​​​​​​​Hà Nội trong mắt người di cư

Ngọc Phương 28/04/2021 05:50

Không ấn tượng với sự hào nhoáng, phồn hoa đô thị, Hà Nội đọng lại trong góc nhìn của người lao động di cư là sự vất vả mưu sinh, hay những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, rồi vấn đề môi trường, giao thông, văn hóa... Các bức ảnh và câu chuyện thể hiện công việc, tình yêu cũng như trăn trở của họ cho thành phố này.

	Bức ảnh của tác giả Đỗ Thị Hồng
Bức ảnh của tác giả Đỗ Thị Hồng

Góc nhìn của người lao động di cư

Nhân Ngày Quốc tế Lao động 1.5, sáng 27.4, tại Hà Nội, diễn ra triển lãm ảnh và tọa đàm “Hà Nội qua góc nhìn của người lao động di cư”. Trước đó, Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Đan Mạch đã kết hợp với Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE), Viện Phát triển Sức khỏe Cộng đồng Ánh sáng (Light) và ECUE thực hiện dự án chụp ảnh kể chuyện (photovoice) với sự tham gia của gần 40 người lao động di cư đến Hà Nội từ khắp các vùng miền Tổ quốc. Qua đó, những góc nhìn khác nhau về Hà Nội đã được thể hiện.

“Hơn 30 năm qua, chị Nhung đã gắn bó với công việc giặt và phơi nylon. Từ xã Bình Kiều, Khoái Châu, Hưng Yên, chị ra Hà Nội kiếm sống bằng nghề bốc vác, nhặt phế liệu. Công việc vất vả và bẩn thỉu theo đúng nghĩa đen của nó. Chị phải tiếp xúc với các loại nylon đã cũ, đã bẩn, phải dùng đôi tay để rửa, vò, phơi rồi gấp ngay ngắn để những mảnh nylon đã bị bỏ đi có thể được tái chế. Không chỉ nylon, chị còn phải gom nhặt và vệ sinh nhiều loại phế liệu khác từ khắp nơi trong thành phố” - tác giả Đỗ Thị Hồng, quê ở Vĩnh Phúc, trọ ở Phúc Tân chia sẻ về bức ảnh và nhân vật của mình và cho rằng: “Công việc chị Nhung vẫn làm hàng ngày một cách thầm lặng ấy chính là hành động thiết thực nhất để làm đẹp cho thành phố”...

Tác giả Đỗ Thị Út, quê ở Hưng Yên, lại ấn tượng với cụ già hơn 90 tuổi vẫn ngày ngày bán bánh giò, hoa quả trên vỉa hè phố Hàng Trống. “Mười mấy năm làm móng dạo ở các con phố cổ của Hà Nội, buổi trưa tôi thường chỉ có thời gian ăn tạm gì đó cho qua bữa, bởi khách hàng tranh thủ làm móng vào giờ họ nghỉ trưa. Bánh giò là lựa chọn tối ưu. Thời gian cứ thế trôi qua và tôi dần trở thành khách quen của cụ, hơn nữa, cũng muốn ăn để ủng hộ cụ. Chúng tôi vẫn thường trò chuyện với nhau. Tôi quý cụ và thương cụ vì ở cái tuổi lẽ ra phải được an nhàn thì cụ vẫn miệt mài lao động từ sáng tới tận tối mới về... Tôi cảm thấy giữa tôi và cụ gần như không có khoảng cách, dù cụ là người Hà Nội còn tôi là người ở quê ra".

	Hà Nội trong góc nhìn của tác giả Kiều Khánh Duy
Hà Nội trong góc nhìn của tác giả Kiều Khánh Duy

Trong khi đó, góc máy của tác giả Phạm Thị Hậu, quê Hải Dương, làm giúp việc gia đình và bán hàng rong, tập trung thể hiện sự thay đổi khi bãi đất hoang của phường Phúc Tân được cải tạo, trở thành một không gian cho phụ nữ và trẻ em vui chơi, tập thể dục, cộng đồng hội họp. Chị cho biết: “Sân chơi đã gắn kết mọi người lại với nhau, người dân địa phương cũng có nhìn nhận khác về chúng tôi, không còn kỳ thị như trước mà tôn trọng và hòa đồng hơn. Mọi người cùng nhau tổng vệ sinh mỗi tuần. Các hoạt động tuyên truyền về bảo vệ sức khỏe, hạnh phúc gia đình… của nhóm phụ nữ di cư cũng thu hút nhiều người dân ở đây tham gia vì nội dung thiết thực cho họ”...

Kết nối và gắn bó

Dự án kể chuyện qua ảnh (photovoice) là dịp để những người lao động di cư nói về tình cảm, suy tư, và mong muốn của họ với Hà Nội - nơi họ không chỉ sống vì kế sinh nhai mà còn đang góp phần kiến tạo nên thành phố. Theo anh Lê Quang Bình, Giám đốc doanh nghiệp xã hội ECUE, dự án được thực hiện từ tháng 1 - 3.2021, Ban tổ chức đã chọn lựa 98 bức ảnh và hơn 64 câu chuyện giới thiệu trên fanpage Vì một Hà Nội đáng sống. Phần lớn trong số đó tập trung thể hiện về sự kết nối của người lao động di cư với con người nơi đây, tập trung vào người yếu thế, thiệt thòi. Trong đó, 19 câu chuyện kể về đồng nghiệp lao động di cư, 7 câu chuyện về người có hoàn cảnh khó khăn, 12 câu chuyện về văn hóa, ẩm thực, giao thông, 14 câu chuyện về môi trường...

34 người tham gia dự án từ 19 - 65 tuổi (12 nam và 22 nữ) đến từ 15 tỉnh như: Đồng Tháp, Bình Thuận, Sơn La, Yên Bái, Thái Bình, Bắc Giang... bao gồm cả người Kinh và người dân tộc thiểu số. Đa số họ trước đó chỉ quan tâm công việc kiếm sống, lần đầu tiên được học chụp ảnh để kể câu chuyện của mình. Qua góc máy và câu chuyện của họ, Hà Nội hiện lên với tình yêu, sự thấu cảm và tôn trọng những vất vả mưu sinh của người dân thuộc mọi tầng lớp, lứa tuổi, giới tính, và ngành nghề. Ở đó cũng cho thấy, Hà Nội đã và đang được hình thành một phần do lao động và tương tác của những người lao động di cư với thành phố.

 Triển lãm giới thiệu các bức ảnh và câu chuyện của người lao động di cư tới Hà Nội
Triển lãm giới thiệu các bức ảnh và câu chuyện của người lao động di cư tới Hà Nội
Ảnh: Ng. Phương

Họ làm nhiều nghề khác nhau từ lái xe ôm, bán hàng rong, nhặt rác, giúp việc... đời sống kinh tế không khá giả, nếu không nói là khó khăn, nhưng trong những câu chuyện họ kể không than nghèo kể khổ, mà toát lên tinh thần lạc quan. Anh Vũ Văn Toàn, Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống, nhận xét: "Thông qua ảnh, cho thấy sự đóng góp của người lao động di cư với thành phố này từ công việc họ làm. Dự án cũng ghi lại hành trình di chuyển của họ mỗi ngày, có thể đi quanh thành phố, kết nối thành phố với các tỉnh khác. Nếu mỗi đường đi là một nét vẽ thì họ chính là người tô đậm cho bản đồ thành phố mỗi ngày, giúp cho thành phố trở nên sống động”.

“Chúng ta thấy thành phố là của mình khi mình được kết nối với thành phố. Những bức ảnh và câu chuyện từ dự án cho thấy kết nối của người lao động di cư với Hà Nội khá chặt chẽ, được tạo nên qua công việc, lao động của họ. Kết nối ấy rất tích cực, thể hiện sự quan tâm, gắn bó, tình yêu với Hà Nội và mong muốn đóng góp cho thành phố ngày càng tốt lên” - anh Lê Quang Bình nói.

Ngọc Phương