Khi nào chấm dứt đốt rơm rạ ?

Chi An 16/06/2021 12:09

Tính riêng vụ Đông Xuân năm 2020 tại Hà Nội, tổng lượng bụi thải do hoạt động đốt rơm rạ ở các huyện là gần 350 tấn. Khoảng 20% trong số đó bị đốt, phát sinh 179,08 tấn bụi PM10, 163,3 tấn bụi mịn PM2,5 và 23.000 tấn CO2. Đây là vấn đề đáng quan ngại khi PM2,5 được coi là sát thủ trong không khí, nguyên nhân của hàng loạt bệnh về hô hấp và tim mạch.

Dẫu TP. Hà Nội từng đặt ra mục tiêu đến hết năm 2020, Hà Nội sẽ xử lý để không còn rơm rạ đốt bỏ ngoài đồng ruộng sau thu hoạch. Tuy nhiên, đến nay mục tiêu đó vẫn chưa thể hoàn thành. Từ đầu tháng 6 đến nay, nông dân Hà Nội bước vào thu hoạch lúa vụ xuân 2021, tình trạng đốt rơm rạ tái diễn. Tại các huyện Quốc Oai, Thanh Oai, Phúc Thọ, Ứng Hòa, Sóc Sơn, Đông Anh… người dân lại đồng loạt đốt rơm rạ khiến cả một vùng mù mịt khói, chỉ số AQI tại Hà Nội nhiều ngày đã chuyển sang màu tím - không khí ở mức ô nhiễm nghiêm trọng.

Bên cạnh việc gây ô nhiễm, khói rơm rạ còn mang lại nhiều hiểm họa với an toàn giao thông. Có những đống rơm được đốt ngay ven đường che khuất tầm nhìn người tham gia giao thông, gây tai nạn. Thậm chí, việc bà con một số xã của huyện Sóc Sơn đốt rơm rạ gần Sân bay Nội Bài từng khiến Cảng vụ Hàng không miền Bắc phải gửi công văn đề nghị huyện vào cuộc ngăn chặn, không làm ảnh hưởng đến an toàn hàng không.

Thực trạng này không chỉ riêng Hà Nội mà cũng diễn ra tương tự tại một số địa phương, đã gây ra những thiệt hại về người và của do thói quen đốt rơm rạ. Theo người dân, với một khối lượng rơm rạ quá lớn, nếu không đốt, cũng chưa có cách xử lý hiệu quả. Việc sử dụng các chế phẩm sinh học để ủ rơm rạ thành phân bón chưa thuận tiện với bà con. Việc ủ đống cần mặt bằng, bạt che, chưa kể chuyện đảo rơm và bổ sung nước mất nhiều công sức. Việc cung ứng chế phẩm sinh học chưa rộng rãi, tiêu tốn nhiều tiền…

Sẽ có rất nhiều lý do được đưa ra nhưng hậu quả nghiêm trọng từ việc đốt rơm rạ, ảnh hưởng tới từng hơi thở hàng ngày của mỗi người dân là hiện hữu. Để chấm dứt tình trạng này, nếu chỉ cấm thôi sẽ là không đủ nếu không có giải pháp biến phụ phẩm này thành sản phẩm hữu ích như mô hình sử dụng rơm rạ để trồng nấm, làm thức ăn chăn nuôi... tăng thu nhập cho người nông dân.

Thực tế, một số địa phương đã triển khai một số mô hình như: Sử dụng chế phẩm sinh học ủ rơm rạ làm phân vi sinh, thu gom làm thức ăn cho gia súc. Như ủ rơm bằng urê cho phép bảo quản rơm không bị mốc, không bị tổn thất chất hữu cơ mà còn làm tăng hàm lượng protein thô, tăng tỷ lệ tiêu hóa, giúp trâu bò ăn được nhiều hơn và cho năng suất cao hơn so với cho ăn rơm không xử lý. Phải giúp cho người dân thấy được lợi ích của việc thu gom rơm rạ để sử dụng vào các mục đích kinh tế khác nhau, tiến tới loại trừ hoàn toàn việc đốt rơm trên đồng.

Về lâu dài, cần áp dụng mô hình khép kín và xử lý sau thu hoạch, phải có quy hoạch tổng thể, thay đổi cây trồng, vai trò của cây lúa. Đặc biệt, giải pháp đưa ra phải đồng bộ từ chính quyền, doanh nghiệp và người dân, sự tham gia của các nhóm cộng đồng vào cuộc mạnh mẽ hơn trong cảnh báo tác hại của đốt rơm rạ. Cán bộ cấp thôn, làng, hợp tác xã thành lập tổ giám sát về việc thực hiện, cam kết. Đồng thời, các xã, huyện phải có những phản ánh kịp thời vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện, có sự quản lý giám sát chặt chẽ trong và sau mỗi mùa gặt, để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Chi An