Thay ngay cán bộ trì trệ

Hà An 11/03/2021 18:24

Hà Nội sẽ có cơ chế kịp thời thay thế ngay những cán bộ trì trệ trong công việc, năng lực hạn chế, không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác. Đây là một trong những nội dung đáng chú ý trong Tờ trình của Ban Thường vụ Thành ủy về việc xây dựng Chương trình công tác số 01 của Thành ủy về “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025” tại hội nghị lần thứ 3 của Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội, sáng nay, (ngày 11.3).

Bộ máy muốn vận hành tốt đòi hỏi phải có một đội ngũ nhân lực tốt. Ở đó, cán bộ phải thể hiện được tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, không làm việc kiểu cầm chừng cho có.

Thời gian qua, cùng với việc hoàn thiện thể chế, sắp xếp, cơ cấu tổ chức, bộ máy của chúng ta đã được tinh gọn, giảm nhiều đầu mối trung gian, tinh giản được nhiều người không làm được việc ra khỏi bộ máy. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những cán bộ, công chức làm việc cầm chừng, phòng thủ, giữ an toàn cho mình nhất nhất là gần mỗi kỳ lấy phiếu tín nhiệm. Chính sự cầm chừng này đã tạo sức ỳ cho cả một bộ máy.

Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền miễn nhiệm, cho thôi làm nhiệm vụ đối với cán bộ có 2 năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức “không hoàn thành nhiệm vụ”. Ảnh: minh họa

Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền miễn nhiệm, cho thôi làm nhiệm vụ đối với cán bộ có 2 năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức “không hoàn thành nhiệm vụ”. Ảnh: minh họa

Là một trong những địa phương được đánh giá là có bộ máy hành chính vận hành rất hiệu quả, mang tinh thần của một nền hành chính phục vụ, song tình trạng cầm chừng của một bộ phận cán bộ, công chức ở Đà Nẵng vẫn còn xảy ra. Tại Kỳ họp lần thứ 15, của Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng Khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021, khi nhận định về cán bộ, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Nho Trung đã thẳng thắn, một bộ phận cán bộ làm việc còn cầm chừng, chưa yên tâm, thiếu nhiệt huyết, thiếu tinh thần trách nhiệm, việc chấp hành kỷ luật kỷ cương hành chính chưa nghiêm.

Sự trì trệ còn là cách làm việc đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Tiếc rằng, quả bóng trách nhiệm cứ lăn từ sở nọ, sang ngành kia mà đôi khi sự chậm trễ trong giải quyết công việc của chính các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền lại được quàng bởi lý do vướng quy định của pháp luật.

Một doanh nghiệp xây dựng ở TP Hồ Chí Minh đã từng phản ánh về những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải khi lập thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội khi chỉ nộp hồ sơ xin quyết định chủ trương đầu tư mà mất gần 1 năm nhưng chưa hoàn thành. Trong khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Nguyễn Thành Phong cho rằng, “chỉ có chuyện trao đổi chỉ tiêu quy hoạch mà kéo dài gần 1 năm, chuyện đó giải quyết chỉ cần một tuần”.

Không phủ nhận, vẫn có độ trễ và cả sự vướng mắc của các quy định pháp luật. Nhưng nếu chúng ta thực sự quyết tâm, các cơ quan liên quan, cán bộ, công chức có trách nhiệm hoàn toàn có thể ngồi lại để cùng nhau trao đổi, thảo luận, đề xuất các phương án tháo gỡ. Nếu cán bộ chủ động vào cuộc, cán bộ vì người dân, vì doanh nghiệp thì đã không xảy ra tình trạng quá hạn, “ngâm hồ sơ”.

Chính sự trì trệ, làm việc cầm chừng, đối phó của một số cán bộ đã hình thành nên một số cán bộ “có cũng được, không có cũng chẳng sao”. Để xảy ra tình trạng này là do thời gian qua chúng ta đã không xử lý cứng rắn đối với cán bộ làm việc không đến nơi, đến chốn. Bởi thực tế cán bộ “không làm cũng không sao”, “làm không tốt cũng không sao”. Và hậu quả là tạo nên sức ỳ của bộ máy.

Luật Cán bộ, công chức hiện hành quy định, nghĩa vụ của cán bộ, công chức là người đứng đầu: xử lý kịp thời, nghiêm minh cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý có hành vi vi phạm kỷ luật, pháp luật, có thái độ quan liêu, hách dịch, cửa quyền, gây phiền hà cho công dân. Ngoài ra, Luật này cũng quy định, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền miễn nhiệm, cho thôi làm nhiệm vụ đối với cán bộ có 2 năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức “không hoàn thành nhiệm vụ”. Điều này cho thấy, căn cứ vào đánh giá cán bộ, người đứng đầu, cơ quan có thẩm quyền có quyền xử lý cán bộ nếu như không hoàn thành kế hoạch, làm việc cầm chừng không hiệu quả.

Nhân dân cần là một đội ngũ cán bộ, công chức đủ tinh, đủ mạnh, có trách nhiệm với tinh thần phục vụ. Luật đã có những quy định về xử lý cán bộ công chức, việc còn lại phụ thuộc vào quyết tâm thực hiện của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Đặc biệt, phải phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong xử lý cán bộ không làm được việc, tránh tình trạng nể nang, né tránh. Phải thay ngay cán bộ trì trệ, không đủ năng lực, không phải chờ đến hết nhiệm kỳ.

Hà An