Trồng cần sa là vi phạm pháp luật

Đình Khoa 14/06/2021 07:16

Chuyện người dân trồng cây cần sa, anh túc như cây cảnh; trồng thử để biết; trồng thâm canh cần sa, anh túc với các loại cây khác… là một thực tế đáng buồn về hiểu biết pháp luật của người dân. Dù giải thích bằng lý do nào, thì đa phần vẫn là vì thiếu hiểu biết pháp luật; hoặc biết vi phạm nhưng không ý thức được hậu quả pháp lý của hành vi.

Qua con số báo cáo gần đây, số lượng cây cần sa, anh túc, thuốc phiện mà người dân trồng có từ vài chục đến vài nghìn cây. Điển hình, ngày 20.2.2021, lực lượng chức năng tỉnh Bắc Giang đã phát hiện một người dân trồng gần 3.000 cây anh túc, cần sa trong vườn nhà; hoặc ngày 5.6.2021, Công an phường Ngọc Thụy, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an quận Long Biên (Hà Nội) đã phát hiện vợ chồng ông Tiberghien Frederec (55 tuổi, quốc tịch Pháp, tạm trú, làm việc tại Công ty LAVIE Vũ Linh, xã Vũ Linh, huyện Yên Bình, Yên Bái) trồng 115 cây cần sa với trọng lượng 34kg.

Theo pháp luật hiện hành, tùy vào mức độ vi phạm, đối tượng có thể bị phạt hành chính, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, Điều 21, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình quy định hành vi trồng các loại cây thuốc phiện, cần sa và các loại cây khác có chứa chất ma túy sẽ bị phạt tiền từ 2 - 5 triệu đồng.

Trường hợp đối tượng đã được giáo dục 2 lần, được tạo điều kiện ổn định cuộc sống; đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; trồng với số lượng từ 500 cây đến dưới 3.000 cây sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức án từ 6 tháng đến 3 năm… theo quy định tại Điều 247, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội trồng cây thuốc phiện, cây coca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy. Cũng theo quy định tại điều luật này: Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp có tổ chức; với số lượng 3.000 cây trở lên, tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tù từ 3 - 7 năm.

Quy định thì vậy, nhưng theo ý kiến của nhiều chuyên gia pháp lý thì chế tài này chưa đủ sức răn đe. Bởi, hiện giá rao bán các mặt hàng này từ 180.000 - 200.000 đồng/gram; hoặc một lọ tinh chất cần sa có giá khoảng 50.000 - 600.000 đồng, thậm chí có loại đến vài triệu đồng; và thị trường này rất sôi động. 

Hiện Bộ Công an đang xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 167/2013/NĐ-CP theo hướng tăng gấp đôi mức phạt tiền với các hành vi vi phạm. Theo đó, đối với hành vi trồng các loại cây thuốc phiện, cây cần sa, cây coca, cây khát và các loại cây khác có chứa chất ma túy, sắp tới có thể sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng - tức tăng mức phạt tiền lên gấp đôi.

Tuy nhiên, góp ý vào dự thảo nghị định không ít ý kiến cho rằng, chỉ tăng chế tài xử phạt thôi thì chưa đủ. Tăng chế tài không phải là chìa khóa vạn năng để góp phần giải quyết tình trạng trên. Điều quan trọng nhất là tổ chức triển khai các quy định pháp luật về phòng chống ma túy; trong đó cần gắn trách nhiệm của chính quyền địa phương - nơi có cá nhân, tổ chức trồng thuốc phiện, cây coca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy.

Đã đến lúc cần xem xét rõ trách nhiệm của chính quyền cấp xã trong việc quản lý ở địa phương, không thể nói một người dân trồng vài nghìn cây cần sa, thuốc phiện; hoặc trồng số lượng ít (lách luật) nhưng trồng nhiều lần, ở những địa bàn khác nhau mà chính quyền không biết. Thực tế xử lý vi phạm cho thấy, không ít trường hợp đối tượng tìm cách chia nhỏ số lượng cây trồng, thuê nhiều người trồng để tránh bị phát hiện, xử lý hình sự.

Đình Khoa