Quyết liệt triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP trên toàn quốc

Tùng Dương 18/07/2021 12:33

Chỉ một ngày sau khi Chính phủ ban hành thủ tục hành chính hướng dẫn thủ tục, đã có tới 33 tỉnh thành gửi báo cáo về kế hoạch hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP. Theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, có những địa phương dù còn gặp nhiều khó khăn trong dịch bệnh những vẫn có chính sách hỗ trợ riêng dành cho lao động và hoàn thành 50% chỉ tiêu trong thời gian ngắn, “còn vượt trên tinh thần của Nghị quyết 68”.

Triển khai nhanh nhất có thể

Dù là địa phương đang hứng chịu những ảnh hưởng nặng nề nhất từ Covid-19 nhưng TP. Hồ Chí Minh lại đang đi đầu cả nước trong công tác hỗ trợ người dân trên địa bàn của mình.

Theo báo cáo mới nhất từ Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh Lê Minh Tấn tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm trong lĩnh vực người lao động, người có công và xã hội và thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, TP. Hồ Chí Minh là địa phương duy nhất đã triển khai chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19 trước cả khi Nghị quyết số 68/NQ-CP được ban hành ngày 1.7. Ngày 25.6, HĐND TP. Hồ Chí Minh đã thông qua gói an sinh hỗ trợ người dân gặp khó vì đại dịch Covid-19 với tổng kinh phí 886 tỷ đồng, hỗ trợ 6 nhóm đối tượng, trong đó, có 230.000 lao động tự do với mức hỗ trợ 1,8 triệu đồng (nguồn kinh phí 20 tỷ đồng). 

Trong khi nhiều địa phương chưa triển khai quyết định 23, TP. Hồ Chí Minh đã hoàn thành thực hiện chi trả hỗ trợ cho gần 50% lao động tự do và cam kết trong 15.7 sẽ chi trả hỗ trợ cho toàn bộ lao động tự do.

Người dân tại quận Gò Vấp nhận tiền và nhu yếu phẩm trong mùa dịch.
Người dân tại quận Gò Vấp nhận tiền và nhu yếu phẩm trong mùa dịch.

Còn tại Đồng Nai, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nguyễn Thị Thu Hiền cho hay, ngày 13.7, địa phương này đã ban hành quyết định hỗ trợ, trong đó có nhiều chính sách cụ thể cho lao động tự do. Dự kiến dành khoảng 45 tỷ đồng hỗ trợ 30.000 lao động tự do, với mức 1,5 triệu đồng/người, chi trả một lần. Đối với các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Đồng Nai đã có hướng dẫn gửi tới doanh nghiệp để làm hồ sơ, thủ tục hỗ trợ cho lao động bị ảnh hưởng.

Tương tự, Vũng Tàu cũng triển khai chính sách hỗ trợ trên 125.000 người được hỗ trợ với tổng kinh phí hơn 345 tỷ đồng. Riêng lao động tự do sẽ nhận 1,5 triệu đồng/người, nếu tiếp tục mất việc được thêm 1 triệu, song, không quá 3,5 triệu đồng.

Không chỉ TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai mà các tỉnh thành khác như Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Dương, Đà Nẵng, Hà Nội… cũng đã có kế hoạch triển khai cụ thể. Các địa phương này đều có chính sách hỗ trợ dành riêng cho lao động tự do.

Không ban hành thêm thủ tục

Chia sẻ về kinh nghiệm triển khai hỗ trợ lao động trước toàn ngành lao động, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh Lê Minh Tấn chỉ rõ, việc TP. Hồ Chí Minh triển khai nhanh bởi các cơ quan chức năng thành phố đã tạo mọi điều kiện thuận lợi, đơn giản thủ tục, làm nhanh nhất để người dân, doanh nghiệp, tiểu thương nhanh chóng nhận được hỗ trợ. Thậm chí có nhóm đối tượng, người lao động, người dân không phải làm bất cứ thủ tục gì thì doanh nghiệp, các cơ quan chức năng vẫn lo thủ tục để chuyển tiền cho người dân, lao động sớm nhất.

Nói về sự cấp bách của việc triển khai gói hỗ trợ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu các tỉnh, thành cần triển khai ngay chính sách hỗ trợ lao động, đặc biệt là lao động tự do và yêu cầu các địa phương giảm bớt thủ tục, giấy tờ để tiền nhanh đến tay người bị ảnh hưởng bởi đại dich, vì hiện nhiều nơi đang giãn cách, cách ly, tạm dừng hoạt động kinh doanh, dịch vụ.

“Để ra được Nghị quyết 68 và Quyết định 23, Bộ trưởng và các cục, vụ của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phải “vắt chân lên cổ”, làm việc việc đến nửa đêm. Các địa phương đừng chờ thêm thủ tục gì nữa, bớt thủ tục hành chính thì càng tốt, sau này chúng ta hậu kiểm sau. Tôi đề nghị các địa phương rà soát kiểm tra tình hình, đơn vị nào chậm trễ là có lỗi với dân, để xảy ra trục lợi là có tội với dân. Chúng ta không chỉ làm bằng trách nhiệm mà cần cả bằng tấm lòng” -Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý.

Ngoài các vấn đề về gói hỗ trợ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng bày tỏ lo lắng về "tam giác công nghiệp" Đồng Nai, Bình Dương và TP Hồ Chí Minh với diễn biến dịch còn rất phức tạp. Chỉ riêng 3 tình, thành này đã chiếm 1/4 lực lượng công nhân lao động cả nước, với nguy cơ dịch tấn công vào khu công nghiệp luôn hiện hữu. Do đó, giữ được thành trì công nghiệp phía Nam là giữ được an toàn cho cả nước, đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất hay không chính là ở các địa bàn này.

Bên cạnh việc hỗ trợ tiền mặt cho lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng lưu ý các tỉnh, thành nên có thêm hình thức hỗ trợ như cây ATM gạo, siêu thị 0 đồng, chợ rau... bởi trong những ngày giãn cách người dân có tiền vẫn khó mua nhu yếu phẩm, lương thực..

Tùng Dương