Cây bàng ta

Vũ Thế Long 11/04/2021 08:51

Cây bàng ta rụng lá vào mùa đông, khi trời đất nhiều mây, u ám thì cành cây khẳng khiu cho phép ánh sáng chiếu xuống đất làm cho cảnh vật bớt u ám. Mùa xuân và vào hè, nắng mới, thì lá non xanh rờn mọc ra và che bóng cho sân trường, đường phố...

Xưa, cây bàng được các chuyên gia thực vật đô thị Pháp (Cty La foret) trồng trong một số trường học, bệnh viện và cả trên một số tuyến phố. Cây bàng cũng được trồng ở một số đình chùa, trên một số đảo (Côn Đảo)... Bàng vuông là thứ cây đặc biệt có trên các đảo san hô và một số đảo gần bờ từ miền Trung trở vào.

Thực tế cho thấy cây bàng ta lá to có khả năng sống lâu, chịu được gió bão vì gốc nó có bạnh vè nên đứng vững trước giông bão.

Cây bàng ta rụng lá vào mùa đông, khi trời đất nhiều mây, u ám thì cành cây khẳng khiu cho phép ánh sáng chiếu xuống đất làm cho cảnh vật bớt u ám. Màu lá đỏ của bàng đã đi vào thi ca và hồn cốt của người dân Thủ Đô cũng như khắp nơi trên đất nước này. Mùa xuân và vào hè, nắng mới, thì lá non xanh rờn mọc ra và che bóng cho sân trường, đường phố.

Lá bàng và quả bàng có chất tanin nên có thể dùng làm thuốc chống sâu răng. Lá đem gói xôi, làm chất đốt cũng tốt. Nhân hạt bàng có thể làm nhân bánh, làm mứt...

Cây có dáng và thế đẹp.

Người ta hay e ngại đến cuối xuân vào hè trên cây này thường có một loài sâu róm do bướm đẻ trứng vào, nếu tiếp xúc thì có thể bị ngứa phỏng da. Trên cây bàng cũng có con cánh cam sinh sôi vào mùa sâu bọ cứng biến thái.

Tôi đã hỏi chuyện nhiều gia đình sống ở vùng có cây bàng, họ cho biết nhiều chục năm nay do thuốc trừ sâu và nhiều loại hóa chất khác thải ra môi trường nên sâu róm gần như không còn. Nếu như vẫn còn sâu róm thì công ty cây xanh cũng có thể dùng các biện pháp trừ sâu sinh học để loại trừ tác hại này.

Ở Hà Nội có thể thấy những gốc bàng cổ ở một số sân trường tiểu học cũ như Ngô Sỹ Liên, Quang Trung, Lê Ngọc Hân hay trong sân bệnh viện Việt Đức, một số sân chùa...(Nhưng nhiều trong số đó hình như cũng đã bị đốn rồi, để lát gạch).

Cây bàng Việt Nam là cây có ích và thích hợp với sân trường, bệnh viện. Đẹp, có khả năng tuổi thọ hơn trăm năm, chịu được gió bão nếu biết chăm sóc tốt. Thích hợp với vùng khí hậu nóng vào mùa hè, u ám vào mùa đông. Nên tiếp tục quy hoạch và chăm sóc hợp lý. Đây là cây cho bóng mát và điều chỉnh khí hậu cực tốt.

Cây bàng Đài Loan là cây mới được nhập về gần đây. Người ta nhập về trồng nhiều ở ven biển miền Trung Phan Rang, Phan Thiết. Mấy năm gần đây thì được trồng nhiều ở Hà Nội, cùng với cây phượng; sau thì thêm cả cây phong... Cây này không mang sắc thái tự nhiên đặc trưng của miền Bắc. Cành yếu, lá nhỏ, có nhiều tán nhưng che nắng kém, gió to là đổ gẫy. Cây phượng cũng hay bị sâu mọt làm gẫy cành khi mưa gió (cả phượng vàng và phượng đỏ). Nên làm những khảo nghiệm tổng kết những cây trồng đô thị trong thời gian khoảng 150 năm trở lại đây và đánh giá lại hệ thống cây trồng kiến trúc đô thị qua các thời kỳ, căn cứ theo nhu cầu thực tại của đời sống và giá trị văn hóa, khoa học, cũng như chức năng cần thiết của cây đô thị trong hệ sinh thái hài hòa. 

Tôi đã hướng dẫn một số thế hệ sinh viên khảo cứu vấn đề này và cũng đã trực tiếp cùng một số chuyên gia về dân tộc thực vật học làm những điều tra. Kết quả cho thấy do kém nhận thức và nhiều nguyên nhân khác nữa nên người ta đã hủy hoại rất nhiều cổ thụ vô giá của Hà Nội ngàn năm. Thật đáng tiếc.

Vũ Thế Long