng tình và mây trắng quê nhà trong ký ức có lẽ giờ đây càng dày vò những người nghèo kẹt lại đô thị này trong muôn trùng thiếu thốn những ngày dịch bệnh.
Thương!
2. Chị Thủy, một người giúp việc nhà trong xóm trọ hôm nay hỏi đăng ký chuyến xe quê nhà để về lại Thăng Bình, Quảng Nam. Đi cùng chị có nhiều công nhân xóm trọ.
Hôm qua từ ô cửa nhà trọ nhìn ra con hẻm lướt thướt nước mưa và lá rụng, Tuấn, một công nhân khác rót xị rượu cuối cùng từ cái can uống với mấy miếng khô gà xé và nghĩ đến chuyện về Quảng Ngãi.
Khuya, nhóm công nhân nhà trọ bị phong tỏa gọi điện hỏi tôi họ ở khu phong tỏa nhưng két quả xét nghiệm âm tính thì có được về quê không. Tôi nói không, cô khóc: Mẹ em bệnh, con em cũng bệnh. Chừ em thì ở đây...

Họ đã đến Sài Gòn, không phải để đổi đời, vì khó đổi lắm, mà để mưu sinh khi những mảnh ruộng quê không còn nuôi nổi mình. Hàng tháng nếu tăng ca, một công nhân có thể kiếm 8 triệu đồng. Một nửa gởi về quê, nửa còn lại là tiền trọ, tiền ăn, tiền mua chút phấn son và tất cả những nhu cầu khác. Nhưng hai năm nay thì thu nhập chỉ còn một nửa vì thiếu việc. Mấy tháng nay thì không còn đồng nào. Lẽ ra những người như Thủy, như Tuấn đã về lâu rồi, nhưng họ ở lại với hy vọng hết dịch, có việc làm. Có những công nhân đã về quê từ tết năm ngoái và không vào lại, những người đó tính ra may mắn hơn những thân phận mắc kẹt này.
Hôm rồi, Nhóm Hỗ trợ Công viên Hạnh phúc của tôi đã phạm một sai lầm khi đến tiếp tế cho một dãy trọ. Do bà con khẩn thiết quá nên tổ khảo sát đã không đến khảo sát như thường lệ, cũng không có số điện thoại để báo phường hỗ trợ. Anh em chất mấy trăm phần gạo mì lên 4 chiếc xe chạy tới. Công nhân ở dãy trọ rất nghèo, vấn đề là để đến được dãy trọ, nhóm phải đi qua một khu dân cư ở trọ nhếch nhác với những người nghèo hơn, đa phần bán vé số và phụ hồ thất nghiệp. Suýt đã xảy ra lộn xộn trong sự bất lực của cả nhóm. Thầy giáo Trí dự đoán: Những ngày tới tình hình sẽ căng hơn khi thùng gạo của họ hôm nay được vét đến hạt cuối cùng.
Những người đó đã đến Sài Gòn, và giờ họ bỏ Sài Gòn. Các tỉnh đã mở vòng tay đưa những đứa con tha hương về quê nhà, Sài Gòn nhìn theo trong nhớ nhung lo lắng và áy náy. Giờ mới nhớ quay quắt cảnh kẹt xe đường Cộng Hòa, nhớ những cái chợ chồm hỗm bên xóm trọ công nhân, nơi vẫn cung cấp hàng giá rẻ bất chấp văn minh đô thị bằng cách họp chợ tự phát. Giờ thiếu nó, xóm trọ đìu hiu. Thiếu những người lao động nhập cư, "không có em còn tôi với tôi" như bài ca của Trịnh.
Họ sẽ rời Sài Gòn kéo theo nỗi lo nhân lực của các chủ doanh nghiệp; kéo theo thu nhập của những chủ nhà trọ và kéo theo nhiều nỗi niềm của cư dân thành phố. Biến mất những ồn ào lộn xộn nhiều phen gây phiền cho cư dân bên cạnh xóm trọ, giờ còn nỗi nhớ. Bà cụ quét lá trước nhà hôm nào mắng thằng Ba con Bảy nào đó vứt bừa vỏ hộp cơm và túi bịch bên vỉa hè, giờ ngồi nhìn ra lo lắng và thương, không biết tụi nó về quê mạnh giỏi không, dịch giã này lấy gì nuôi con...
Sài Gòn mà thiếu xóm trọ thì như ai dứt đi một phần hơi thở, một phần xương thịt vậy. Khi vắng rồi, nhớ lắm những bất tiện, huyên náo. Có lãng mạn những con đường vắng lá me bay thì phải có cả tấp nập chợ chiều và kẹt xe mới là Sài Gòn.
Xưa bị tra tấn cả ngày bởi cái loa kẹo kéo và giọng ca dở ẹc của cậu công nhân khi suốt ngày "Đắp mộ cuộc tình" với "Về đâu mái tóc người thương", mấy lần tôi nổi quạu. Thế mà sáng nay Sài Gòn mây đen kịt, tôi lắng tai nghe, chỉ có tiếng lá rơi thềm!...