Đọc sách: Tuyển tập Xuân Trình

04/06/2021 08:51

Ghi nhận thành tựu một nhà viết kịch quan trọng của thời kỳ trước và sau Đổi Mới 1986, nhà xuất bản Sân khấu mới đây đã xuất bản Tuyển tập Xuân Trình. Tuyển tập đồ sộ gồm 1.300 trang với nhiều bài viết và mười vở kịch làm nên tên tuổi của ông. Dày dặn thế nhưng vẫn còn thiếu một số vở đáng chú ý như Thời tiết ngày mai.

Sinh thời, Xuân Trình (1936 - 1991) là tác giả có nhiều vở kịch gặp trục trặc, nhất là thời kỳ trước Đổi Mới. Ngôi nhà trong thành phố (1973) đã được Đoàn Kịch nói Trung ương dựng xong nhưng rồi bị xếp lại. Bạch đàn liễu cũng viết năm 1973, tác giả đề cập nạn cường hào lý trưởng mới ở nông thôn, cũng lại bị một số ý người chụp mũ nặng nề. Vở Thời tiết ngày mai (1978) đã được dựng hoàn chỉnh trên sân khấu nhưng không được công diễn vì một số ý kiến phản ứng gay gắt. Ngay cả vở kịch Quê hương Việt Nam, ca ngợi lũy thép Vĩnh Linh chiến đấu chống Mỹ, viết từ năm 1967 cũng bị phê là không cổ vũ nâng cao được tinh thần chiến đấu mà chỉ làm cho người ta ghê sợ chiến tranh. Trên thực tế, Xuân Trình là người tinh tường và cảm thấu được những vấn đề cốt yếu của thế sự mà vẫn còn chìm khuất dưới tầng sâu sự kiện, rồi đặt ra rất sớm những vấn đề ấy trước xã hội. Cái khó của tác giả có lẽ chính là vì đã nhìn thấy trước và không ngại nêu vấn đề giữa lúc hệ thống quản lý còn đang vướng bận với những điều to tát khác.

Vở kịch Đợi đến mùa xuân ra đời năm 1986, khi văn chương nghệ thuật bắt đầu được bật đèn xanh “nhìn thẳng vào sự thật/không uốn cong ngòi bút”… Công chúng hào hứng đón nhận vì câu chuyện đi thẳng vào điểm yếu bao lâu nay là ngành giáo dục. Dạy đạo đức rất nhiều nhưng đạo đức của thầy và trò và phụ huynh và xã hội không vì thế mà đã được cải thiện. Vấn đề nêu ra khi ấy không còn là sớm nhưng cũng phải chờ có ngọn gió Đổi Mới mới có thể được khai thông: thầy không ra thầy, trò ngang nhiên sàm sỡ cả cô giáo dạy mình, phụ huynh thì tin rằng có thể mua được tư cách và phẩm giá của người thầy… vậy thì trách nhiệm của xã hội đến đâu?

Vở kịch hoàn chỉnh hơn cả, trọn vẹn hơn cả của Xuân Trình là Mùa hè ở biển (1985). Vừa trữ tình vừa hài hước, tình huống kịch thú vị, xung đột cũng vừa đủ độ, hấp dẫn mà không gay gắt cho nên tính thuyết phục cao. Một người cứng nhắc chủ trương đường lối như ông cán bộ Đoàn Xoa, bắt vợ con phải nhất nhất theo ý mình, đến mức con gái ông lỡ dở tình duyên và suýt nữa điều đó lặp lại với cậu con trai. Ông cũng kiên quyết chống việc phá rào tập thể hợp tác xã, khoán ruộng cho hộ gia đình nông dân, nhưng không chống được xu thế tất yếu ngay trong xã mình. Ông cứ loay hoay bảo vệ cái cũ, rồi phải chống đỡ với cái mới tất yếu trong đời sống bà con nông dân, trong chính những riêng tư ở gia đình ông… Câu chuyện gây ra tiếng cười sảng khoái cho người xem, và người đọc kịch.

Vở kịch này và Đợi đến mùa xuân giống như sự “giải nguyền” và khai thông cho sự nghiệp sáng tác luôn trắc trở của Xuân Trình. Nhưng khó khăn có lẽ đã càng mài giũa cho tư tưởng của nhà văn thêm sắc bén, và những vở kịch ông viết càng về sau càng sâu sắc và hoàn chỉnh hơn. Nhờ đó, nhiều tác phẩm của ông dù phản ánh hiện thực của gần nửa thế kỷ trước, nhưng vẫn được công chúng hôm nay tâm đắc. Gần đây, Nhà hát Tuổi trẻ đã dựng lại Đợi đến mùa xuân, Lucteam dựng lại Bạch đàn liễu và vẫn nhận được sự quan tâm hưởng ứng của người xem.

Hồ Anh Thái

------

* Tuyển tập Xuân Trình, NXB Sân khấu 2020.