Lệ Thu - "Tiếng hát bay trên hàng phố"
Chỉ đến khi Lệ Thu cất giọng, “Ngậm ngùi” mới nổi như cồn và sau đó được xưng tụng như một trong những bài hát phổ thơ hay nhất trong lịch sử âm nhạc Việt Nam.
Khi một người nằm xuống, mang chuyện xấu của người ta ra kể thật không nên chút nào. Nhưng có một câu chuyện về danh ca Lệ Thu mà tôi nhớ mãi, và câu chuyện ấy lập tức trở lại trong lòng tôi khi hay tin cô đã sang bên kia cuộc đời để hội ngộ cùng Lam Phương, Phạm Duy và Trịnh Công Sơn. Câu chuyện ấy do cố nhà văn Hồ Trường An kể, nay xin thuật lại.

Đến anti-fan cũng phải ngả mũ
Trong cuốn “Theo chân những tiếng hát”, Hồ Trường An kể lại mối “thâm thù” kéo dài 20 năm của mình và Lệ Thu, chỉ vì ông viết một bài trên báo, nói về mối hiềm khích giữa Lệ Thu và Thanh Lan.
Không biết giữa Lệ Thu và Thanh Lan có xích mích gì nhưng một đêm nọ, Lệ Thu quyết định “chơi xấu” người đồng nghiệp. Cả hai lúc đó đều là ca sĩ ruột của phòng trà Tự Do. Thường Lệ Thu sẽ hát trước rồi chạy show ở một phòng trà khác. Đêm ấy, Lệ Thu thay vì hát những bài tủ của mình đã quyết định hát những bài tủ của Thanh Lan. Kết quả là khán giả hoan hô Lệ Thu nhiệt liệt vì những bài hiếm khi thấy cô hát. Thanh Lan nào biết điều đó. Cô đến sau và hát lại những bản ruột rồi chỉ nhận lại những tiếng vỗ tay chiếu lệ. Sau khi biết lý do, Thanh Lan đã khóc ròng và than thở với báo chí. Hồ Trường An là một trong những người viết bài “đánh” Lệ Thu sôi nổi nhất.
Lệ Thu tất nhiên là “ghim” Hồ Trường An vì đã bênh Thanh Lan (Cũng trong bài viết ấy, Hồ Trường An thậm chí còn khẳng định kỹ thuật hát của Thanh Lan cao hơn Lệ Thu). Thế nên khi Hồ Trường An đến tư gia của Lệ Thu trên đường Trần Quang Khải để mời tham gia một chương trình nhạc chủ đề do ông chọn bài và viết lời dẫn nhập, Lệ Thu đã không ra mở cổng. Cô đứng bên trong, nói vọng ra là lỡ làm mất chìa khóa cổng nên không mời ông vào nhà được. Hồ Trường An tả: “Lúc ấy, mặt cô hầm hừ và đanh đá như mặt bà già giết giặc, trông phát khiếp”.
Nghe câu chuyện “chơi xấu” này, tôi không hề mất hình tượng mà chỉ thấy Lệ Thu thập phần đáng yêu. Đời chúng ta ấy ai thoát khỏi câu chuyện yêu/ghét muôn đời. Nhưng qua cách hành xử của mình, Lệ Thu cho thấy tuy cô có hơi chút bồng bột trong cư xử, nhưng lại có niềm tin khủng khiếp vào giọng ca của mình. Bởi vì nếu cô hát không thành công những bài sở đoản, vốn chưa qua nhiều tôi luyện, có khi chính cô sẽ bị Thanh Lan làm bẽ mặt nếu hát sau và hát hay hơn.
Tất nhiên Lệ Thu đã không rơi vào cảnh bẽ bàng ấy. Vì cô sở hữu một giọng ca mà chính Hồ Trường An - dù ghét cô - cũng phải gọi là “khởi phụng đằng giao” (nghĩa là con phượng hoàng trỗi dậy, con rồng bay cao). Ông viết: “Trong 5 năm đầu thập niên 1960. Lệ Thu hát “Summer time” một tám một mười với ca sĩ da màu Mahila Jackson”.
Một người Việt Nam, nhưng lại có chất giọng của một người Mỹ da màu. Không lạ khi vào năm 1964, Lệ Thu hát bản “Xin mặt trời ngủ yên” trong đĩa nhựa microsillon hay tuyệt diệu. Nghe kỹ lại nhạc đệm bài hát này, ta không thể không nhận ra Trịnh Công Sơn bị ảnh hưởng lớn bởi “The house of the rising sun”. Và khi Lệ Thu cất giọng gào thét của mình lên, giới mộ điệu đã đón nhận nó thật nồng nhiệt. Hãy xem anti-fan Hồ Trường An viết: “Chua choa ơi, tiếng gào trầm thống sao mà chắc nịch làm tôi liên tưởng đến giọng các nữ ca sĩ da màu chuyên hát nhạc jazz theo điệu blue như Ella Fitzgerald, Sarah Vaughan, Mahila Jackson, Pearl Bailey hay nữ ca sĩ kiêm minh tinh màn bạc Liza Minnelli”.
“Xin mặt trời ngủ yên” là một bài blue có những chỗ lên rất cao mà chỉ có cách gào rống mới diễn tả nổi cái đau banh gan xé ruột. Ở bài “Xin mặt trời ngủ yên” là nỗi đau lớn của kiếp nhân sinh. Gào rống mà tiếng hát vẫn giữ vững cao độ, không sai một bán cung như Lệ Thu đâu dễ.
Vì “Xin mặt trời ngủ yên” và trước đó là “Lời buồn thánh”, Trịnh Công Sơn đã mời Lệ Thu cùng mình đi du ca. Nhưng lúc này, tài năng của Lệ Thu đã phát tiết dữ dội, nên cô trở thành cái tên được các phòng trà săn đón. Rất thích, nhưng Lệ Thu đành phải từ chối lời mời của người nhạc sĩ mà mình rất quý.
Và ở đây, ta thấy một chiếc gạch nối đáng nhớ trong lịch sử âm nhạc Việt Nam. Vì sự từ chối của Lệ Thu đã mở ra cơ duyên để Việt Nam được nghe tiếng hát của Lệ Mai. Lệ Mai, cô gái Hà Nội gầy gò mới 18 tuổi đầu đã có hai đứa con, mau chóng nhìn thấy ở Trịnh Công Sơn một mối lương duyên tiền định. Họ mau chóng tìm thấy sự liên kết kỳ lạ. Sau nhiều cuộc hẹn hò bất thành, cả hai xuất hiện tại quán Văn và từ đó, đời sống của họ cũng như đời sống âm nhạc Sài Gòn trước 1975 không bao giờ còn như trước nữa.
Người con gái tên Lệ Mai ấy vì quá yêu câu chuyện giữa Khánh Kỵ và Yêu Ly trong Đông Chu Liệt Quốc, đã quyết định lấy cho mình cái biệt danh Khánh Ly.
Khi ca sĩ tạo nên nhạc sĩ
Sau khi Thái Thanh bớt dần hoạt động âm nhạc, có thể nói "võ lâm" chỉ còn lại cặp kỳ phùng địch thủ Lệ Thu và Khánh Ly. Nếu Khánh Ly có giọng hát trời phú bù đắp cho một kiến thức nhạc lý nghèo nàn (“Một nốt nhạc bẻ đôi tôi còn không biết” - Khánh Ly nói) thì Lệ Thu sở hữu một kỹ thuật hát ngày càng trở nên điêu luyện hơn.
Khi nói đến Thái Thanh, ta nghĩ đến Phạm Duy. Nói đến Khánh Ly, ta nghĩ đến Trịnh Công Sơn (dù cả hai đều hát hay nhạc của những nhạc sĩ khác). Nhưng khi nói đến Lệ Thu, ta không thể bật ra ngay một nhạc sĩ. Bởi vì giọng hát của cô, thay vì gắn liền với sự bồi dưỡng của một nhạc sĩ nào đó đã quay ngược lại bồi dưỡng cho tên tuổi của chính người viết nhạc.
Ta lấy chính cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam là Phạm Duy ra làm ví dụ.
Trong thời kỳ “tiền chiến”, nhạc sĩ Lê Thương đã phổ “Ngậm ngùi” của Huy Cận thành ca khúc “Tiếng thùy dương”. Nhiều ca sĩ đã hát bài này trên đài phát thanh Pháp Á nhưng mau chóng chìm nghỉm. Rồi Phạm Duy lại phổ “Ngậm ngùi” một lần nữa, được danh ca Anh Ngọc thu vào đĩa nhựa để giao duyên với giọng ngâm thơ của Hoàng Oanh. Vậy mà bài hát vẫn ít được ai chú ý. Chỉ đến khi Lệ Thu cất giọng, “Ngậm ngùi” mới nổi như cồn và sau đó được xưng tụng như một trong những bài hát phổ thơ hay nhất trong lịch sử âm nhạc Việt Nam.
Sau khi “Ngậm ngùi” nổi tiếng đến tột đỉnh, Phạm Duy khoái quá mới viết riêng cho Lệ Thu một bài nữa là “Nước mắt mùa thu”, như một cách “cắt nghĩa” hai chữ Lệ Thu. Thu thì là “mùa thu” rõ rồi, nhưng “lệ” không có nghĩa là nước mắt. Ông bà ta đặt tên cho con là Lệ Thanh, Lệ Thủy, Lệ Mai hoàn toàn không có ý muốn đời nó ngập trong nước mắt, bởi “lệ” ở đây có ý nghĩa là đẹp, lệ trong diễm lệ, mỹ lệ, kiều lệ. Là bậc thầy ngôn ngữ, Phạm Duy tất nhiên biết điều đó. Nhưng ông vẫn cắt nghĩa chữ Lệ thành “nước mắt” mà nhờ đó tân nhạc Việt Nam có thêm một bài hát thật hay.
Rồi Lệ Thu cũng không buộc chặt tên mình với những sáng tác của Phạm Duy mà cứ hát những bài mà cô cho là phù hợp với mình nhất. Dẫu vậy, mỗi khi trở lại hát một bài nào đó của Phạm Duy, bài ấy liền trở thành tuyệt phẩm. Chúng ta đang nói đến “Mùa thu chết” phổ từ ý thơ Apollinaire, đến “Nghìn trùng xa cách” và đến những tác phẩm được phổ từ thơ của Minh Đức Hoài Trinh. Không có nét nhạc thần sầu của Phạm Duy, có lẽ người ta sẽ mau chóng lãng quên Minh Đức Hoài Trinh. Nhưng không có giọng ca vút cao ám ảnh của Lệ Thu, người ta có lẽ cũng sẽ lãng quên những bài hát ấy. Hãy nghe lại “Đừng bỏ em một mình”, khiến người nghe ai cũng phải sởn hết da gà khi nghe lần đầu. Tiếng hát ấy từ khởi thủy vốn mang trong mình những sự bất an.
Vẫn là Hồ Trường An viết: “Tiếng hát Lệ Thu khàn mà cao vút. Khi lên cao, cô vẫn giữ giọng thật, rống lên thật vang dội để cho tiếng trải đều ra, vạm vỡ và dũng mãnh như thác nước Niagara. Những bản “Hương xưa” và “Hoài cảm” của Cung Tiến, “Chiếc lá cuối cùng” của Tuấn Khanh, “Ngày đó chúng mình” của Phạm Duy là những bản để cô biểu diễn giọng cao như bay vút tận trăm tầng cổ tháp và rắn rỏi như đá hoa cương của mình. Giọng cao mà khàn khàn, dòn và sáng. Nhưng chuỗi ngân của cô không đều, hơi thô rít, làn hơi cô hơi ngắn, phải tinh tai lắm mới thấy cô vá víu làn hơi và chuỗi ngân của mình. Cô trình bày bản nhạc đơn giản, không õng ẹo điệu đà nên tiếng hát dễ đi sâu vào tâm hồn người thưởng ngoạn”.
"Tiếng hát của Lệ Thu làm cho chúng ta nghĩ đến một trái hỏa châu bắn vọt lên không trung để tỏa ngời ánh sáng. Nó cũng giống như cây pháo Phi Thiên Thập Hưởng khi đốt phải phóng lên không trung để cho tiếng vang xa như sấm rền. Và qua những câu chuyện thần thoại của Trung Hoa, chúng ta có thể nghĩ đó là con giao long tu luyện lâu năm đến khi đắc đạo bay vọt lên chín tầng mây biếc... Là tiếng hát bay về trời, gợi hình ảnh khởi phụng đằng giao trong truyện cổ tích, trong huyền thoại.”.
Lời mô tả sao đẹp đến thế, thật khó tin lại đến từ một người vốn có hiềm khích lớn với Lệ Thu suốt mấy chục năm. Nhưng ở đây, ta thấy tài năng của Lệ Thu đã vượt xa khỏi những yêu ghét thông thường. Tiếng hát cô đủ sức thuyết phục những đôi tai khó tính nhất. Và không có tiếng hát ấy, kiệu chúng ta có biết đến Trường Sa, Trần Trịnh, Tuấn Khanh hay Cung Tiến?
Có giai thoại về bài “Hoài cảm” của Cung Tiến. Phòng trà hôm ấy lần đầu Lệ Thu hát ca khúc này. Thường khi nhạc xuống dần, mọi người sẽ chờ để vỗ tay. Nhưng Lệ Thu đã hát xong câu cuối “Nhớ thương biết bao giờ nguôi”, nhạc đã xuống phải mấy giây rồi mà người ta vẫn không nghe tiếng vỗ tay nào. Rồi lộp độp, tiếng vỗ tay tràn lên như sấm. Đấy vì mọi người bị bài hát “hút hồn” đến độ hết rồi vẫn còn ngẩn ngơ.
Hay như bài “Xin còn gọi tên nhau” của Trường Sa, đã xuất hiện phải trong ít nhất là 10 CD khác nhau, được phối đi phối lại không biết bao nhiêu lần. Lệ Thu đi đến đâu, ông chủ hãng đĩa cũng nài nỉ cô thu bài đó cho bằng được vì chỉ cần có cái bài “Xin còn gọi tên nhau” của Lệ Thu là đĩa bán chạy. Đó là điều từng xảy ra với “Nước mắt mùa thu”.
Giờ thì Lệ Thu, Minh Đức Hoài Trinh, Phạm Duy... đã có thể hội ngộ, cùng biết bao nhiêu nghệ sĩ đã rời bỏ chúng ta trong một năm qua.
Nhưng tiếng hát thì vẫn còn đó thôi. Dù nó được cất lên từ một căn nhà nào đó ở Hà Nội, Huế, Đà Lạt hay Sài Gòn thì nó vẫn là: Tiếng hát bay trên hàng phố bâng khuâng...".