Thấy gì từ điều tra mức sống dân cư?
Kết quả khảo sát mức sống dân cư do Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, thu nhập bình quân của người dân cả nước năm 2020 theo giá hiện hành đạt 4,23 triệu đồng/tháng. Như vậy, năm 2020, tổng thu nhập của dân cư xấp xỉ 5 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 79% GDP (GDP ước đạt 6,3 triệu tỷ đồng).
Theo Hệ thống các tài khoản quốc gia của Liên Hợp Quốc và của Tổng cục Thống kê Việt Nam, tổng thu nhập của dân cư gồm thu nhập từ sản xuất và các khoản thu nhập khác như thu từ sở hữu và chuyển nhượng. Các khoản thu nhập từ sản xuất mới tính vào GDP (theo phương pháp thu nhập), còn các khoản thu nhập từ sở hữu và chuyển nhượng (như kiều hối) được tính vào thu nhập quốc gia khả dụng (National Disposable Income). Kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, 89% thu nhập của dân cư (tương đương 4,5 triệu tỷ đồng) là từ sản xuất và 11% (tương đương 0,5 triệu tỷ đồng) từ thu nhập khác.
Chi tiêu hộ gia đình gồm chi tiêu dùng cuối cùng và chi khác. Chú ý rằng chỉ có chi tiêu dùng cuối cùng mới được tính vào GDP, chi khác như chi trả sở hữu và chi chuyển nhượng không tính vào GDP. Chi cho tiêu dùng cuối cùng của dân cư chiếm tỷ trọng khoảng 93% tổng chi tiêu của hộ gia đình. Năm 2020, chi tiêu bình quân hộ gia đình cả nước là 2,89 triệu đồng/người/tháng, tức là khoảng 3,4 triệu tỷ đồng, trong đó khoảng 3,1 triệu tỷ đồng được tính cho tiêu dùng cuối cùng. Tuy nhiên tiêu dùng cuối cùng trong GDP (theo phương pháp chi tiêu) còn bao gồm cả những khoản như tự sản xuất tự tiêu dùng và nhà ở tự có tự ở, nên sẽ lớn hơn tiêu dùng cuối cùng trong điều tra mức sống dân cư.
Từ những số liệu trên có thể thấy thu nhập của người lao động (COE - Consumption Of Employees) chiếm khoảng 89% tổng thu nhập của dân cư và 71% trong GDP. Năm 2012, tỷ lệ này chỉ khoảng 60% GDP. Như vậy, hệ số co giãn về lao động - được tính bằng tỷ lệ giữa thu nhập của người lao động so với tổng giá trị tăng thêm (GVA - Gross Value Added)- theo giá cơ bản lên đến 78% và hệ số co giãn về vốn chỉ là 22%. Thông thường, tỷ lệ này của các nước trong khu vực khoảng 60 - 40 hoặc 65 - 35. Điều này cũng cho thấy nền kinh tế đòi hỏi một lượng vốn rất lớn mới có được tăng trưởng. Tuy nhiên, Việt Nam không tính GDP theo phương pháp thu nhập, vì vậy khó có thể nhận xét nghịch lý thu nhập bình quân đầu người giảm nhưng GDP lại tăng là ở yếu tố nào và vì đâu?
Cũng theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người giảm 2% so với năm 2019 nhưng chi tiêu của hộ gia đình lại tăng 13% so với năm 2018. Do mức chênh lệch khá lớn giữa thu nhập (4,23 triệu đồng/người/tháng) và chi tiêu (2,89 triệu đồng/người/tháng) nên dù thu nhập giảm, chi tiêu tăng lên thì tổng thu nhập của dân cư vẫn lớn hơn chi tiêu khoảng 1,6 triệu tỷ đồng, chiếm 25% GDP. Theo số liệu trong niên giám thống kê, tỷ lệ đầu tư (gross capital formation) so với GDP trong giai đoạn 2015 - 2020 chỉ khoảng 27% GDP.
Số liệu này cho thấy nguồn tiết kiệm trong khu vực dân cư khá lớn, nếu huy động được vào với sản xuất sẽ kích thích tăng trưởng tốt hơn nữa. Trường hợp lượng tiền lớn mà động cơ đầu tư không có sẽ “bèo giạt mây trôi” lang thang bất định trong nền kinh tế có thể dẫn đến nguy cơ lạm phát cao.
Tuy nhiên, để lượng tiền này đến được với sản xuất - liên quan đến động cơ đầu tư của người dân - có hai vấn đề lớn mà các nhà hoạch định chính sách cần để tâm. Một là, về mặt kinh tế, hệ số co giãn của lao động và vốn là 78 - 22 cho thấy thặng dư của nền kinh tế khá thấp. Theo Sách Trắng về doanh nghiệp Việt Nam năm 2020, tỷ lệ lợi nhuận trước thuế so với tài sản cố định chỉ khoảng 3,5%. Hai là, với lợi nhuận thấp và phải hứng chịu quá nhiều thanh tra, kiểm tra của cơ quan công quyền khiến động cơ đầu tư giảm sút nghiêm trọng.
Các nhà hoạch định chính sách cần có cái nhìn và đánh giá toàn diện tình hình cả những nghịch lý, những lệch lạc này thay vì hoan hỉ với thành tích tăng trưởng hoặc thặng dư thương mại…