Phúc của phường nghề

Hải Đường 24/12/2020 08:43

Hiện nay, trong khu phố cổ Hà Nội còn 14 đình thờ tổ nghề. Qua thời gian cùng với thăng trầm của lịch sử, các đình thờ tổ nghề - dấu tích của làng nghề xưa - cái còn cái mất nhưng phần nào cũng đã phản ánh được sức sống bền bỉ của những phường nghề, phố nghề tại đất Thăng Long xưa.

Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai...”

“Rủ nhau chơi khắp Long thành/ Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai...” Bài thơ cổ lần lượt chỉ ra các tên phố “hàng”, chỉ những con phố ngắn gắn với nghề hoặc các mặt hàng buôn bán trên phố. Ấy là Thăng Long - “đất kẻ chợ trăm nghề”, là nơi thu hút thợ thủ công lành nghề từ các miền quê về buôn bán và định cư. Quá trình dựng làng, lập phố đã tạo nên nét độc đáo cho mảnh đất kinh kỳ. Không chỉ giới thiệu hàng hóa, thợ thủ công bốn phương còn mang tới cả kỹ nghệ sản xuất, rồi lập đình thờ vị tổ nghề đã có công sáng lập và mở mang tri thức ngành nghề cho họ. Nét văn hóa ấy, trải theo thời gian đã in hằn dấu tích đáng trân quý, tự hào của người Hà Nội.

“Nếp sống, thói quen, nghề nghiệp, sinh hoạt tín ngưỡng... qua hàng nghìn năm, dấu vết vẫn in dấu trên mái đình, ngôi đền cổ kính nằm rải rác trong khu phố cổ Hà Nội hôm nay. Tư liệu quý còn ghi lại, trưng bày chính nơi mà nó phản ánh, là cách để công chúng hiểu hơn về hành trình mang nghề ra phố của thợ thủ công”. Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I Trần Mai Hương nói thêm, đấy cũng là lý do tiếp nối triển lãm “Làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội” đầu tháng 10 vừa qua, từ ngày 18.12.2020 - 15.1.2021, Trung tâm đã phối hợp với Ban quản lý Phố cổ Hà Nội tổ chức triển lãm “Phố cổ Hà Nội - Dấu tích làng nghề xưa”, thông qua tư liệu để kể câu chuyện về đình thờ tổ nghề.

Với vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi, Thăng Long - Hà Nội trở thành nơi thu hút hiền tài, kẻ sĩ, thợ giỏi về sinh cư lập nghiệp, tôn bồi những giá trị văn hóa. Qua thời gian cùng thăng trầm lịch sử, các đình thờ tổ nghề - dấu tích làng nghề xưa cái còn cái mất. Đến nay, khu phố cổ Hà Nội còn giữ được 14 ngôi đình. Mỗi ngôi đình lưu truyền những câu chuyện về tổ nghề, làm điểm tựa tinh thần cho thợ thủ công làm nghề, giữ nghề.

Như đình Kim Ngân, phố Hàng Bạc (địa điểm triển lãm) thờ ông tổ nghề bách nghệ và tổ nghề kim hoàn. Vào khoảng cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI, dưới triều vua Lê Thánh Tông, ở làng Châu Khê (nay thuộc xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, Hải Dương) có ông Lưu Xuân Tín là Thượng thư bộ lại được triều đình phân công phụ trách việc lập xưởng đúc bạc nén (loại tiền tệ lưu hành thời bấy giờ) ở kinh thành. Theo lệnh nhà vua, ông bèn về quê đưa người làng lên kinh đô, làm việc trong “tràng” đúc bạc (nay là số nhà 58 Hàng Bạc). Kể từ sau sự kiện này, làng Châu Khê có tới nửa số dân lên cư trú tại đây. Họ đã lập ra hai ngôi đình để thờ tổ nghề. Đó là đình Trương Thị (số 50 Hàng Bạc) và đình Kim Ngân (số 42 Hàng Bạc). Chuyên bạc và đúc bạc đã trở thành “đặc quyền” của dân làng Châu Khê - Hàng Bạc.

Như đình Xuân Phiến Thị, phố Hàng Quạt, thờ ông tổ nghề quạt họ Đào. Năm xưa nơi đây, người dân làng Đào Xá (còn gọi là làng Đấu Quạt, huyện Ân Thi, Hưng Yên) đã mang nghề truyền thống của tổ tiên ra dựng làng, lập nghiệp. Tên đình có nghĩa là chợ quạt mùa xuân. Hay đình Hà Vỹ, phố Hàng Hòm, thờ ông tổ nghề sơn. Người dân làng Hà Vỹ (xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội) lên Đông Kinh lập nghiệp, mang theo nghề của cha ông để lại là các loại hòm rương, đồ gỗ sơn quang, sơn dầu, sơn mài... Họ thuê nhà, mở cửa hiệu buôn bán, nên mới có tên phố Hàng Hòm...

Bán hàng thủ công trên phố Hàng Thiếc Ảnh tư liệu
Bán hàng thủ công trên phố Hàng Thiếc  

Ảnh tư liệu 

Chốn nương tựa tinh thần

Nhiều tư liệu như khế ước mua đất để xây đình, sơ đồ ngôi đình, ghi chép tiểu sử, công việc liên quan đến xây cất, tu bổ đình, thành lập Hội đồng Trị sự đình... phần nào phản ánh được sức sống bền bỉ của những phường nghề, phố nghề trải qua biến đổi của thời đại. Có thể thấy, sản xuất thủ công của Thăng Long xưa vốn nhỏ lẻ, manh mún và mang tính tự phát, song chính điều này lại tạo nên sự liên kết bền chặt của các phường thợ. Các ngôi đình được lập nên, vừa là nơi để tôn vinh các vị tổ nghề nhưng cũng là nơi để thợ thủ công trao đổi kinh nghiệm sản xuất, vừa là nơi họp chợ vào những ngày phiên. Ở không gian chung ấy, dịp giỗ tổ nghề, lễ tế xuân thu nhị kỳ, với mỗi phường nghề là ngày quan trọng nhất.

Quan trọng bởi lẽ trong những ngày này, ngoài thể hiện lòng biết ơn, sự tri ân, cũng là dịp đoàn viên của các phường nghề để ôn lại quá trình sản xuất trong một năm, trao đổi, phổ biến những kinh nghiệm hay, những bí quyết nghề để cải tiến chất lượng sản phẩm. Qua đó, nhiều mối làm ăn, buôn bán được thiết lập, tạo dựng niềm tin, thương hiệu của mỗi nghề. Hơn thế, theo Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Ngọc Trọng, làng nghề đúc đồng Đại Bái, hình tượng tổ nghề còn là tấm gương sáng cho đời sau lấy đó mà phấn đấu, học tập. “Làm được nghề, giữ được nghề, phát triển được nghề, ấy là nhờ kỹ thuật tài hoa nối truyền từ đời này sang đời khác. Kỹ thuật ấy, một phần đến từ chăm chỉ rèn giũa của thợ, nhưng cũng còn nhờ tổ nghề phù hộ”.

Với thợ thủ công, nghĩ về tổ nghề là tự hào, cũng là điểm tựa tinh thần. Như câu chuyện của Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Mạnh Hùng. Sinh ra và lớn lên trên phố Hàng Da, nhưng phải đến khi tận mắt xem các tư liệu đình thờ tổ nghề, anh mới biết nơi đây có thờ ông tổ nghề làm lọng. “Bây giờ cuộc sống phát triển, một con phố có nhiều nghề khác nhau. Với thợ thủ công, biết về tổ nghề, nhất là tổ nghề của mình, cũng giống như có được điểm tựa để nương vào, biết ơn và trân trọng, tự hào với nghề”.

Với Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần, ông quan niệm việc nhớ đến tổ nghề, biết về gốc tích nghề chính là “vốn” của thợ thủ công. “Vốn” đó càng cần thiết hiện nay, khi sản phẩm thủ công, làng nghề đối mặt với nhiều thách thức. “Sản phẩm của làng nghề không cần thứ bóng bẩy công nghiệp mà phải tinh tế, tỉ mỉ, giàu kỹ thuật. Bây giờ, người thợ nếu muốn làm tốt, muốn hòa nhập phát triển, không chỉ hiểu về cái mới, mà còn phải tường về truyền thống. Người thợ biết được tổ nghề, nắm được kỹ thuật của người xưa, rồi vận dụng kết hợp nó với công nghệ hiện đại sẽ thật phúc cho đất nước, phúc cho phường nghề”.

Hải Đường