Thành lập Quỹ vaccine phòng Covid -19

Hà An 27/05/2021 19:36

Ngày 26.5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Nghị quyết 53/NQ-CP thông qua chủ trương thành lập Quỹ vaccine phòng Covid-19. Ngay trong ngày, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đã ký ban hành Quyết định 779/QĐ-TTg thành lập Quỹ vaccine phòng Covid-19. Điều đó cho thấy, trong thời điểm này vaccine phòng Covid -19 đã trở nên “nóng” hơn bao giờ hết. Đây là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ, của người dân trước tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp.

Việc thành lập Quỹ vaccine phòng Covid-19 Việt Nam (Quỹ) để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng tự nguyện bằng tiền, vaccine của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vaccine phòng Covid-19 cho người dân. Quỹ do Bộ Tài chính quản lý.

Quỹ này hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, sử dụng vốn đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả. Quỹ chịu sự kiểm tra, thanh tra, kiểm toán về các hoạt động tài chính của Quỹ của các cơ quan quản lý nhà nước về tài chính và Kiểm toán nhà nước; giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cộng đồng.

Đến nay, Việt Nam đã thực hiện tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt 1 và 2 tại các tỉnh/TP với 1.034.072 liều cho các đối tượng theo Nghị quyết 21 của Chính phủ. (Ảnh: nhandan.v)
Đến nay, Việt Nam đã thực hiện tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt 1 và 2 tại các tỉnh/TP với 1.034.072 liều cho các đối tượng theo Nghị quyết 21 của Chính phủ. (Ảnh: nhandan.v)

Theo tính toán của Bộ Y tế, dự kiến mua 150 triệu liều vaccine phòng Covid-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người, với tổng nhu cầu kinh phí ước khoảng 25,2 nghìn tỷ đồng, bao gồm kinh phí mua vaccine, kinh phí vận chuyển, bảo quản, phân phối, tổ chức tiêm chủng.

Để có được số lượng vacccine này, nguồn kinh phí để mua vaccine, ngân sách Trung ương dự kiến phải bố trí khoảng 16 nghìn tỷ đồng, bảo đảm cho các đối tượng do Trung ương quản lý và hỗ trợ ngân sách địa phương khó khăn; ngân sách địa phương chi và huy động đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức khoảng 9,2 nghìn tỷ đồng.

Cho đến thời điểm này, dịch Covid -19 dù đã “trong tầm kiểm soát”, song vẫn còn diễn biến phức tạp. Nếu tình trạng dịch kéo dài thì nhu cầu vaccine hàng năm tăng cao, kinh phí mua vaccine lớn, nếu chỉ dựa vào nguồn ngân sách nhà nước thì sẽ khó đáp ứng mục tiêu phòng dịch cho toàn dân.

Việt Nam chính thức triển khai tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 từ ngày 8.3. Tính đến 16 giờ ngày 25.5, tổng cộng đã thực hiện tiêm vaccine phòng Covid-19 đợt 1 và 2 tại các tỉnh/thành phố với 1.034.072 liều cho các đối tượng là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ phòng chống Covid-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các lực lượng công an, quân đội. Trong đó, 28.503 người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19.

Trong bối cảnh cân đối ngân sách nhà nước còn khó khăn, để huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài và các nguồn vốn hợp pháp khác mua vaccine phòng Covid-19, việc thành lập Quỹ vaccine phòng Covid-19 là rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch, đẩy nhanh tiến độ tiếp cận mua, nhập khẩu vaccine để triển khai tiêm chủng trên diện rộng cho nhân dân. Việc thành lập Quỹ này không chỉ là mục tiêu, nhiệm vụ của Chính phủ, mà còn là nguyện vọng của gần trăm triệu người dân Việt Nam mong được tiếp cận với vaccine ngừa Covid -19 một cách sớm nhất.

Do số lượng nhập về còn có hạn, trong khi nhu cầu sử dụng vaccine lại rất lớn, do đó, thời gian vừa qua, Chính phủ đã ban hành nghị quyết về mua và sử dụng vaccin phòng chống Covid -19.  Theo đó, tùy tính chất công việc, những người ở tuyến đầu chống dịch, những người có nguy cơ lây nhiễm cao thuộc đối tượng ưu tiên để tiêm trước để họ có thể yên tâm phòng, chống dịch… Những người chưa được tiêm ở vào thời điểm này cũng hết sức chia sẻ với Chính phủ, bởi nguồn vaccine lúc này vẫn còn rất khiêm tốn.

Có thể thấy, trong các cuộc họp, ngoài các biện pháp phòng, chống dịch như sự tuân thủ và ý thức cao nhất của người dân trong phòng, chống dịch thì vấn đề vaccine luôn là vấn đề nóng. Đây có thể coi là một trong những biện pháp phòng dịch khá hiệu quả vào lúc này. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh, trước những diễn biến mới của dịch bệnh, công tác phòng, chống dịch cần tiếp tục chuyển trạng thái, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngự và tấn công, thực hiện hiệu quả chiến lược “5K+vaccine”. Người đứng đầu Chính phủ đã yêu cầu kiên quyết thực hiện có hiệu quả chiến lược vaccine, cụ thể là đẩy nhanh hơn nữa việc tiếp cận mua, nhập khẩu các nguồn vaccine theo đúng chỉ đạo. Cùng với đó, đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu và sản xuất vaccine trong nước; tổ chức tiêm chủng cho hiệu quả, chủ động phòng ngừa sự cố.

Vấn đề vaccine một lần nữa được Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại Lễ phát động phát động đợt cao điểm vận động nhân dân cả nước ủng hộ công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức sáng nay (27.5). Chủ tịch Nước đề nghị Chính phủ kiểm soát tốt nguy cơ lây bệnh từ bên ngoài, dập dịch triệt để bên trong, “truy vết thần tốc, khoanh vùng nhanh, xét nghiệm rộng, phong tỏa, giãn cách xã hội ở phạm vi và thời hạn cần thiết, chặn đứng nguồn lây”. Đặc biệt, đề cao chiến lược 5K + vaccine, thần tốc xét nghiệm và tiêm vaccine cho nhân dân, bảo đảm an toàn ở mức cao nhất cho các cơ sở y tế, khu công nghiệp, khu dân cư đông người.

Vào thời điểm này, số lượng vaccine được nhập về vẫn còn là khá khiêm tốn so với nhu cầu sử dụng người dân, nhưng đó cũng là sự nỗ lực rất lớn từ phía Chính phủ, trong đó có vai trò không nhỏ của Bộ Y tế.

Việc Chính phủ sớm thành lập Quỹ vaccine phòng Covid-19 cùng với sự chung tay, góp sức của cộng đồng doanh nghiệp, các mạnh thường quân, tin rằng, mọi người dân sẽ sớm có cơ hội để tiếp cận với vaccine. Bởi việc đảm bảo đủ vaccine, triển khai nhanh, hiệu quả và an toàn kế hoạch tiêm vaccine ở tại thời điểm này có ý nghĩa chiến lược, quyết định rất lớn đến thành quả phòng, chống dịch, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội.

Hà An