Bài 2: Giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc

Hương Sen 29/01/2021 07:27

Giữa núi rừng Pác Bó, Cao Bằng, với quyết tâm “làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập, làm cho nhân dân Việt Nam được sung sướng, tự do”, Nguyễn Ái Quốc đã thành lập Mặt trận Việt Minh, giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, tập hợp, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Đặt lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia lên trên hết

Chỉ 4 tháng sau khi về nước, từ ngày 10 - 19.5.1941, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập Hội nghị lần thứ VIII Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Dưới sự chủ trì của Người, Hội nghị đã kiện toàn cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, bầu ra Ban Chấp hành Trung ương chính thức, Ban Thường vụ Trung ương, bầu đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương; trên cơ sở đó kiện toàn các cấp bộ Đảng từ Xứ ủy đến các địa phương. Theo PGS.TS Trần Thị Thu Hương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Lịch sử Đảng: “Đây là nhân tố hàng đầu quyết định đường hướng của cách mạng Việt Nam. Đặc biệt, Hội nghị xác định nhiệm vụ giải phóng dân tộc là nhiệm vụ cấp thiết của cách mạng Việt Nam lúc này”.

Theo sáng kiến của Người, trên tinh thần dân tộc tự quyết, Hội nghị quyết định thành lập ở ba nước ba mặt trận riêng để tập hợp lực lượng giải quyết nhiệm vụ cách mạng trong phạm vi của dân tộc mình. Tại Việt Nam, thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh, nhằm đoàn kết rộng rãi mọi lực lượng yêu nước trong Mặt trận Việt Minh. Tập hợp các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trai, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, cốt thực hiện hai điều mà toàn thể đồng bào đang mong ước. Đó là, làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập; làm cho dân Việt Nam được sung sướng, tự do.

PGS.TS Trần Thị Thu Hương khẳng định, Hội nghị lần thứ VIII Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì đã bổ sung, phát triển đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam - đường lối giải phóng dân tộc ở một nước thuộc địa phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Trong đó, đặc biệt xác định vấn đề đặt lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia lên trên hết; xây dựng và củng cố hệ thống tổ chức Đảng; xúc tiến xây dựng căn cứ địa cách mạng, lực lượng chính trị, tập hợp lực lượng cho mặt trận Việt Minh, lực lượng vũ trang, cũng như các tổ chức chính trị khác như: Cứu quốc quân, Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân; tích cực chuẩn bị lực lượng, đón thời cơ khởi nghĩa… “Đây chính là quá trình hoàn thiện đường lối cách mạng giải phóng dân tộc, tập hợp lực lượng cùng toàn Đảng, toàn dân hướng vào mục tiêu cao nhất là giành độc lập dân tộc và chính quyền về tay nhân dân”.

 Nghị quyết đúng đắn của Hội nghị đã được toàn Đảng và toàn dân ta thực hiện, dấy lên cao trào đánh Pháp, đuổi Nhật, thúc đẩy toàn bộ tiến trình của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, góp phần lan tỏa, lan rộng các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc từ Bắc Kỳ, Trung Kỳ cho tới Nam Kỳ. Cao trào cách mạng của nhân dân ta đã dẫn tới thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, đưa dân tộc Việt Nam bước sang một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Từ đây Đảng trở thành Đảng cầm quyền, hoạt động công khai lãnh đạo nhân dân Việt Nam trong công cuộc kháng chiến kiến quốc.

Ngày 2.9.1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Ngày 2.9.1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa  

Ý Đảng thấm đến lòng dân

Đánh giá vai trò của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trong giai đoạn này, PGS.TS Nguyễn Đình Lê, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết, từ rất sớm, Nguyễn Ái Quốc đã nhận thức rõ sức mạnh to lớn, vô địch của quần chúng nhân dân Việt Nam. Đó là, muốn giải phóng dân tộc thì phải dựa vào sức mạnh toàn dân. Chủ nghĩa dân tộc, yêu nước của Nguyễn Ái Quốc rõ ràng có cơ sở rất sâu sắc. Chính vì thế, ngay khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, trong “Chính cương vắn tắt, sách lược vắn tắt”, Nguyễn Ái Quốc đề cao động lực to lớn là nhân dân. Quan điểm của Người khác với ý kiến của các bậc tiền bối, thậm chí còn khác ý kiến của một số đồng chí của Người vì họ nhấn mạnh tính giai cấp trong đấu tranh.

Thực tiễn lịch sử dân tộc, qua vài chục năm sau năm 1930 thấy rõ, xã hội Việt Nam phân hóa sâu sắc và điều cốt lõi nhất là tuyệt đại đa số nhân dân Việt Nam yêu nước, chống thực dân, tha thiết với độc lập dân tộc. Thực tế đó cũng thể hiện rằng, trong hầu hết thế hệ tiền bối cách mạng, thế hệ thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam là những người yêu nước có học thức, có nhận thức xã hội sâu sắc. Chính vì thế, khi về nước, tư tưởng đại đoàn kết toàn dân của Nguyễn Ái Quốc từng chỉ lối trong vài thập kỷ trước, một lần nữa đã soi sáng cho công cuộc giải phóng dân tộc. Đó là tư tưởng không phân biệt đảng phái, tôn giáo, chính kiến, hễ người Việt Nam nào yêu nước đều đứng trong hàng ngũ cách mạng, trong hàng ngũ mặt trận Việt Minh. Đây là sản phẩm trí tuệ, sản phẩm thực tế của một người con của dân tộc thấu hiểu nội tình đất nước.

“Tư tưởng trên của Người là tinh hoa xây dựng nên khối đại đoàn kết dân tộc trong mặt trận Việt Minh. Mặt trận này là thực lực chính trị, là đạo quân cách mạng. Từ mặt trận Việt Minh, khi có điều kiện đã xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, xây dựng căn cứ địa, vùng giải phóng và xây dựng Chính phủ lâm thời. Mặt trận Việt Minh cũng chính là sợi dây nối liền mối quan hệ máu thịt Dân - Đảng, Đảng - Dân, để ý Đảng thấm đến lòng dân, tạo ra khả năng cho Đảng có thể phát động một cuộc Tổng khởi nghĩa toàn dân trên địa bàn cả nước. Đại đoàn kết trong Mặt trận Việt Minh là điểm khởi đầu cho cuộc chiến đấu 30 năm ròng và cuối cung thu non sông về một mối”, PGS.TS Nguyễn Đình Lê nhận định.

Nhìn lại chặng đường lịch sử Việt Nam từ năm 1920 - 1945, PGS.TS Vũ Quang Hiển, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Đảng, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) đánh giá: Hồ Chí Minh có bản lĩnh độc lập, không chịu giáo điều, kiên định chiến lược cách mạng giải phóng dân tộc. Là người đã vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào giải phóng dân tộc, Hồ Chí Minh đã bình tĩnh, sáng suốt, kiên trì giữ vững quan điểm sáng tạo, đúng đắn của mình. Bằng dũng khí và trí tuệ, với sự tế nhị, khéo léo, ý thức tổ chức kỷ luật, Người đã phấn đấu quyết liệt và bền bỉ để vượt qua thử thách và giành thắng lợi cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Thực tiễn lịch sử đó để lại bài học lớn của cách mạng Việt Nam là phải nêu cao ngọn cờ tư tưởng Hồ Chí Minh, bám chắc thực tiễn Việt Nam, giữ vững tính độc lập về tư duy, vận dụng và phát triển lý luận một cách sáng tạo, không rập khuôn máy móc, chống giáo điều, để xác định đường lối chính trị đúng đắn, phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc và phát triển đất nước.

Hương Sen