"Đập cánh" kiểu Nguyễn Hoàng Điệp

Ngọc Diệp 31/01/2021 08:44

Nếu Nguyễn Hoàng Điệp không làm phim nữa, giới làm phim độc lập sẽ mất đi một đạo diễn cá tính, nhưng biết đâu giới tổ chức sự kiện văn hóa lại có thêm một tài năng. Khi tôi nói điều này, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp chỉ gật gù: “Gần đây tôi có nghĩ, giữa làm phim và tổ chức sự kiện văn hóa, tôi đang làm việc nào tốt hơn…”.

 Sau khi bộ phim đầu tay Đập cánh giữa không trung (2014) tung cánh khắp các liên hoan phim quốc tế, Nguyễn Hoàng Điệp đã trở thành tâm điểm của báo chí. Vinh quang luôn đi kèm gánh nặng của sự kỳ vọng. Đó là mặt trái của tấm huy chương.

 Nghệ thuật luôn khắc nghiệt, khi anh (chị) đã vắt kiệt 100% sức lực cho sản phẩm đầu tay, người ta kỳ vọng sản phẩm thứ hai anh (chị) phải cống hiến tới 200% sức lực. Ở khoảng giữa tác phẩm thứ nhất và thứ hai, mấy ai biết người nghệ sĩ vật vã thế nào. Sáu năm trôi qua, Nguyễn Hoàng Điệp vẫn đang... viết kịch bản tác phẩm thứ hai.

Cơn ghen” khi không được làm phim

"Thành công của Điệp không chỉ đến từ vô vàn ý tưởng sáng tạo, từ sự chăm chút, đầu tư cho không gian mà còn đến từ mong muốn kéo nghệ sĩ và khán giả lại gần nhau hơn".

 Như chú chim nhỏ trong trò chơi điện tử Flappy Bird, Nguyễn Hoàng Điệp đã có chặng khởi hành tương đối suôn sẻ. Càng về sau, “game” điện ảnh càng khó khăn hơn. Khi màn hình xuất hiện chữ “game over” liên tục, một người chơi kiên trì có thể dành 5 năm để làm một bộ phim như Nguyễn Hoàng Điệp cũng có lúc rơi xuống hố sâu. Có thời gian Điệp cạo đầu, quyết không xem bất cứ một tác phẩm điện ảnh nào của thế giới, lờ đi tất cả những bộ phim nội địa được người làm nghề chú ý và chỉ xem phim thật dở rồi ngồi im cười khẩy một mình.

"Đó là giai đoạn tôi không có một bộ phim nào để làm. Cơn ghen không được làm phim khiến tôi tức thở muốn chết, nhưng không được chết, vì còn bố mẹ, chồng con…”, Nguyễn Hoàng Điệp thú nhận.

Hãy tưởng tượng một nữ đạo diễn luôn coi điện ảnh là Thánh đường, chỉ quan tâm đến những đường đua quốc tế, giờ phải ngồi không thì stress thế nào. Mà đời thì oái oăm, thỉnh thoảng lại tặng cho đạo diễn một thử thách, còn không cho phép họ lựa chọn. Sau "Đập cánh giữa không trung", Nguyễn Hoàng Điệp phải dành thời gian chăm mẹ ốm, sau đó đến lượt bố ốm nặng.

 Điệp thú nhận khi nghe y tá nói số tiền tạm ứng viện phí 80 triệu đồng, Điệp chẳng khác gì một “con bạc thua tất tay”, vì Điệp đã từng coi điện ảnh “Thánh”, là “mây trắng đời tôi”, nếu không được làm phim Điệp sẽ chết. Nhưng khi người nhà bị ốm, Điệp nhận thấy vị Thánh này không giúp ích gì nhiều cho cuộc đời mình.

"Thời điểm bố tôi bị bệnh rồi mất là dấu mốc lớn với tôi. Trước đây tôi là người chỉ quan tâm đến đường đua lớn, tôi có trong đầu rất nhiều kế hoạch, luôn quan sát những người làm phim quốc tế với sự ngưỡng mộ, dè chừng và có cả đố kị. Sau khi bố mất, tôi mất hẳn chỗ dựa, mất đi lý do tôi ẩn náu vì chưa làm được bộ phim thứ hai... Đến giờ này tôi thấy bình thản, không làm phim thì làm việc khác, tôi có thể nhìn ngắm và tiếp tay cho cơ hội làm phim của đồng nghiệp mà không chút xao lòng. Hẳn nhiên ông Định (Nam y Nguyễn Đại Định, bố đẻ của Nguyễn Hoàng Điệp - PV) đã làm được điều gì đó với tôi”, Nguyễn Hoàng Điệp nói.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp và chồng (KTS Cường Nghiêm) tại không gian
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp và chồng (KTS Cường Nghiêm) tại không gian "Ơ kìa Hà Nội"

Người khiến Hà Nội “lên đồng” với thơ Lưu Quang Vũ

 Sau rất nhiều năm, Hà Nội mới có một sự kiện về Lưu Quang Vũ đặc biệt đến vậy. Đêm 17.4.2019, hơn 350 người gồm cả trẻ lẫn già đã cùng đọc Mây trắng của đời tôi mừng sinh nhật cố thi sĩ, nhà viết kịch tài năng Lưu Quang Vũ tại không gian Ơ kìa Hà Nội do Nguyễn Hoàng Điệp sáng lập.

 Trước đó là cả một tuần lễ đầy ắp các sự kiện chiếu phim về Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh, khảo cứu thơ Lưu Quang Vũ, ra mắt thư viện Mây Trắng, đêm nhạc, triển lãm tranh - tượng lấy cảm hứng từ cố thi sĩ, nhà viết kịch tài ba Lưu Quang Vũ.

 Đạo diễn phim tài liệu, NSND Nguyễn Thước, người bị Điệp lôi kéo vào sự kiện này kể: “Điệp là người đam mê cái gì thì như người tử về đạo. Bằng tình yêu đặc biệt của mình dành cho hai cố thi sĩ, Điệp đã lôi kéo bạn văn nghệ vào vòng say mê không thể cưỡng lại được. Lúc đầu tôi cũng không hiểu Điệp lấy đâu ra chất liệu để kéo dài sự kiện một tuần trời. Nhưng cuối cùng cô ấy đã làm được. Thời gian đó Điệp đưa thơ Lưu Quang Vũ lên mạng xã hội khiến những người yêu thơ Lưu Quang Vũ như lên đồng”.

Trong không gian trắng muốt loa kèn tháng tư, dưới vòm tre xanh rì rào trong gió của không gian Ơ kìa Hà Nội, những vần thơ Lưu Quang Vũ cất lên đã khiến nhiều người yêu thơ đêm hôm đó đều rưng rưng xúc động. Đã lâu lắm rồi Thơ mới có một vị trí trang trọng đến thế.

 Đó cũng là lần đầu tiên Nguyễn Hoàng Điệp, với tư cách một người tổ chức các sự kiện văn hóa thử nghiệm cách thức tạo nên một hệ sinh thái cho các sự kiện, nơi rất nhiều loại hình nghệ thuật đan xen.

 Hầu hết các sự kiện của "Ơ kìa Hà Nội" không lặp lại, sự kiện sau có cách thức tổ chức khác hoàn toàn sự kiện trước, không chỉ khiến khách tham dự, mà nhân vật cũng phải bất ngờ. Sau khi hết giãn cách xã hội vì Covid-19, Điệp lao ngay vào tổ chức một loạt sự kiện trong khi các không gian văn hóa vẫn còn đang chậm chạp khởi động. Giám đốc Công ty cổ phần phát triển điện ảnh TPD, anh Nguyễn Hoàng Phương phải công nhận Ơ kìa Hà Nội là không gian văn hóa hồi phục nhanh và làm tốt nhất.

 Nhà quay phim, NSND Nguyễn Hữu Tuấn, một trong những người được Điệp mời “mở hàng” cho không gian Ơ kìa Hà Nội sau Covid-19 đánh giá: “Đối với tôi, Điệp như một đạo diễn thực cảnh. Trong không gian "Ơ kìa Hà Nội", cô ấy có thể tổ chức đủ loại sự kiện về văn chương, nhạc, họa, nhiếp ảnh… và pha trộn các thể loại với nhau rất tài tình. Cô ấy cũng là người dẫn dắt cuộc trò chuyện, kết nối nghệ sĩ với khán giả rất giỏi. Hiếm người làm được như vậy lắm”, NSND Nguyễn Hữu Tuấn.

Huy động chồng con làm sự kiện

 Nguyễn Hoàng Điệp nhiều ý tưởng và cầu toàn đến mức kiến trúc sư của Ơ kìa Hà Nội là anh Cường Nghiêm cũng phải chóng mặt. Người đàn ông này không chỉ là người bạn đời thấu hiểu được sự phức tạp của Điệp và là "Thần Đèn" chuyên hiện thực hóa mọi mong muốn của cô. “Anh Cường rất lý tính, có chiến lược phát triển từng giai đoạn cho Ơ kìa Hà Nội, anh ấy chính là người kìm tôi lại, mỗi khi mong muốn của tôi đi quá xa”, Điệp chia sẻ.

 Cường Nghiêm đã chứng kiến những sáng kiến đem lại thành công cho Ơ kìa Hà Nội của vợ, cũng như những thất bại. Chỉ có Điệp mới nghĩ ra ý tưởng “máy bán thơ”, thực chất là những thẻ thơ được thiết kế rất đẹp, truyền bá trên mạng xã hội, với lượng tương tác rất khả quan. Còn khi Điệp làm thư viện cho mượn sách miễn phí thì từ lúc mở đến lúc đóng thư viện có đúng một đứa trẻ lớp hai đến mượn sách vào ngày cuối cùng đóng cửa thư viện. Những thất bại đó đã có "Thần Đèn" giải quyết, Điệp chỉ cần tập trung “đẻ” ý tưởng thôi.

  Mới đây nhất, làm sự kiện "Nhật ký rùa con", để nâng cao ý thức bảo vệ các loài động vật hoang dã, sau khi mời nghệ nhân gốm, Điệp vẫn chưa yên tâm. Điệp quyết định nhờ con trai Đậu Đỏ lập trình một game giúp trẻ hiểu biết về vòng đời của con rùa, những thử thách nó phải vượt qua khi ra được biển lớn. Trong game có dòng cảnh báo: “Game còn một số lỗi vì chúng tôi chưa được giỏi”. Kết thúc chương trình, game là một trong những hoạt động thành công nhất vì nhờ game, bọn trẻ thu nhận được đủ kiến thức để trả lời câu hỏi trong hội thảo.

    "Ơ kìa Hà Nội" hiện đang là một không gian văn hóa hoạt động hoàn toàn tự thân, không có nguồn tài trợ từ bất cứ tổ chức nào. Sau những tháng ngày vật vã để cân bằng kinh phí hoạt động, Điệp nói “cứ phải làm tiếp thôi vì tính tôi thích làm văn hóa cho cộng đồng”.

   Thành công của Điệp không chỉ đến từ vô vàn ý tưởng sáng tạo, từ sự chăm chút, đầu tư cho không gian mà còn đến từ mong muốn kéo nghệ sĩ và khán giả lại gần nhau hơn. Điệp không thích tạo ra một sân chơi khu biệt dành cho nghệ sĩ, mà cô quan điểm nghệ thuật phải đến được với công chúng thì mới sống được.

    Vợ chồng cô cũng vất vả lên xuống vì cứ làm được một địa điểm tốt thì lại bị đòi. Lần nào đi qua Công viên Thống Nhất, Điệp cũng thèm: “Cả cái công viên to như thế mà để phí, nếu tôi được hoạt động trong đó tôi sẽ tạo ra cho nó đầy sự kiện. Hà Nội hoàn toàn có thể trở thành một không gian văn hóa khổng lồ”.

Ngọc Diệp