Bài 1: Nhà hát dừng diễn, nghệ sĩ bỏ nghề

Hương Sen 31/05/2021 07:45

Hơn một năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nghệ thuật biểu diễn gần như bị đóng băng khiến các đơn vị nghệ thuật gặp vô vàn khó khăn. Để tìm lối thoát, các đơn vị đang nỗ lực thay đổi, tìm hướng đi mới, nhưng cũng mong muốn nhận được chính sách hỗ trợ từ Nhà nước.

Tại tọa đàm trực tuyến bàn giải pháp nào đưa khán giả đến sân khấu sau đại dịch mới đây, đại diện các nhà hát đều than thở, chưa bao giờ thị trường nghệ thuật biểu diễn lại ảm đạm và khó khăn như hiện nay. Hàng loạt chương trình đã lên khung đều phải hủy, có chương trình đã phát hành vé phải xin lỗi và trả lại tiền cho khách. Đáng buồn hơn, nhiều nghệ sĩ đã bỏ nghề, tìm kiếm công việc mới.

Nghệ thuật biểu diễn, nhất là nghệ thuật truyền thống đang gặp nhiều khó khăn
Nghệ thuật biểu diễn, nhất là nghệ thuật truyền thống đang gặp nhiều khó khăn

Đau đầu giữ chân nghệ sĩ

Đại dịch Covid-19 bùng phát, Nhà hát Chèo Việt Nam đã phải hủy toàn bộ các suất diễn phục vụ chính trị và hợp đồng biểu diễn, lưu diễn; tương tự là chương trình thực hiện theo đơn đặt hàng dự kiến diễn vào tháng 5. Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã chuẩn bị tác phẩm kịch xiếc phục vụ thiếu nhi trong dịp hè 2021 song cũng phải gác lại. Kế hoạch phục vụ khán giả vùng sâu, vùng xa của Nhà hát Tuồng Việt Nam hai lần lên lịch đều đúng thời điểm tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Nhà hát Cải lương Việt Nam cũng phải hủy các đêm diễn ít ỏi mà khó khăn lắm mới ký được hợp đồng...

Các đơn vị tự chủ hoặc tự chủ một phần kinh phí hoạt động như Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam, Nhà hát Tuổi Trẻ… càng khó khăn hơn. Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam Nguyễn Hải Linh cho biết: "Hiện tất cả các đơn vị nghệ thuật đều trong tình trạng án binh bất động. Ban giám đốc chúng tôi đang đau đầu với việc giữ người để họ không bỏ đơn vị đi tìm việc khác và cân đối nguồn tài chính để duy trì mức lương cơ bản cho người lao động. Có thể nói từ năm ngoái đến nay, nghệ thuật biểu diễn chưa tìm được lối thoát".

Cùng tình cảnh, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam, NSND Nguyễn Tiến Dũng, chia sẻ: "Sân khấu múa rối không hoạt động, khó khăn nhiều thứ. Chúng tôi xác định rõ tư tưởng chống dịch còn lâu dài, nhưng cũng lo lắng cho sự phát triển của sân khấu múa rối. Lo lắng diễn viên bỏ nghề. Năm ngoái mấy nghệ sĩ bỏ nghề rồi. Nếu năm nay các bạn ấy vẫn làm thì sẽ được Nhà hát lập hồ sơ đề nghị phong danh hiệu NSƯT nhưng các bạn vẫn bỏ. Có bạn năm nay đủ điều kiện để Nhà hát xét tuyển biên chế, cũng bỏ".

Theo NSND Nguyễn Tiến Dũng, gần đây, không chỉ người trẻ mà cả NSƯT hoặc những nghệ sĩ đã có thành tích và gắn bó nhiều năm với sân khấu cũng rời bỏ nghề. Đáng tiếc là họ xin nghỉ không phải để đến đơn vị nghệ thuật khác mà làm các công việc như bán bảo hiểm, bán hàng, làm nhôm kính... để kiếm sống. “Không có kinh phí để nuôi nhân lực, nghệ sĩ bỏ đi là chuyện rất bình thường, bởi lương không có thì ai gắn bó với nghề. Chúng tôi xác định con người là quan trọng, bởi không có nghệ sĩ giỏi thì không thể có tác phẩm sân khấu hay, nhưng không biết làm cách nào", Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Phạm Ngọc Tuấn bổ sung.

Đời sống khó khăn, càng khó có khán giả

Sân khấu muốn "sống" được phải có biểu diễn, vì vậy các đơn vị nghệ thuật đã và đang tìm mọi cách để duy trì hoạt động. Thời gian qua, Nhà hát Tuồng Việt Nam vẫn cho nghệ sĩ tập luyện vở mới để sẵn sàng phục vụ khán giả khi dịch được khống chế. Theo ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát, sân khấu trong bối cảnh này song song với việc giữ nghệ sĩ ở lại với nghề, các đơn vị cũng linh hoạt xoay xở để trả lương cho nghệ sĩ. Với Nhà hát Kịch Việt Nam, đơn vị này đã có phương án dự phòng để có thể trả lương giữ chân nghệ sĩ trẻ, nghệ sĩ hợp đồng, bên cạnh việc xây dựng các kênh trên Youtube và TikTok để nghệ sĩ biểu diễn phục vụ khán giả. Nhà hát Chèo Việt Nam thì tận dụng khoảng thời gian này để thực hiện ghi hình, ghi âm các làn điệu, vở diễn phục vụ công tác bảo tồn.

Tuy nhiên, theo NSND Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Nhà hát Múa Rối Việt Nam, các phương án nêu trên chỉ là giải pháp tình thế. "Giống như vừa qua, Nhà hát múa Rối Việt Nam đã phối hợp với đài truyền hình quay hai vở diễn. Khi các tác phẩm được phát sóng, khán giả ủng hộ và đánh giá cao. Điều này khích lệ chúng tôi rất nhiều, nhưng không phải lúc nào các vở diễn cũng lên truyền hình được. Hơn nữa, sân khấu phải có khán giả trực tiếp, để tạo được sự hưng phấn cho nghệ sĩ”.

Ông Dũng lo lắng, khi dịch được khống chế, việc kéo khán giả trở lại với sân khấu cũng không dễ dàng. “Bởi khi người ta vui vẻ, có của ăn của để thì kéo nhau đi xem sân khấu. Chứ sau dịch, đời sống khó khăn càng khó thu hút khán giả đến với sân khấu, đặc biệt là với nghệ thuật truyền thống”.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các nhà hát mong muốn, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tiếp tục thực hiện đề án hoạt động nghệ thuật trên nền tảng trực tuyến (nhà hát online) được đưa ra năm ngoái. Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước sẽ hỗ trợ các đơn vị xây dựng một kênh truyền thông về nghệ thuật biểu diễn và có thể hợp tác làm "Nhà hát truyền hình" để các đơn vị giới thiệu những chương trình hay, tiết mục đặc sắc của mình.

Có thể thấy, các nhà hát đang phải tự xoay xở để tồn tại. Trong bối cảnh dịch bệnh chưa có dấu hiệu chấm dứt, các đơn vị nghệ thuật rất mong Nhà nước có những gói hỗ trợ để trước mắt giảm bớt gánh nặng cơm áo gạo tiền, giúp giữ chân nghệ sĩ với nghề. Nếu không được biểu diễn, không được trả lương, không có kinh phí để trang trải cuộc sống, diễn viên buộc phải dứt áo ra đi, sân khấu đã khó khăn sẽ càng khó khăn hơn.

Hương Sen